Dự kiến, tín dụng năm 2020 tăng trưởng dưới 10% và sang năm 2021 sẽ tăng cao hơn.

Dự kiến, tín dụng năm 2020 tăng trưởng dưới 10% và sang năm 2021 sẽ tăng cao hơn.

Kinh tế hồi phục, ngành "huyết mạch" sẽ được hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế nên sẽ có nhiều triển vọng trong năm sau.

Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế trong thời gian tới?

Năm 2021, nền kinh tế sẽ mở cửa và kỳ vọng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ có trong 2 quý đầu năm. Khi vắc-xin được phổ biến, dịch bệnh được kiểm soát thì kinh tế sẽ dần hồi phục mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, Dragon Capital.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, Dragon Capital.

Việt Nam, với sự hình thành của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây, cộng với các chính sách hỗ trợ kinh tế cả từ tiền tệ lẫn tài khóa của Chính phủ, kinh tế năm 2021 được kỳ vọng tăng trưởng tích cực.

Sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành kể từ ngày 19/11/2019, lãi suất ở Việt Nam liên tục giảm. Vùng lãi suất thấp sẽ kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời giúp các doanh nghiệp tư nhân có nguồn hỗ trợ tài chính với chi phí thấp để đẩy mạnh đầu tư khi kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, Chính phủ đã đề xuất khoản đầu tư 118,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, tương đương 3% GDP mỗi năm.

Chính sách này sẽ tập trung giải quyết "điểm nghẽn" lớn của nền kinh tế là giao thông và hậu cần, ví dụ xây sân bay, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đồng thời nhắm mục tiêu đến ngành viễn thông và năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).

Điểm cần nhấn mạnh ở đây là các nước khác trong khu vực như Phillipines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng cắt giảm lãi suất và/hoặc tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng chỉ có Việt Nam làm cả hai việc trên mà không ảnh hưởng đến hệ số nợ quốc gia. Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là vận hội của Việt Nam.

Như vậy, tín dụng trong nền kinh tế sẽ dần được cải thiện?

Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2021. Kinh tế hồi phục, sức khỏe doanh nghiệp tốt lên, nhu cầu vốn tín dụng sẽ tăng dần. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng.

Trước mắt, tín dụng khó có thể kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao, bởi nền kinh tế vừa trải qua đại dịch. Tín dụng đến giữa tháng 11/2020 mới tăng 7,26% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ tăng 10,28%. Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020 đạt dưới 10%.

Nợ xấu ngân hàng có dấu hiệu tăng liệu có là rào cản đối với tín dụng?

Giai đoạn 2018 - 2020, các ngân hàng thương mại Việt Nam liên tục tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có 18 ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II.

Do đó, sức khỏe ngành ngân hàng cải thiện đáng kể. Khi đối mặt với đại dịch Covid-19, việc Việt Nam sớm thành công trong khống chế dịch với thời gian cách ly toàn xã hội ngắn (trong 3 tuần đầu tháng 4/2020) đã làm giảm đáng kể các tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Các ngành sản xuất đã hồi phục nhanh hơn các nước khác trong khu vực, tỷ lệ mất việc làm ở mức kiểm soát được và nhu cầu tiêu dùng nội địa thậm chí còn cao hơn trước dịch ở một số lĩnh vực.

Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong hoạt động tín dụng. Chiếm phần lớn dư nợ hiện tại là các khoản vay có tài sản bảo đảm và tỷ lệ dao động trong khoảng 140 - 200% tùy thuộc vào mục đích vay.

Đồng thời, các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu từ mức 1,33% tổng dư nợ cuối năm 2019 lên 1,55% vào giữa năm 2020 nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.

Vì vậy, nợ xấu ngân hàng thực sự không quá lớn và không đáng lo ngại. Đặc biệt, các khoản cho vay mới sau thời gian cách ly đều tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn, là những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt. Sang năm 2021, tình hình kinh tế cải thiện hơn, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng trở lại, nợ xấu sẽ dần giảm xuống.

Cổ phiếu ngân hàng dần lấy lại vị thế, ông có nhận xét gì về mức định giá hiện nay?

Năm nay, tác động của đại dịch Covid-19 lên hoạt động tín dụng buộc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

hả năng lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý IV/2020 sẽ không như kỳ vọng, do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao.

Tuy nhiên, cổ phiếu của ngành ngân hàng hiện nay đang được định giá khá thấp so với mức tăng trưởng của các ngân hàng. Đơn cử, cổ phiếu TCB của Techcombank đang ở vùng giá 23.000 đồng/cổ phiếu, trong khi P/B của cổ phiếu này đạt khoảng 1,1 lần.

Dự kiến, tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank năm nay khoảng 15 - 20% và mức tăng này được duy trì trong năm 2021, tương đương với P/B kỳ vọng là 0,9 lần. Đây là mức định giá thấp cho một cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng.

Mặt bằng lãi suất liệu có tiếp tục giảm?

Việt Nam đã theo đuổi chính sách lãi suất thực dương trong một giai đoạn rất dài. Trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trước kia có những thời điểm chưa thật vững chắc và cần thời gian để ổn định một cách bền vững, thì chính sách lãi suất thực dương là một chính sách tốt.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô đã ổn định trong hơn 6 năm qua, Việt Nam nên xem xét lại chính sách này.

Dư địa giảm lãi suất vẫn còn, tuy nhiên, còn phụ thuộc là loại lãi suất nào. Hiện tại, lãi suất thị trường hai (liên ngân hàng) đã tiệm cận mức 0%/năm, với thanh khoản hệ thống tốt và lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mức rất thấp, kỳ hạn 5 năm là 1,25%/năm, nên dư địa để giảm tiếp lãi suất là không nhiều.

Đối với lãi suất thị trường một (lãi suất tiết kiệm dân cư), lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng hiện khoảng 4 - 6%/năm, trong khi cách đây 1 năm là 5,5 - 7,5%/năm, nhưng vẫn còn dư địa giảm trong thời gian tới. Duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp với thanh khoản dồi dào sẽ giúp cho các ngân hàng có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp và người dân.

Theo ông, lạm phát năm nay có đáng quan tâm trong bối cảnh lãi suất giảm?

Lạm phát hiện nay của Việt Nam không phải là vấn đề đáng lo lắng như thời điểm năm 2008 và 2011. Đây là 2 thời kỳ lạm phát cao và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để kiểm soát lạm phát, trong khi có quá nhiều yếu tố tác động đến lạm phát khi đó.

Còn hiện nay, khi kinh nghiệm kiểm soát lạm phát đã được nâng tầm thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm thực dương vẫn được duy trì nên khó xảy ra lạm phát cao.

Cụ thể, trong năm 2020, khi giá thịt lợn tăng cao trong 2 quý đầu năm, lạm phát vẫn được kiểm soát và không bị tác động nhiều như trước.

Giá cả các nguyên vật liệu và kim loại dự kiến sẽ tăng trở lại trong thời gian tới do nhu cầu phục hồi từ việc mở cửa lại nền kinh tế. Tỷ giá ổn định trong nhiều năm qua và có dư địa để tiền đồng tăng giá trong thời gian tới, nhờ cán thặng dư cán cân thương mại lên đến 19,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020.

Dự trữ ngoại hối hiện đạt gần 100 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2008, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục đổ về và thặng dư thương mại dự kiến sẽ được duy trì trong năm tới. Các yếu tố bên ngoài vẫn tác động đến kinh tế Việt Nam, nhưng bức tranh năm 2021 có triển vọng sáng.

Tin bài liên quan