Không có nhiều dấu hiệu lạc quan

(ĐTCK-online) PVFC đã thành công trong việc bán 59 triệu cổ phiếu (CP) ra công chúng. Nhưng khi hạn nộp tiền ngày 9/11 đang đến gần, thì việc NĐT rút bớt một phần vốn trên thị trường niêm yết để thanh toán CP trúng đấu giá là hoàn toàn có cơ sở. Do vậy, thị trường vốn đang trong giai đoạn giằng co này sẽ không có nhiều động lực để vươn lên mạnh mẽ như hồi đầu tháng.

Các yếu tố cơ bản
Một nhân tố nữa sẽ ảnh hưởng tới diễn biến của thị trường là việc trì hoãn IPO của Vietcombank so với lịch trình ban đầu. Có vẻ như các cuộc thương lượng với Nomuara, Goldman Sachs và General Electric vẫn chưa đi đến hồi kết, thời điểm IPO có khả năng bị kéo dài. Điều này cũng có thể được hiểu là một lượng vốn lớn sẽ tiếp tục phải nằm chờ giải ngân. Khó có thể nói rằng, sự hứng khởi của NĐT vẫn còn nguyên vẹn sau khi lỗi hẹn như vậy.

Những thông tin về lạm phát cũng khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo ngại. Sau khi tăng chậm lại trong hai tháng 8 và 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 lại tăng mạnh tới 0,74%. Rất ngẫu nhiên, diễn biến của lạm phát có những nét tương đồng nhất định với diễn biến của TTCK. Khi thị trường tăng mạnh trong tuần đầu tháng, thị trường nhà đất cũng nóng trở lại khiến cho giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm tỷ trọng khá lớn trong CPI), tăng 1,51%. Dường như, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 8,2% trong năm nay là không thể, bởi mức tăng CPI trong 10 tháng vừa qua đã lên tới 8,12%.

Các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, cũng trầm lắng với những phiên mất điểm liên tiếp trong tuần qua. Trong bối cảnh đó, niềm hy vọng mong manh còn lại được đặt vào các quyết định do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra khi FED nhóm họp vào ngày 31/10 tới. Nhiều NĐT trông đợi FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD trong kỳ họp này.

Tóm lại, chúng tôi không nhận thấy nhiều dấu hiệu lạc quan cho tuần này. Tuy nhiên, quyết định cắt giảm lãi suất của FED (nếu có) vào Thứ 4 tới sẽ là một yếu tố quan trọng mang lại sự khởi sắc cho thị trường trong nước.

 

 Sàn TP. HCM

Các yếu tố kỹ thuật

Ngưỡng kháng cự của thị trường vẫn duy trì tại 1.113 điểm. Chưa có những dấu hiệu mạnh cho thấy ngưỡng kháng cự này sẽ bị phá vỡ trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất được xác định tại 980 điểm.

Mô hình cờ đuôi nheo đã không thể hoàn chỉnh bởi hai phiên mất điểm đầu tuần qua. Mặc dù vậy, nếu là một mô hình lý tưởng, nó sẽ kéo dài 1 - 4 tuần, tuy nhiên, nếu kéo dài hơn và khi độ dao động của thị trường đã mở rộng, mô hình sẽ có xu hướng chuyển thành mô hình cờ bay.

Mô hình cờ bay được chúng tôi xác định bởi 3 đỉnh của VN-Index (tại 1.106,6 điểm ngày 3/10; 1.104,67 điểm ngày 10/10 và 1.101,29 điểm ngày 17/10) và hai đáy (tại 1.081,63 điểm ngày 5/10 và 1.075,29 điểm ngày 23/10). Với những diễn biến của thị trường hiện nay, mô hình này sẽ chính xác hơn nếu có thêm một đáy được hình thành.

Mô hình cờ đuôi nheo cũng như cờ bay thường được coi là một đoạn nghỉ trong một xu hướng. Trong một xu hướng giá tăng, sẽ xuất hiện từ 6 - 8 tuần thị trường đi ngang, kèm theo yếu tố hỗ trợ là khối lượng giao dịch giảm dần. Nếu thêm một đáy nữa được hình thành, cộng với những yếu tố cơ bản tích cực, thị trường sẽ có bước phát triển mới.

Hiện mô hình cờ bay mới đi được nửa quãng đường. Do vậy, xu hướng rập rình nhiều khả năng sẽ là diễn biến chính trong tuần này.

 

Đánh giá thị trường

Tuần qua, VN-Index có 4 phiên giảm nhẹ và 1 phiên tăng mạnh, đóng cửa ở mức 1.092,48 điểm, giảm 4,59 điểm (-0,41%) so với tuần trước đó.

Từ đầu tháng 10 đến nay, khối lượng giao dịch có xu hướng giảm dần. Lượng cầu trong tuần qua đã giảm trung bình 3,5 triệu đơn vị/phiên, trong khi lượng cung chỉ giảm 1,1 triệu đơn vị/phiên. Khối lượng khớp lệnh theo đó giảm hơn 1,5 triệu chứng khoán so với tuần trước đó. Điều này cho thấy, những thành viên tham gia thị trường đang rơi vào trạng thái lưỡng lự khi chưa xác định rõ xu hướng của thị trường. Tuần qua, khối NĐT nước ngoài tăng mua với số lượng chứng khoán khớp trung bình là 1,8 triệu đơn vị/phiên; bán ra trung bình 937.558 đơn vị/phiên.

 

Khuyến nghị

NĐT có thể cân nhắc quyết định của mình một phần dựa vào động thái của FED. Ngoài ra, chiến lược trading vẫn có thể áp dụng với những mã có biến động lớn cho đến khi thị trường có trạng thái rõ ràng hơn.

 

Sàn Hà Nội

Các yếu tố kỹ thuật

HASTC-Index vẫn chưa phá vỡ được ngưỡng kháng cự hình thành từ ngày 18/4 tại giá trị 385,57 điểm (đường màu xanh). Đã có thời điểm trong phiên cuối tuần, HASTC-Index vượt qua ngưỡng này, nhưng không thể duy trì đến hết phiên. Ngưỡng hỗ trợ vẫn tại giá trị 364,85 điểm (đường màu đỏ).

Mô hình lá cờ đã không hình thành, thay vào đó là mô hình tam giác hướng lên. Mô hình này sẽ hoàn chỉnh với dấu hiệu HASTC-Index đi xuống, phá vỡ hình tam giác và tạo thành hướng đi xuống. Nếu điều này diễn ra trong tuần này thì xu thế giá giảm sẽ được thiết lập.

Đường MACD vẫn tiếp tục đi xuống, độ phân kỳ với HASTC-Index cho thấy, xu thế giá tăng đang bị ảnh hưởng khá mạnh. Đường DI+ đi lên nhưng có dấu hiệu chững lại, trong khi ADX đi xuống và dừng tại giá trị 64, hàm ý xu thế giá tăng như trong 2 phiên cuối tuần qua sẽ không có được sự hỗ trợ tốt.

     Mỗi tuần một thuật ngữ

Demand index - Chỉ số cầu

Chỉ số này kết hợp giữa giá và khối lượng, được phát triển bởi James Sibbet, cho biết dấu hiệu thay đổi về giá. Chỉ số cầu tăng cao nhất ở mức "+0", "1" ở giữa, và "-0" ở đáy.

Sibbet có 6 định nghĩa về quy luật cho chỉ số cầu:

Sự phân kỳ giữa chỉ số cầu và giá ám chỉ rằng giá đang yếu dần.

Giá thường xuyên tập hợp tới dòng tiền mới cao hơn của đỉnh cao nhất trong chỉ số cầu (chỉ số thể hiện như là dấu hiệu đi lên).

Giá cao với chỉ số cầu thấp thường là đỉnh trùng với đỉnh quan trọng (chỉ số thể hiện là dấu hiệu không thay đổi).

Chỉ số cầu khi đi lên trên mức 0 là thay đổi trong xu hướng (thể hiện sự chậm lại của thị trường).

Khi chỉ số cầu đến gần mức 0 trong thời gian dài, nó thường thường thể hiện giá giảm trong hiện tại, điều này sẽ không còn lâu nữa.

Độ phân kỳ lớn giữa giá và chỉ số cầu trong thời gian dài thể hiện giá tăng hoặc giảm là chính.

Sức cầu vẫn mạnh, thể hiện qua đường SO đang đi lên, dừng ở giá trị 76 điểm. Khối lượng giao dịch trong 2 phiên cuối tuần tăng cao do nhiều NĐT hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư sinh lời trước đó. Lượng bán những CP nhỏ, đặc biệt là những CP đã tăng giá mạnh (chủ yếu là nhóm CP Sông Đà), khiến những mã này trong phiên cuối tuần qua giảm giá. Điều này cũng cho thấy, tầm ảnh hưởng của nhóm CP nhỏ đã giảm đi nhiều và sẽ khó giữ được vai trò này.

 

Các yếu tố thị trường

Phiên cuối tuần, HASTC-Index tăng 1,75 điểm, tính chung cả tuần tăng 4,62 điểm (+1,2%). Tuần qua, khối lượng giao dịch tuy giảm 0,6% với trên 31,3 triệu CP nhưng vẫn ở mức cao. Những CP nhỏ tiếp tục tăng giá mạnh, đặc biệt là nhóm CP Sông Đà với 11 mã có mức tăng từ 31% - 59%, trừ S64 và SD7 giảm do giao dịch không hưởng quyền.

HASTC-Index vào đầu phiên cuối tuần qua tăng mạnh, có lúc tăng 10 điểm, nhưng đã giảm dần về cuối phiên do nhiều CP lớn và cả những CP nhỏ giảm giá, trong đó có nhóm CP Sông Đà, sau khi đã tăng giá mạnh trong những phiên giao dịch trước đó, khiến HASTC-Index không có đủ lực để tăng tiếp.

Khối NĐT nước ngoài tuần qua mua vào 1,24 triệu CP, tăng 125%. Ngoại trừ BCC và BTS được mua với khối lượng lớn (tổng cộng trên 500.000 CP), lượng mua các mã khác chỉ từ 1.000 - 5.000 CP. Lượng bán của khối này cũng tăng mạnh, đạt trên 1 triệu CP.

Thị trường trong tuần này khó có được những dấu hiệu tích cực và khả năng sẽ bước vào giai đoạn giá giảm.

 

Khuyến nghị

NĐT nên thực hiện hóa lợi nhuận của mình và tìm kiếm những CP có khả năng tăng trưởng trong tương lai để có thể tốt cho cả trading lẫn đầu tư dài hạn.