Lãi suất cho vay hiện đã giảm sâu, về mức trước dịch Covid-19

Lãi suất cho vay hiện đã giảm sâu, về mức trước dịch Covid-19

Lãi suất vay đang ở mức thấp kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa kinh doanh cuối năm đang đến gần, nhưng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, nên nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống vùng đáy mới.

“Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này”

Không chỉ khách hàng doanh nghiệp, mà với khách hàng cá nhân, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi, nhất là vay mua nhà.

Chẳng hạn, từ giữa tháng 11 đến hết ngày 31/12/2023, khách hàng cá nhân vay hiện hữu tại Nam A Bank được giảm mức lãi suất tối đa đến 2,8%/năm khi vay mới, áp dụng trong 3 tháng đầu. Điều kiện áp dụng là khách hàng không phát sinh nợ nhóm 2 vào thời điểm giảm biên độ lãi suất cho vay.

Tại BVBank, gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân vay linh hoạt có lãi suất từ 6,5%/năm. Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank, khách hàng có thể vay tới 15 tỷ đồng trong thời gian 120 tháng, tài sản bảo đảm là bất động sản.

BIDV cho biết, từ nay đến hết năm 2023, khách hàng cá nhân có thể vay mua nhà với lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu, hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu. Nếu vay tối thiểu 60 tháng, khách hàng có thể chọn lãi suất từ 8,3%/năm áp dụng trong 18 - 24 tháng, hoặc từ 9,3%/năm áp dụng trong 36 tháng đầu.

Trong khi đó, Agribank cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng đã có 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3 - 4%/năm, sàn lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5%/năm, tùy từng lĩnh vực.

“Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Đây không chỉ là việc Agribank, mà các ngân hàng đều vào cuộc đồng hành”, đại diện Agribank nói.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Agribank giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu, tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng.

Với các khoản vay mới, tính đến ngày 31/10/2023, Agribank thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỷ đồng.

Tuy lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng tính đến cuối tháng 10/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 7,39% so với đầu năm.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, nhu cầu vay vốn chưa được cải thiện, dù đã bước vào mùa cao điểm kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp, cũng là mùa tín dụng của ngành ngân hàng. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cả năm 2023 có thể chỉ đạt 11 - 12% so với mục tiêu 14%.

Trước đó, số liệu thống kê đến ngày 30/9/2023 cho thấy, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,92%. Hai lĩnh vực đóng góp chính vào mức tăng trưởng này là cho vay hoạt động thương mại và cho vay khác. Cụ thể, cho vay hoạt động thương mại tăng 14,4%, đóng góp 3,5%; cho vay khác tăng 11,1%, đóng góp 4,4% vào mức tăng chung.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp ở mức thấp, lần lượt là 2,9% và 4,9%. Tương tự, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là 1,53% (tổng dư nợ đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2%). Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 6,04% (tổng dư nợ đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46%), trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 21,9%, còn tín dụng bất động sản tiêu dùng ước tính giảm khoảng 1,4%. Tăng trưởng tín dụng của ngành vận tải đã thoát mức âm, đạt 10,7%.

Nhìn chung, nhu cầu tín dụng thực trong nền kinh tế rất yếu, thể hiện ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khi mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm qua. Từ thực tế trên thị trường và nhu cầu vốn, giới phân tích tài chính cho rằng, tín dụng tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là các khoản tài trợ ngắn hạn (liên quan đến hoạt động thương mại), đồng thời hệ thống ngân hàng vẫn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bất động sản, dù tình hình kinh doanh của khu vực này có nhiều khó khăn. Vì thế, lãi suất cho vay giảm thêm cũng chưa kích thích được tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế.

Chính sách lãi suất đã tới giới hạn

Nhu cầu tín dụng thực trong nền kinh tế rất yếu, thể hiện ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khi mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay bình quân từ 2 - 2,5%/năm so với đầu năm, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều khoản vốn huy động giá cao trước đây, ngân hàng chưa cho vay hết trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay có thể dẫn tới thua lỗ.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp phải nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, xây dựng kịch bản kinh doanh bền vững, có phương án ứng phó với các biến động của thị trường. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay. Nhờ đó, tổng cầu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư gần đây có dấu hiệu tích cực, nhưng về cơ bản vẫn còn khó khăn.

Theo TS. Võ Trí Thành, từ nay đến cuối năm, dư địa giảm thêm lãi suất điều hành ở mức thấp. Nguyên nhân không nằm ở lạm phát, mà là áp lực tỷ giá. Không thể để VND mất giá, vì nếu tình trạng này xảy ra, bản thân nhiều doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

“Chúng ta sẽ phải chấp nhận VND mất giá, nhưng chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn”, TS. Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Techcombank Phan Thanh Sơn nhìn nhận, chính sách hạ lãi suất đã tới giới hạn. Các ngân hàng hiện nay mong muốn cho vay, nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp. Mặt khác, lãi suất và tín dụng của ngân hàng không phải vấn đề cốt yếu đối với doanh nghiệp, mà có lẽ đánh giá rủi ro về môi trường kinh doanh mới là điều quan trọng để doanh nghiệp đưa ra quyết sách đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Thậm chí, chuyên gia Standard Chartered Bank dự báo, lãi suất điều hành không những khó giảm thêm, mà có thể tăng 0,5%/năm vào quý IV/2024.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered Bank chia sẻ, Ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam từ 5,4% xuống 5%, đồng thời nâng dự báo lạm phát từ 2,8% lên 3,4%. Sang năm 2024, GDP có thể tăng 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm), với kỳ vọng xuất khẩu được cải thiện.

Về lãi suất điều hành, vị chuyên gia Standard Chartered Bank nhận định, Việt Nam liên tục hạ lãi suất điều hành trong năm 2023 là động thái bất ngờ, đi ngược với tình hình chung trên thế giới, nhưng khó có thể hạ thêm trong thời gian tới. Lãi suất tái cấp vốn có thể sẽ duy trì mức 4,5%/năm cho đến cuối quý III/2024 để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trước đó, Ngân hàng dự báo, lãi suất sẽ được giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu quan điểm, kinh tế vẫn còn khó khăn nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Do đó, bên cạnh giảm lãi vay, cần có giải pháp kích cầu sức mua.

Tin bài liên quan