Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm xe dễ gây khiếu kiện. Ảnh: Dũng Minh

Việc giải quyết bồi thường bảo hiểm xe dễ gây khiếu kiện. Ảnh: Dũng Minh

Kiện tụng kéo dài, công ty bảo hiểm phải trả lãi chậm bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, một số công ty bảo hiểm đã thua kiện trong việc tranh chấp bảo hiểm xe ô tô và phải trả thêm tiền lãi chậm trả cho cho chủ xe do kiện tụng kéo dài, bên cạnh khoản bồi thường tổn thất xe.

Bảo hiểm Hàng không và Liberty thua kiện, phải trả lãi chậm trả

Lần đầu tiên một vụ tranh chấp bảo hiểm xe liên quan đến sự cố cháy xe kéo dài hơn 3 năm mà phần thắng đã thuộc về chủ xe (nguyên đơn). Trên thực tế, việc khổ chủ bị cháy xe thắng kiện công ty bảo hiểm không phải là mới trên thị trường, nhưng vụ việc kéo dài nhiều năm đòi quyền lợi thì đó là lần đầu.

Ngày 9/11/2022, Tòa án nhân dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã tuyên án buộc bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) bồi thường cho nguyên đơn là ông Vương Ngọc Ánh số tiền 883,5 triệu đồng. Đây là tổng số tiền tổn thất toàn bộ chiếc xe Ford Ranger bị cháy vào ngày 16/7/2019 tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, riêng tiền lãi do trả chậm là 206 triệu đồng (10%/năm trong thời gian hơn 3 năm, hoàn trả toàn bộ chi phí giám định).

Theo chủ xe, ngay sau khi xảy ra cháy đã liên hệ với VNI Đà Nẵng gửi thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường, sau đó nhiều lần gửi đơn yêu cầu VNI giải quyết bồi thường tổn thất. VNI cũng đã có văn bản trả lời, nhưng các nội dung đều nói là “phải đợi có kết luận điều tra của cơ quan công an thì mới xem xét giải quyết”.

Phía VNI lập luận rằng, vụ cháy này không xuất phát từ bản thân nội tại của tài sản mà có dấu hiệu tác động của bên ngoài nên đã yêu cầu chủ xe phối hợp với VNI thông báo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác định rõ lý do cháy, chủ quan hay khách quan, làm rõ có dấu hiệu vi phạm hình sự trong vụ cháy hay không? Phương án bồi thường sẽ được xác định sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra cũng như các bên đánh giá được chi tiết mức độ thiệt hại.

Cơ quan điều tra công an huyện Núi Thành và Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã vào cuộc, nhưng không xác nhận chính thức xe bị cháy có phải do bị phóng hỏa hay không? Ngày 6/1/2020, chủ xe đã khởi kiện VNI ra tòa, dẫn đến kết quả phần thắng thuộc về chủ xe như trên.

Một trường hợp tương tự khác, ông Ngô Quốc Bảo (nguyên đơn) đã thắng kiện Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty (bị đơn) sau gần 4 năm ròng rã theo kiện. Cụ thể, tại phiên xử phúc thẩm ngày 14/9/2022, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án, yêu cầu Công ty Bảo hiểm Liberty phải bồi thường cho ông Bảo tổng số tiền hơn 800 triệu đồng, bao gồm hơn 600 triệu đồng tiền thiệt hại xe và 200 đồng tiền lãi chậm thanh toán. Đây là số tiền bồi thường cho chiếc xe ô tô Mercedes-Benz E300 do ông Bảo điều khiển di chuyển trên đường bị ngập nước do bão Usagi khiến xe chết máy ngày 25/11/2018.

Theo tường trình của ông Bảo, ngay khi sự cố xảy ra, ông đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần với bộ phận chăm sóc khách hàng để yêu cầu phía Liberty điều xe kéo tới để di chuyển ra khỏi hiện trường (lúc này tình trạng mực nước ngày càng dâng cao) nhưng không thấy phản hồi. Bởi vậy, ông Bảo đã chủ động liên hệ bên ngoài để kéo xe về xưởng. Trong khi đó, theo quy tắc bảo hiểm và hợp đồng đã ký giữa chủ xe và nhà bảo hiểm, Liberty phải có mặt để kiểm nghiệm hiện trường, xác định sự cố. Tuy nhiên, phía Liberty đã từ chối bảo hiểm vào ngày 14/12/2018 với lý do “phần động cơ được xác định hư hỏng do khách hàng cố tình khởi động lại sau khi động cơ ngừng hoạt động vì đi vào đường ngập nước thuộc điều khoản loại trừ”.

Không đồng tình, chủ xe đã khởi kiện Liberty ra toà. Sau gần 4 năm theo kiện, chủ xe đã thắng kiện và được Liberty bồi thường.

Từ 1/1/2023, luật hóa việc công ty bảo hiểm bị tính lãi do chậm bồi thường

Thực tế, không chỉ 2 vụ việc trên, mà tại nhiều cuộc xét xử, tòa đã tuyên án công ty bảo hiểm phải tính cả lãi trả chậm cho khách hàng do lỗi chậm bồi thường, trong khi quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 chưa đề cập tới vấn đề này.

Bởi thế, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được ban hành vào tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung quy định mới về việc trả lãi do lỗi chậm bồi thường, dù trước đó từng có nhiều tranh cãi về vấn đề này.

Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Tin bài liên quan