Những hiểu nhầm về chi trả bảo hiểm do thủy kích

Những hiểu nhầm về chi trả bảo hiểm do thủy kích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngập nước và thủy kích là 2 loại rủi ro khác nhau nên điều khoản bảo hiểm cũng khác nhau, thế nhưng không phải ai cũng phân biệt rõ 2 loại rủi ro này…

Phân biệt rủi ro ngập nước và thủy kích

Trận mưa lịch sử tại Đà Nẵng khiến hàng loạt xe ô tô ngập sâu, hư hỏng nặng. Các chủ xe ô tô đã mua bảo hiểm thân vỏ xe nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bất an vì không rõ xe mình bị ngập nước, xe bị thủy kích thì có được nhà bảo hiểm bồi thường hay không.

Trên thực tế, thời gian qua, có những trường hợp chủ xe bị ngập nước bị từ chối hoặc giảm trừ số tiền bồi thường. Chẳng hạn, xe không mua quyền lợi bảo hiểm thủy kích, sau đó xe này bị ngập nước nên bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, hoặc xe ngập nước nhưng giám định viên áp dụng điều khoản thủy kích để khấu trừ theo điều khoản thủy kích (từ 10-30%).

Theo một số chuyên gia bảo hiểm, ngập nước và thủy kích là 2 loại rủi ro khác nhau nên điều khoản bảo hiểm cũng khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều người mua bảo hiểm không phân biệt được 2 rủi ro này, có người còn tưởng là đây là 1 loại rủi ro, thậm chí có nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên giám định bồi thường cũng không nắm rõ nghiệp vụ, nhầm lẫn hoặc cố tình hiểu sai nên có những tư vấn và giải quyết bồi thường sai cho khách hàng.

Về mặt kỹ thuật, thủy kích là hiện tượng nước tràn vào bên trong buồng đốt xi-lanh qua đường hút gió của động cơ ô tô, khiến cho xe bị chết máy đột ngột. Như vậy, bị thủy kích là bị hỏng động cơ do nước vào bên trong buồng đốt xi-lanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào nước cũng vào được, kể cả khi ngập nước. Những chủ xe đã tham gia bảo hiểm thân vỏ xe muốn được chi trả thêm quyền lợi về thủy kích thì phải bỏ tiền mua thêm điều khoản bảo hiểm thủy kích và khi xe bị hiện tượng như trên thì sẽ được bồi thường (thường là thay động cơ xe).

Theo ông Phan Quốc Tuấn, CEO HDI Institute (Viện Phát triển nguồn nhân lực Bảo hiểm), xe bị ngập nước có thể bị thủy kích, chứ không phải xe nào bị ngập nước là dẫn đến bị thủy kích. Tại hầu hết điều khoản bảo hiểm thân vỏ xe ô tô của các công ty bảo hiểm, chủ xe sẽ được bồi thường tổn thất khi gặp rủi ro từ thiên nhiên như bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá…, còn khi bị ngập nước thì xe có thể bị hư hỏng bất cứ bộ phận nào như ghế, điện, màn hình…, chứ không chỉ động cơ. Do đó, dù không mua điều khoản bảo hiểm thủy kích, người được bảo hiểm vẫn được công ty bảo hiểm bồi thường những bộ phận khác, thậm chí bồi thường cả động cơ nếu bị hư hỏng không phải do thủy kích.

“Được bồi thường cụ thể những gì thì người mua bảo hiểm cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, chứ không phải xe bị ngập nước mà nghe nói không mua điều khoản thủy kích là không được bồi thường, không gọi bảo hiểm mà tự mang đi sửa, như vậy là thiệt thòi”, ông Tuấn khuyến cáo.

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cũng cho hay, ngập nước là một rủi ro cơ bản được bảo hiểm trong điều khoản bảo hiểm chính của quy tắc bảo hiểm của tất cả các công ty bảo hiểm, khách hàng không cần mua thêm điều khoản bảo hiểm bổ sung nào vẫn được bồi thường nếu xe bị ngập nước, không bị thủy kích. Trường hợp xe bị ngập nước, công ty bảo hiểm bồi thường toàn bộ thiệt hại trừ đi số tiền khấu trừ chung của quy tắc bảo hiểm (hiện nay mức khấu trừ của xe không kinh doanh là 500.000 đồng, xe kinh doanh là 1 triệu đồng).

“Trường hợp xe không mua quyền lợi bảo hiểm thủy kích, sau đó bị ngập nước mà bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thì công ty bảo hiểm đó đã sai. Xe ngập nước mặc định được bảo hiểm và được bồi thường 100% thiệt hại theo điều khoản bảo hiểm chính. Việc giám định viên áp dụng điều khoản thủy kích để khấu trừ theo điều khoản thủy kích (10-30%) cũng là sai, mà chỉ được khấu trừ theo điều khoản chính (500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng). Chỉ khi xe bị thủy kích mới áp dụng mức khấu trừ thủy kích riêng”, vị đại diện Infair giải thích.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán từ các công ty bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm thủy kích thường áp dụng mức khấu trừ riêng (từ 10-30% số tiền bồi thường tùy công ty bảo hiểm, mức tối thiểu là 3 triệu đồng). Nếu xe bị tổn thất thủy kích, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ số tiền này khỏi số tiền bồi thường. Ví dụ, xe bị thủy kích sửa chữa động cơ hết 100 triệu đồng, mức khấu trừ điều khoản thủy kích là 20% và như vậy, số tiền công ty bảo hiểm bồi thường là 80 triệu đồng.

Nhà bảo hiểm bị thua kiện vì từ chối bồi thường thiệt hại thủy kích

Hiện tại, không như các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác, Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm Liberty Việt Nam đang áp dụng điều khoản loại trừ đối với xe bị thủy kích, cụ thể là: “Loại trừ thiệt hại thủy kích do lái xe cố tình khởi động lại sau khi động cơ ngừng hoạt động do xe đi vào vùng ngập nước”. Điều này có nghĩa, chỉ cần khách hàng khai là có đề lại máy sau khi xe chết máy là lập tức bị từ chối bồi thường.

Trên thực tế, từng có nhà bảo hiểm thua kiện khi từ chối bồi thường thiệt hại thủy kích. Cụ thể, năm 2018, chủ xe Mecedes E300 AMG đi vào vùng ngập nước và bị chết máy. Chủ xe đã khởi động lại máy, sau đó khai báo với công ty bảo hiểm L qua điện thoại về sự cố này. Dựa trên cơ sở đó, công ty bảo hiểm L đã từ chối bồi thường bảo hiểm cho khách hàng.

Không đồng tình, khách hàng đã khởi kiện công ty bảo hiểm L ra Tòa án nhân dân Quận 1 (TP.HCM). Qua 2 phiên xử sơ thẩm (tháng 5/2022) và phúc thẩm (tháng 9/2022) đều tuyên khách hàng thắng kiện, buộc công ty bảo hiểm L phải bồi thường chi phí thay động cơ xe ô tô cho chủ xe số tiền 600 triệu đồng và lãi chậm trả 200 triệu đồng.

Đại diện pháp lý của chủ xe lập luận, việc từ chối bồi thường của công ty bảo hiểm L trong trường hợp này không đúng với chính điều khoản bảo hiểm đăng trên website của công ty này và đi ngược với hầu hết các điều khoản thủy kích đang được áp dụng rộng rãi trên thị trường.

Theo vị này, hiện nay, hầu hết công ty bảo hiểm đều không loại trừ bảo hiểm thủy kích trong trường hợp lái xe khai có khởi động lại động cơ sau khi bị ngập nước vì không thể xác định được hành động này có diễn ra hay không. Việc xác định phải dựa vào khai báo bằng văn bản hoặc giám định kỹ thuật, không thể dựa vào lời nói qua điện thoại được công ty bảo hiểm ghi âm khi lái xe đang mất bình tĩnh. Thậm chí, ngay cả khi xác định được lái xe có khởi động lại động cơ cũng không thể xác định được trước khi khởi động lại xe đã bị thủy kích hay chưa (trường hợp công ty bảo hiểm chứng minh được về mặt kỹ thuật, xe chỉ bị thủy kích sau khi lái xe khởi động lại động cơ thì việc loại trừ bảo hiểm thủy kích do sự cố này khiến điều kiện bảo hiểm thủy kích vô nghĩa, có mua cũng không được bồi thường, công ty bảo hiểm sẽ phạm tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 và gian lận bảo hiểm theo Điều 213 - Bộ luật Hình sự 2015).

Ngoài ra, không thể tách được thiệt hại xảy ra trước và sau khi chủ xe khởi động lại động cơ để làm căn cứ bồi thường các thiệt hại xảy ra trước khi lái xe khởi động và từ chối các thiệt hại sau hành động bấm nút khởi động, cũng không thể xác định được việc khởi động lại là hành động vô ý hay cố ý, nên đây là một điều khoản không rõ ràng. Theo Điều 21 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Do vậy, các công ty bảo hiểm Việt Nam đều quy định lại điều kiện thủy kích theo hướng rõ ràng hơn, cụ thể là cứ xe bị thủy kích là bồi thường, không cần biết lái xe có khởi động lại hay không.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các công ty bảo hiểm cho biết, đang phối hợp với các tổ chức, chủ xe có liên quan để đánh giá tổn thất, hỗ trợ khách hàng bồi thường xe bị ngập nước tại Đà Nẵng.

Tính đến 19/10/2022, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) ước bồi thường 5 tỷ đồng cho 200 xe ô tô, Bảo hiểm Bảo Việt ước bồi thường cho 300 xe ô tô. Còn Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, tính đến thời điểm này, có khoảng 250 xe thông báo tổn thất, nhưng chưa công bố số tiền bồi thường cụ thể.

Về hỗ trợ khách hàng, BSH và PTI cùng cho hay, trước mắt sẽ bổ sung các giám định viên, đẩy mạnh công tác cứu hộ cũng như phối hợp với các gara để sửa chữa xe cho khách hàng, giúp việc hoàn tất hồ sơ chi trả bồi thường bảo hiểm sau này được thuận tiện, nhanh chóng.

Hiện tại, chưa có thống kê chính xác vì số xe xảy ra rủi ro ngập nước báo về vẫn còn tăng. Các công ty bảo hiểm khác cũng đang trong quá trình thống kê tổn thất và hỗ trợ khách hàng.

Chưa thể khẳng định sự cố ngập lụt tại Đà Nẵng và một số địa phương lân cận có phải là vụ tổn thất lớn nhất về xe trong lịch sử các vụ ngập nước hay không vì vẫn đang trong quá trình cập nhật, nhưng theo các công ty bảo hiểm, mức độ tổn thất lần này về số xe là không nhỏ.

Tin bài liên quan