Ảnh Internet

Ảnh Internet

Không dễ bồi thường bảo hiểm cho người bị nhiễm Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người bị nhiễm Covid-19 sẽ phát sinh nhiều chi phí điều trị trước và sau khi nhiễm, song ngay cả với F0 đã tham gia bảo hiểm thì không phải trường hợp nào cũng đều được chi trả quyền lợi.

Anh Đào Minh Thắng (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) kể, anh và con trai tham gia bảo hiểm Bảo An Toàn diện và Bảo Nhi Toàn diện của Generali đã gần 9 năm. Trong tháng 2/2022, bố con anh cùng bị nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, do hợp đồng bảo hiểm chỉ hỗ trợ điều trị nội trú (tại bệnh viện) mà không hỗ trợ điều trị ngoại trú (tại nhà), nên cả hai đều không được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ bố con anh Thắng, mà nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trong khi đó, hầu hết công ty bảo hiểm thương mại (cả phi nhân thọ và nhân thọ) đều không loại trừ bảo hiểm dịch bệnh nên vẫn chi trả quyền lợi bình thường, với điều kiện chương trình bảo hiểm mà F0 đó tham gia phải có quyền lợi hỗ trợ viện phí (điều trị ở nhà ...), nghĩa là phải điều trị tại viện.

Trong trường hợp điều trị tại nhà và hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi điều trị ngoại trú, người nhiễm phải có kết quả test PCR dương tính thì mới được bảo hiểm chi trả chi phí thuốc thang theo chỉ định của bác sỹ (phải có hóa đơn).

Như đã nói ở trên, hầu hết nhà bảo hiểm đều không từ chối bảo hiểm dịch bệnh, miễn sao hợp đồng của khách hàng có các quyền lợi hỗ trợ. Các F0 nhập viện điều trị qua đêm, hay bị di chứng hậu Covid đều được chi trả theo đúng quyền lợi trong hợp đồng, kể cả trường hợp không may bị tử vong do Covid-19.

Bên cạnh sản phẩm bảo hiểm bổ trợ được bán kèm sản phẩm bảo hiểm chính, nếu khách hàng có thẻ chăm sóc sức khỏe có quyền lợi điều trị nội trú mà bị nhiễm bệnh, thì khi nằm viện vẫn được chi trả như các bệnh khác.

Chẳng hạn, Generali có thẻ chăm sóc sức khỏe tự động tái tục đến năm 70 tuổi, không loại trừ yếu tố dịch bệnh. Với Manulife, F0 nếu có thẻ sức khoẻ với đầy đủ hạn mức điều trị nội - ngoại trú thì được chi trả theo hoá đơn, chứng từ y tế, toa thuốc...

Tại Dai-ichi Life, để hỗ trợ khách hàng, nhà bảo hiểm này đã giảm thời gian được hưởng bảo hiểm nằm viện xuống tối thiểu 18 tiếng với thẻ chăm sóc sức khỏe mới và tối thiểu 12 tiếng đối với thẻ cũ. AIA vẫn chi trả bảo hiểm khi F0 điều trị nội trú (nằm viện, biến chứng thành bệnh nan y, tử vong do Covid đều được chi trả).

Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm bảo hiểm liên quan đến Covid bị đóng lại sau khi dịch bùng phát mạnh, đơn cử chương trình bảo hiểm Vững Tâm An của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã dừng triển khai từ ngày 15/3/2022. Tương tự, Manulife Việt Nam chỉ chi trả quyền lợi cho một số hợp đồng bảo hiểm có liên quan tới dịch bệnh được ký trước ngày 15/3/2022.

Theo quy định hiện hành, bệnh nhân điều trị Covid-19 sẽ được ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ những dịch vụ kỹ thuật, thuốc men liên quan Covid-19. Riêng những khoản điều trị các bệnh nền đi kèm, không liên quan tới Covid-19, người sử dụng bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán như bình thường theo định mức chi trả của khung giá bảo hiểm, các chi phí khác bệnh nhân phải tự chi trả. Phía nhà bảo hiểm sẽ chi trả những phần mà ngân sách nhà nước không lo dựa trên hóa đơn, chứng từ thực tế.

Chị Hồ Mỹ Linh, một đại lý của Dai-ichi Life từng hỗ trợ nhiều trường hợp F0 đòi bồi thường bảo hiểm cho biết, khách hàng tham gia bảo hiểm nếu bị nhiễm Covid-19 sẽ được chi trả chi phí điều trị như bệnh thông thường, miễn là có đầy đủ chứng từ theo quy định. Tuy nhiên, khách hàng sẽ bị từ chối chi trả trong trường hợp không kê khai trung thực và đầy đủ khi ký hợp đồng bảo hiểm (không kê khai các bệnh nền vì đây là thông tin quan trọng để ra quyết định thẩm định hợp đồng bảo hiểm).

Ngoài ra, trường hợp khách hàng bị “âm tiền”, giả sử từ năm thứ 4 trở đi, giá trị tài khoản bị âm và hết 60 ngày ân hạn, thì cũng bị từ chối chi trả bảo hiểm khi bị nhiễm Covid.

“Thông thường, sau khi khách hàng không đóng phí, công ty bảo hiểm bắt đầu trừ tiền từ giá trị tài khoản tích lũy. Khi trừ hết tài khoản tích luỹ, tài khoản hợp đồng sẽ âm và công ty bảo hiểm sẽ bảo vệ thêm khách hàng trong vòng 60 ngày. Nếu nhiễm bệnh trong thời gian ân hạn này thì công ty bảo hiểm có thể chi trả bảo hiểm, còn hết ân hạn thì sẽ bị từ chối”, chị Linh giải thích.

Số liệu từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 6.480.943 ca nhiễm Covid-19, trong đó 3.383.142 ca khỏi bệnh, 3.056.309 ca đang điều trị và 41.548 ca tử vong. Trong 7 ngày qua (tính đến 15/3/2022), tổng số ca nhiễm trên cả nước tăng 556.801 ca (tăng 46%) so với cùng kỳ năm trước, số ca khỏi bệnh tăng 284.341 ca (tăng 92%), tổng số ca tử vong giảm 71 ca (giảm 11%).

Tin bài liên quan