Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tham luận tại Hội thảo

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tham luận tại Hội thảo

Kinh tế đang phục hồi, vì sao số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nêu vấn đề trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh không nên chỉ là đơn giản hoá thủ tục và cần hướng tới minh bạch thông tin thị trường, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Động lực phát triển kinh tế xã hội 2023 - Nhìn từ không gian chính sách

Chia sẻ tại Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức sáng 14/12, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình đã có bài phát biểu về không gian chính sách cho sự phục hồi, phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và một số giải pháp thúc đẩy.

Ông Hiếu thông tin, vào ngày 10/11/2022 tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2022/QH15 về "Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023". Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mục tiêu là 6,5%; GDP bình quân đầu người là khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất xã hội bình quân khoảng 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%...

Bổ sung cho kế hoạch tại Nghị quyết 68 này có 3 gói chính sách quan trọng:

Các chương trình cải cách thể chế: Bao gồm Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (hàng năm) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp: Bao gồm Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội khoá XV về hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023; sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 (về hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023) và một loạt văn bản hướng dẫn. Chúng ta gọi gói này là gói phục hồi kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng.

Các chương trình cải cách kinh tế được ban hành trong hai năm 2020, 2021; đặc biệt có chương trình cải cách rất căn cơ là Nghị quyết 31 đầu năm 2021 về cơ cấu lại nền kinh tế; và gần đây nhất, tháng 4/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết 54 về chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 31.

Điểm lại các nhóm chính sách trên, ông Hiếu nói rằng, Nghị quyết 68 của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực… Tiếp tục, Nghị quyết 31 đặt ra nhiều chỉ tiêu dài hạn trong giai đoạn 5 năm như năng suất lao động, bội chi ngân sách…

Toàn cảnh Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 sáng 14/12/2022.

Toàn cảnh Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 sáng 14/12/2022.

Rồi các Nghị quyết 02 hàng năm đều đặt ra mục tiêu mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể hơn, Nghị quyết 68 của Chính phủ đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới cắt giảm ít nhất 20% điều kiện kinh doanh và 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp để từ đó hướng tới tăng năng suất lao động.

Tiếp đó là Chương trình phục hồi với 7 nhóm chính sách tài khóa quan trọng và 5 nhóm chính sách tiền tệ.

"Tất cả các công cụ chính sách nói trên có thể gọi là hành trang cơ bản của chúng ta khi bước sang năm 2023 để đạt được mục tiêu mà Quốc hội giao", vị đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình tổng kết.

2023: Năm thực thi chính sách kịp thời, hiệu quả và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nhìn lại những kết quả đạt được của năm 2022, ông Phan Đức Hiếu nói rằng ông không dùng những từ quá tốt đẹp như "đột phá", "điểm sáng"... mà chỉ muốn nói rằng đây là một năm rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua.

Chúng ta đã trải qua một năm khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt được; đặc biệt đã thành công khi thực hiện được một phần chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chương trình, chỉ tiêu có thể không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã đạt gần hết chỉ tiêu nhưng có một chỉ tiêu các nhà kinh tế rất băn khoăn là năng suất lao động không tăng, ngoài ra là chất lượng xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng, tình trạng doanh nghiệp...

Đặc biệt vấn đề doanh nghiệp, ông Hiếu nói rằng chúng ta phấn khởi vì 11 tháng đầu năm nay có 194.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng cũng khá băn khoăn khi ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn lên tới 132.000 (tăng 24,3%). Đáng lưu ý, con số này tăng đều đặn ba năm qua, cho thấy một vấn đề nội tại của nền kinh tế đang hiện hữu.

"Nếu nền kinh tế đang phục hồi thì vì sao con số này năm sau vẫn cao hơn năm trước?", vị đại biểu đặt câu hỏi và nói rằng, doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội nhưng lực lượng này đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội nhưng lực lượng này đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

(Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội)

Vậy năm 2023 chúng ta phải làm gì?

Theo vị đại biểu, giải pháp gói gọn trong một câu là: việc thực thi các giải pháp đã đề ra phải kịp thời và quyết liệt, hiệu quả.

"Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là phải hành động để hoàn thành đúng mục tiêu, đúng kỳ hạn các nhóm giải pháp đã đề ra. Nếu gọi năm 2022 là bản lề thì 2023 là năm hành động, năm thực thi để hoàn thiện những giải pháp đã đề ra", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đưa ra khuyến nghị các giải pháp cụ thể, vị chuyên gia nói rằng, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề rất căn cơ như giải ngân đầu tư công. Đây là vấn đề không hề mới năm nào cũng nói vậy điểm nghẽn ở đâu phải xử lý cho triệt để. Hay như gói phục hồi 350.000 tỷ đồng, năm đầu tiên tốc độ giải ngân có thể chậm, cần phải có sự đột phá trong năm 2023.

Tiếp theo, ngoài thực hiện những giải pháp đã có thì cần tiếp tục bám sát khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp khắc phục. Đơn cử như vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ là đơn giản hóa thủ tục hồ sơ mà quan trọng hơn là phải minh bạch hóa môi trường kinh doanh, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

"Ví dụ khó khăn trên thị trường vốn hiện nay, cá nhân tôi mong rằng cần có chính sách giải quyết dứt điểm, kịp thời và minh bạch để các bên liên quan nắm được thông tin những vụ việc đang giải quyết đến đâu, nhà đầu tư sẽ được bảo vệ quyền lợi thế nào..."

"Việc giải quyết các vấn đề phát sinh mới, tôi lưu ý cần tránh giải pháp hãm phanh đột ngột, ngoài khả năng dự báo. Doanh nghiệp luôn muốn dự báo trước chính sách để có kịch bản ứng phó nên họ rất sợ những chính sách giật cục kiểu sau một đêm thay đổi", ông Hiếu nhấn mạnh.

Việc giải quyết các vấn đề phát sinh mới, tôi lưu ý cần tránh giải pháp hãm phanh đột ngột, ngoài khả năng dự báo.

(Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội)

Cuối cùng, vị đại biểu cho rằng để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội năm 2023 thì cần có sự tham gia có trách nhiệm của các chủ thể thị trường và sự bứt phá vươn lên của doanh nghiệp.

"Lấy ví dụ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, tôi cho rằng sự dễ dãi của nhà đầu tư là một nguyên nhân dẫn đến sự dễ dãi của doanh nghiệp và sự yếu kém của thị trường.

"Nếu không có sự cùng tham gia, cùng có trách nhiệm của các chủ thể trong thị trường thì sự can thiệp chính sách có thể dẫn đến nguy cơ đặt thêm điều kiện và siết chặt thêm thị trường", ông Hiếu nói.

Tin bài liên quan