Làng tài chính những con số ấn tượng 2024

Làng tài chính những con số ấn tượng 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu năm 2023, nhiều nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái tại Mỹ, châu Âu chìm sâu trong khủng hoảng và kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Vậy nhưng 2023 đã tạo nên những khác biệt hoàn toàn. Nước Mỹ tránh được suy thoái, châu Âu kiểm soát tình hình tốt hơn dự báo và Trung Quốc vẫn đang vật lộn để quay lại đà tăng trưởng.

Có thể nói, 2023 mang tới cho các chuyên gia, nhà kinh tế nhiều yếu tố bất ngờ, từ sự sụp đổ của các ngân hàng địa phương, cho tới tốc độ tăng trưởng chóng mặt của trí thông minh nhân tạo (AI).

Trong nỗ lực tổng kết lại một năm đầy phức tạp, các chuyên gia tại GeoEconomíc Center đã mang tới những con số ấn tượng liên quan tới kinh tế - xã hội toàn cầu, nhiều điều trong số này có thể bạn đã bỏ lỡ năm 2023.

Người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel kinh tế độc lập

Ngày 9/10/2023, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2023 thuộc về Claudia Goldin. Bà được trao giải "vì đã nâng cao hiểu biết cho thế giới về tác động của phụ nữ với thị trường lao động". Hội đồng trao giải Nobel đánh giá Goldin là người đầu tiên cung cấp cái nhìn toàn diện về thu nhập và đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động.

Trong tất cả giải Nobel, Kinh tế là lĩnh vực có ít đại diện nữ nhất. Sau 55 năm tổ chức, chỉ có 3 phụ nữ từng giành giải thưởng này. Đó là Elinor Ostrom năm 2009, Esther Duflo năm 2019 và Claudia Goldin năm nay.

Goldin cũng là phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng này một mình. Cả Ostrom và Duflo đều nhận giải Nobel chung với đồng nghiệp nam.

Con số này cũng phần nào phản ánh câu chuyện về việc nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế - lĩnh vực vốn nhiều thử thách và tồn tại khoảng cách giới tính lớn.

1,4 độ C - nhiệt độ Trái Đất tăng lên

Nhiệt độ Trái đất tăng hơn 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khiến 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử và nhiệt độ của năm 2023 có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ giai đoạn nào trong ít nhất 100.000 năm qua. Con số này được cơ quan theo dõi khí hậu Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 9/1/2024.

Trong bối cảnh Trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng, Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó có việc thống nhất và bắt đầu vận hành Quỹ tổn thất thiệt hại; 124 nước đã ký "Tuyên bố về khí hậu và sức khỏe"; các bên cũng đã tham gia ký “Cam kết làm mát toàn cầu” (Global Cooling Pledge).

Rõ ràng, các quốc gia là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Nga… cần sớm hành động, bởi nhóm này đóng góp hơn 2/3 nguồn ô nhiễm toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia thu nhập thấp và nhóm đang phát triển (với khoảng 8 tỷ dân số) chỉ đóng góp khoảng 17% nguồn gây ô nhiễm.

Đặc biệt, 2 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nhiệm vụ phát triển bền vững hiện tại. Trong khi Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng khoảng 30% nguồn năng lượng tái tạo toàn cầu, thì hơn một nửa tiêu thụ năng lượng nội địa vẫn là than đá.

Mặc dù nước Mỹ đã giảm tốc độ phụ thuộc vào năng lượng tái tạo trong 3 thập kỷ qua, nhưng quốc gia này vẫn đóng góp 20% nguồn gây ô nhiễm khí hậu toàn cầu kể từ năm 1850 và là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Theo đó, Mỹ và Trung Quốc cần giữ vai trò dẫn dắt các quốc gia đi qua khủng hoảng khí hậu hiện nay.

548 tỷ USD - tổng tài sản của các nhà băng sụp đổ

548 tỷ USD là tổng tài sản của 3 nhà băng đã sụp đổ năm 2023 tại Mỹ: Signature Bank (110 tỷ USD), Silicon Valley Bank (SVB, 209 tỷ USD) và First Republic Bank (229 tỷ USD).

Trong đó, vụ việc của SVB trở thành trường hợp điển hình của việc một ngân hàng cỡ nhỏ (ngân hàng có tổng tài sản từ 50-250 tỷ USD) “ngã quỵ” trong chốc lát từ việc người gửi tiền rút tiền ồ ạt. Nguyên nhân xuất phát từ một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội khiến khoảng 42 tỷ USD đã bị rút khỏi ngân hàng chỉ trong 1 ngày.

Diễn biến này phần nào gợi nhắc tới khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, nhưng điểm khác biệt chính là hành động khẩn trương của Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi quốc gia nhằm ngăn chặn các tác động lan toả tới hệ thống tài chính Mỹ.

7 tỷ - 1,7 nghìn tỷ thông số

Năm 2023, Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence - AI tạo sinh) thu hút sự chú ý của cộng đồng toàn cầu với năng lực tạo ra những bức ảnh, video, âm thanh, văn bản… sống động đáng kinh ngạc. Nhiều người tiên đoán rằng các mô hình như GPT-4, PaLM 2, Llama 2 và Mistral sẽ tạo nên cuộc cách mạng khiến con người thay đổi cách thức làm việc tại mọi lĩnh vực, từ giao dịch, kinh doanh cho tới dịch vụ công.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ luôn đi kèm với chi phí và các yêu cầu đầu vào. Ngày nay, các mô hình AI ngày càng tăng trưởng nhanh chóng về quy mô (đo lường bằng các thông số đầu vào) và theo đó, chi phí để phát triển cũng như chi phí sử dụng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, mô hình Llama 2 cần 70 tỷ thông số đầu vào và đòi hỏi 1,7 triệu giờ xử lý các tác vụ có liên quan.

Chính những đòi hỏi về nguồn lực này cũng tạo ra khoảng cách giữa các doanh nghiệp nói riêng, cũng như giữa các quốc gia nói chung. Robin Li, CEO Baidu từng lên tiếng tại sự kiện AI X-Lake Forum 2023 ngày 15/11/2023 rằng, các mô hình AI hiện có hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ điểm dữ liệu, khiến các công ty đứng sau phải huy động nhiều nguồn lực để phát triển và vận hành. Việc các công ty AI nhỏ hơn bắt kịp những tên tuổi lớn về LLM là điều "không thể thực hiện được và cũng không đem lại kết quả cuối cùng".

Theo đó, cách thức phát triển và tiếp cận đối với các ứng dụng công nghệ AI này cần có sự điều chỉnh và chiến lược phù hợp để tránh lãng phí nguồn lực xã hội và kinh tế.

3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ

Cuộc khủng hoảng sâu rộng tại thị trường bất động sản Trung Quốc đang khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu áp lực lớn, đồng thời cũng tạo hệ luỵ đối với các thị trường toàn cầu.

Vấn đề tại thị trường bất động sản Trung Quốc xuất phát từ tình trạng đầu cơ quá mức và các nhà phát triển bất động sản sử dụng tiền huy động từ khách hàng (bán nhà ở hình thành trong tương lai) cho các mục đích tài chính khác.

Kết quả là ước tính có 20 triệu căn hộ chưa được hoàn thiện nằm trên sổ sách các doanh nghiệp. Gần 40 trong số 50 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong cảnh không thể thanh toán các khoản nợ và trái phiếu đúng hạn…, bao gồm hơn 5 tỷ USD các khoản nợ quốc tế.

Trung Quốc đã cam kết sẽ dành 550 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, ước tính cần tới 3.600 tỷ nhân dân tệ để Trung Quốc có thể hoàn thiện các dự án đang dang dở, dự án đã bán cho người mua nhà nhưng chưa hoàn thiện, trong tình cảnh các công ty bất động sản bên bờ vực phá sản.

Đáng chú ý, có khoảng 7,2 triệu ngôi nhà đang bỏ trống trên khắp cả nước, trong khi giấc mơ mua nhà của người trẻ Trung Quốc ngày càng xa vời.

27% - đóng góp của khối BRIC+ với kinh tế toàn cầu

Các thành viên BRICS đã đi được một quãng đường dài kể từ ngày thành lập năm 2001, khi các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc mới đóng góp chưa tới 10% GDP toàn cầu.

Với sự tham gia của Hy Lạp, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê út và gần đây nhất là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào 1/1/2024, số lượng thành viên của khối đã tăng hơn gấp đôi. Cùng với đó, khối này chiếm tỷ trọng 27% GDP toàn cầu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia chính trị quốc tế, việc BRICS mở rộng đáng kể thành viên trong khối Nam bán cầu sẽ góp phần tạo nên những ảnh hưởng lớn trong nỗ lực cân bằng trật tự thế giới. Đồng thời, động thái này thể hiện tinh thần cởi mở, hợp tác cùng có lợi với cơ chế thể hiện nền tảng hợp tác quan trọng cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Tin bài liên quan