Một mặt, các ngân hàng liên tiếp đưa ra các gói kích cầu cho vay, nhưng chiều ngược lại là sự thận trọng khi không hạ thấp chuẩn cho vay.

Một mặt, các ngân hàng liên tiếp đưa ra các gói kích cầu cho vay, nhưng chiều ngược lại là sự thận trọng khi không hạ thấp chuẩn cho vay.

Kích cầu trong thận trọng, tín dụng khó tăng

(ĐTCK) Một mặt, các ngân hàng liên tiếp đưa ra các gói kích cầu cho vay, nhưng chiều ngược lại là sự thận trọng khi không hạ thấp chuẩn cho vay.

Nhu cầu tín dụng thấp hơn thường lệ là nguyên nhân khách quan để tín dụng khó giữ được tốc độ tăng trưởng như điều kiện bình thường.

Nhưng bên cạnh đó về mặt chủ quan, các ngân hàng dường như rơi vào mâu thuẫn khi vừa đưa ra gói ưu đãi vừa tỏ ra thận trọng với các khách hàng mới, theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn rủi ro để hạn chế nợ xấu phát sinh.

Hai chiều tác động khiến tín dụng ngân hàng năm nay diễn ra theo một kịch bản khá đặc biệt.

Ghi nhận trên thị trường đến thời điểm hiện tại không thiếu các gói ưu đãi được công bố. Chẳng hạn, tại ABBank, lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân đã giảm mức vay khởi điểm xuống còn 7,6%/năm, thay vì 8,5%/năm và 9,7%/năm như trước đó.

Nam A Bank cũng vừa tung gói vay ưu đãi lên đến 15.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng trong thời điểm bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long với lãi suất giảm lên đến 3,1%/năm so với mức lãi suất trước đó.

Eximbank cũng đưa ra gói tín dụng gần 7.000 tỷ đồng, lãi vay từ 5,2-6,79%/năm. Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, khách hàng có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại nhà băng nay là 2.221 khách hàng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ (hơn 16.000 tỷ đồng).

Đến nay, Eximbank đã và đang thực hiện việc giãn nợ gốc, lãi cho 696 khách hàng và với tổng dư nợ 4.572 tỷ đồng (số lượng và tổng dư nợ bao gồm đang chuẩn bị được phê duyệt tương ứng 1.061 khách hàng với tổng dư nợ lên đến hơn 6.566 tỷ đồng).

Trong khi đó, OCB chấp nhận giảm gần 100 tỷ đồng thu nhập lãi để chia sẻ với đối tác, khách hàng bị ảnh hưởng trong mùa dịch. Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, OCB đã triển khai một loạt ưu đãi như giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường, các doanh nghiệp nhận ưu đãi hoạt động trong một số lĩnh vực thiết yếu…

Mặc dù vậy, tín dụng 3 tháng đầu năm của ngành ngân hàng chỉ tăng 1,3%. Tính riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng giảm 0,5%. Con số này cũng giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).

Đáng chú ý, mặc dù lãi suất hạ và tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng lãnh đạo ngành ngân hàng vẫn khẳng định sẽ không hạ thấp chuẩn cho vay để mở rộng tín dụng. Đây là lý do khiến dòng vốn ngân hàng không thể ào ạt ra thị trường như đã từng diễn ra trong quá khứ, khi các gói kích cầu kinh tế được kích hoạt.

Tuy nhiên, diễn biến này đang có những hy vọng cải thiện trong tháng 5 này và những tháng cuối năm.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp diễn ra cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, cơ quan này sẽ đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để hồi phục nền kinh tế sau dịch.

Thống đốc cũng cam kết đủ vốn cho nền kinh tế, căn cứ theo nhu cầu vốn thực tế có thể xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng cao hơn so với đầu năm. Theo đó, NHNN đã có chính sách điều hành lãi suất phù hợp.

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và thị trường mở. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí, từ đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững trong thời gian tới.

Như vậy, có thể khẳng định, lãi suất sẽ tiếp tục được hạ thêm nữa trong thời gian tới và điều này vừa giúp giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, vừa kích thích nhu cầu vay vốn tăng thêm, đặc biệt khi hoạt động kinh tế - xã hội trong nước đã khôi phục trạng thái bình thường mới trong 3 tuần vừa qua.

Tất nhiên, đó chỉ là logic lý thuyết, còn thực tế vẫn phải chờ vào diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp có thực sự phục hồi mạnh mẽ hay không.

Hiện tại, vẫn có những nhân tố khó dự báo, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khi diễn biến dịch Covid-19 dù dịu đi nhưng vẫn khá phức tạp tại một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nga.

Ngăn cách xã hội còn khiến thất nghiệp tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm, điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, khách hàng sẽ chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất, dù lãi suất giảm.

Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dĩ đã không dễ tiếp cận vốn ngân hàng, thì kể cả không có dịch, mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp vẫn là đề tài "khó" nhiều năm qua.

Còn với những doanh nghiệp lớn và đủ khả năng thì không sử dụng vốn vay nhiều trong giai đoạn này để giảm bớt chi phí, chiến lược chủ yếu của các doanh nghiệp này là giảm chi (kể cả lãi vay) để giữ trạng thái an toàn tài chính.

Việc sử dụng vốn vay chủ yếu là khoản cấp bách hoặc thực hiện theo các hợp đồng tín dụng dang dở.

Tin bài liên quan