Lãi suất cho vay mới dành cho khách hàng doanh nghiệp đang được không ít ngân hàng áp dụng từ 5 - 6%/năm trong thời gian đầu

Lãi suất cho vay mới dành cho khách hàng doanh nghiệp đang được không ít ngân hàng áp dụng từ 5 - 6%/năm trong thời gian đầu

Lãi vay: Mới giảm, cũ… tùy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với đà giảm lãi suất khoản vay mới, các ngân hàng từng bước điều chỉnh lãi suất khoản vay hiện hữu, nhất là khi chi phí đầu vào giảm sâu, nhưng số lượng nhà băng có động thái này còn khiêm tốn.

Tín dụng tăng thấp, ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay

Lãi suất vay mua nhà tại OCB hiện khoảng 6%/năm trong 1 năm đầu và từ 8 - 9%/năm cho giai đoạn sau.

Tại Shinhan Việt Nam, lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 1 năm là 5,2%/năm, trong 2 năm là 5,5%/năm, trong 3 năm 6%/năm và trong 5 năm là 7,5%/năm (nhưng 6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm).

Với cho vay mua ô tô, Shinhan Việt Nam áp dụng lãi suất 6,3%/năm trong năm đầu giải ngân; hoặc 5,9%/năm trong 6 tháng đầu và 7,9% trong 30 tháng sau, với tỷ lệ tài trợ vốn 80% giá trị xe.

Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, do tính chất rủi ro cao và tín chấp (không tài sản đảm bảo) nên Shinhan Việt Nam vẫn áp dụng lãi vay từ 11%/năm (tính trên dư nợ giảm dần). Hạn mức cho vay lên đến 900 triệu đồng, thời hạn tối đa 60 tháng.

Đặc biệt, lãi suất cho vay mới dành cho khách hàng doanh nghiệp đang được không ít ngân hàng áp dụng từ 5 - 6%/năm khi vay nội tệ, từ 2 - 3%/năm khi vay ngoại tệ.

Tuy lãi suất cho vay giảm, nhưng theo một cán bộ của Eximbank, đẩy mạnh tín dụng lúc này là bài toán khó. Ngân hàng rất muốn cho vay, song e ngại rủi ro nợ xấu, vì “sức khỏe” các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 chưa hồi phục, không ít lĩnh vực hoạt động vẫn khó khăn.

Đó cũng là lý do tín dụng chưa tăng cao, dù mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp. Tính đến cuối quý I/2024, tín dụng tại VIB tăng 1%, tại OCB tăng 5,6%, tại SeABank tăng 0,8%, tại Techcombank tăng khoảng 3%...

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 25/3/2024 tăng 0,26%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,99%. Năm 2024, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có thể điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng được Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện gần nhất cho thấy, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý I/2024 là “cải thiện” ở mức thấp hơn so với nhận định và kỳ vọng ở kỳ điều tra trước đó. Tại thời điểm cuối quý I/2024, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tiếp tục được các tổ chức tín dụng nhận định ở mức cao hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và tổ chức tín dụng khác. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý II/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024 - giảm 0,6% so với mức dự báo tại kỳ điều tra liền trước.

Các tổ chức tín dụng cho biết, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng chưa đạt được xu hướng “giảm nhẹ” như kỳ vọng tại thời điểm cuối năm 2023, trong quý I/2024 có dấu hiệu “tăng nhẹ” và kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý II/2024.

Tín dụng khó tăng cao, trong khi áp lực chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận buộc nhân viên ngân hàng phải xoay xở kích cầu nhằm hoàn thành chỉ tiêu. Có ngân hàng cho khách hàng vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm với lãi suất thấp, từ 4,5 - 5%/năm. Sau đó, khách hàng có thể đem tiền vay gửi ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, hoặc cho công ty chứng khoán vay để hưởng chênh lệch.

Lãi suất khoản vay cũ được điều chỉnh giảm, nhưng còn khiêm tốn

Theo cán bộ của một ngân hàng, lãi suất cho vay bình quân từ 8 - 9,5%/năm, ngân hàng mới có lợi nhuận.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay mới đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, xe đã được nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp, 5 - 7%/năm trong 6 tháng đến 1 năm đầu. Với khoản vay cũ, một số ngân hàng cũng điều chỉnh giảm, song nhiều nhà băng chưa có động thái này, với lý do trước đây huy động lãi suất cao.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh cho biết, có những doanh nghiệp được vay mới với lãi suất dưới 7,5%/năm, nhưng đa số tổ chức tín dụng chưa giảm lãi vay đối với khoản vay cũ. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh có không ít khó khăn, thách thức, áp lực trả lãi khoản vay trước đây vẫn đè nặng, nên các doanh nghiệp mong được ngân hàng giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu.

Trong năm 2023, lãi suất cho vay tăng cao, nhất là với khách hàng cá nhân. Nhằm tạo điều kiện cho người vay giảm áp lực trả nợ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Quy định mới cho phép khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác, với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Điều này có nghĩa, khách hàng có quyền lựa chọn ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn để vay nhằm trả nợ trước hạn cho khoản vay ngân hàng hiện tại.

Tuy nhiên, việc vay để trả nợ trước hạn có trở ngại là nhiều khoản phí phát sinh phải trả ngân hàng hiện hữu (phí phạt trả nợ trước hạn, phí giải chấp tài sản bảo đảm…) và ngân hàng mới (phí thẩm định lại tài sản bảo đảm, phí công chứng mới, đăng ký thế chấp lại…). Các khoản phí này làm cho việc chuyển đổi khoản vay kém hiệu quả, chỉ phù hợp với các khoản vay đang còn thời gian dài và giá trị lớn. Mặt khác, tài sản thế chấp cho khoản vay hiện tại thường bị ngân hàng cho vay mới định giá lại theo hướng giảm, làm giảm khả năng vay của khách hàng.

Hiện tại, nhiều khách hàng vay mua nhà, xe ở thời điểm lãi suất cao vẫn đang phải “gồng mình” để trả nợ hàng tháng. Ông Trần Nguyên ở TP.HCM chia sẻ, tháng 6/2023, ông vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng trong thời gian 10 năm để mua nhà, lãi suất khi đó là 13%/năm. Đến cuối năm 2023, lãi suất khoản vay được ngân hàng điều chỉnh lên 16%/năm, còn hiện tại là 14%/năm. Ông Nguyên liên hệ nhân viên tín dụng yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất nhiều hơn, song không được chấp thuận, lý do là thời điểm ký hợp đồng cho vay, ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao.

Liên quan đến lãi suất cho vay, một cán bộ tín dụng BVBank cho hay, đối với khoản vay trung và dài hạn, Ngân hàng cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ, hiện lãi suất cơ sở giảm 2%/năm so với cuối năm 2023.

Tại Shinhan Việt Nam, Ngân hàng giảm lãi suất cho khoản vay cũ của khách hàng vay mua nhà (thế chấp bất động sản), xe ô tô và áp dụng cho tất cả khách hàng hiện hữu. Phương thức điều chỉnh lãi suất dựa theo bậc thang về dư nợ (dư nợ càng cao, mức giảm càng nhiều).

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, không chỉ giảm lãi suất đối với khoản vay mới, Ngân hàng còn giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, nhằm chia sẽ khó khăn với người vay mà không cần chờ đến kỳ điều chỉnh lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký trước đó (thường là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, hoặc 1 năm).

Tuy nhiên, số ngân hàng giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu còn khiêm tốn. Lãnh đạo một số nhà băng khác cho biết, phải hết thời hạn ưu đãi lãi vay hoặc đến kỳ điều chỉnh theo hợp đồng mới giảm lãi suất khoản vay cũ. Trong khi đó, một chuyên gia tài chính nhận xét, nguồn vốn huy động chi phí cao đến nay hầu như đã được tất toán, vì rất ít khách hàng gửi kỳ hạn dài từ 2 năm trở lên. Mặc dù vậy, việc giảm lãi suất cho vay tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động bình quân từng thời kỳ cộng chi phí hoạt động của ngân hàng cộng với phần bù rủi ro, mà mỗi ngân hàng có khẩu vị rủi ro khác nhau và khách hàng vay kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao.

Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng, hiện Agribank công bố chi phí vốn là 6%/năm, các ngân hàng thương mại thường có chi phí vốn cao hơn mức này từ 0,5 - 1% nên khó có thể cho vay dưới mức 6,5 - 7%/năm. Nếu có cho vay với lãi suất thấp thì sau đó cũng sớm điều chỉnh tăng, với biên độ 2 - 3,5%/năm, tùy thuộc kỳ hạn khách hàng vay. Lãi suất cho vay bình quân từ 8 - 9,5%/năm, ngân hàng mới có lợi nhuận.

Tin bài liên quan