Lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân của ngành ngân hàng hiện giảm còn 8,6%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân của ngành ngân hàng hiện giảm còn 8,6%/năm. Ảnh: Dũng Minh

Kích cầu tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng vừa được nới, lãi suất điều hành có thể giảm thêm trong quý III/2023 là các yếu tố kỳ vọng giúp ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khơi dòng chảy vốn.

Nhiều động thái tích cực

Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự kêu gọi của Hiệp hội ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Trên cơ sở giảm lãi huy động, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân đã giảm về 8,6%/năm, tức giảm 1,3%/năm so cuối năm 2022.

Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Đồng thời, các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm, tùy đối tượng khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến hết 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ tại Ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 6/2023, huy động vốn và tín dụng của Vietcombank tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6%, đạt quy mô 1,3 triệu tỷ đồng và 1,2 triệu tỷ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trên 350%.

Trong khi đó, Agribank giảm hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hơn 2,2 triệu khách hàng.

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường đã giảm, song áp lực lãi vay vẫn lớn khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là khi môi trường kinh doanh đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay ở mức thấp, đến cuối tháng 6/2023 mới tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng một phần ba kế hoạch năm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Trước đó, cuối tháng 2/2023, cơ quan này cấp room tín dụng cho các ngân hàng ở mức 11%.

Lãi suất cho vay trong 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ giảm mạnh hơn khi dòng vốn huy động giá rẻ đã bắt đầu về. Bên cạnh đó, nguồn vốn trong các ngân hàng đang dồi dào sẽ gây áp lực giảm lãi suất cho vay. Với lãi suất huy động, khả năng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới, vì hiện tại đã khá thấp, nếu tiếp tục điều chỉnh sâu thì dòng vốn có thể dần di chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán.

Tín dụng quý III dự kiến tăng 4,4%

Ngân hàng dư thừa vốn, room tín dụng dồi dào, song nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được do không đáp ứng yêu cầu về thế chấp tài sản.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright, nhu cầu tín dụng sẽ tăng khi lãi suất giảm thêm, nhưng ngân hàng vẫn thận trọng với các quyết định giải ngân nhằm kiểm soát rủi ro, vì sức khoẻ doanh nghiệp yếu đi nhiều, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Mặt khác, lãi suất giảm chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định đến nhu cầu vay vốn.

Về vấn đề này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM nhận xét, mức lãi vay khoảng 8 - 9%/năm hiện nay (đã giảm 0,5 - 1%/năm so với trước) vẫn là áp lực đối với các doanh nghiệp. Vì thế, ngoài những doanh nghiệp mà đầu ra sản phẩm yếu, không có đơn hàng, không muốn sử dụng vốn vay, thì cũng còn nhiều doanh nghiệp e ngại áp lực lãi suất nên chưa dám sử dụng vốn tín dụng để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp hay còn gọi là tiền “bị ế” ở ngân hàng chủ yếu bởi đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ. Không có cơ hội kinh doanh, không có đơn hàng thì nhu cầu tín dụng thấp, phản ánh qua con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2023 đạt chưa tới 5%.

Ông Thành cho rằng, khó khăn xuất phát từ cả thị trường trong nước và ngoài nước, việc thiếu hụt đơn hàng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện tín dụng. Thêm vào đó, thị trường bất động sản (hiện chiếm trên 20% tổng dư nợ tín dụng) vẫn trầm lắng, kéo theo nợ xấu, nên nhu cầu tín dụng giảm.

Đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian gần đây, song theo theo giới phân tích, việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ, cho dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm. Vả lại, quan trọng hơn với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng. Vì thế, giảm lãi suất phải gắn liền với các biện pháp khác để kích cầu tín dụng. Trong đó, quan trọng nhất là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích thích tiêu dùng, cải thiện xuất khẩu.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay thấp do một số nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan như nhu cầu tiêu dùng giảm, một số doanh nghiệp lớn không có nhu cầu tín dụng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là có, nhưng khó đáp ứng được điều kiện tín dụng đưa ra. Trong khi đó, tiền cho vay của ngân hàng là tiền huy động từ dân nên các ngân hàng thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro nợ xấu. Ngành ngân hàng nhận thấy doanh nghiệp rất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp giảm bớt công nhân, người lao động…

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng chậm, nhưng không vì thế mà ngân hàng thúc đẩy cho vay bằng cách hạ chuẩn tín dụng. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng luôn đi kèm nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi lẽ, hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3%, nhưng nợ tiềm ẩn đang có xu hướng tăng.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý III/2023 do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 duy trì ở trạng thái tốt và có sự cải thiện so với quý I/2023. Dự báo, tình hình thanh khoản tiếp tục dồi dào trong quý III và cả năm 2023. Tuy nhiên, tín dụng của hệ thống chỉ được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và cả năm 2023 tăng 12,5%, giảm 0,6% so với mức dự báo tăng 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Tin bài liên quan