Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB

Lãnh đạo MB: Nợ trái phiếu của Novaland đã giảm nhiều so với đầu năm, sẽ không phát sinh nợ xấu trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam được cổ đông đưa ra với lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 25/4. 

Khoản nợ của Novaland và Trung Nam sẽ không phát sinh nợ xấu

Ông Phạm Như Ánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB cho biết, số tiền Ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản của Ngân hàng thực tế chỉ ở khoảng 7 - 8% trên tổng quy mô cho vay, nằm trong top ngân hàng có tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản thấp nhất thị trường.

Với Hưng Thịnh, ông Ánh cho biết, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, chỉ có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp. Còn với Novaland, MB có cho vay và phát hành trái phiếu, nhưng Ngân hàng quản lý đánh giá theo từng dự án cụ thể.

"Tính đến hiện tại, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Toàn bộ các dự án này chúng tôi đều cho vay và quản lý tới nhà thầu và khách hàng cá nhân. Năm 2023 cơ bản sẽ không phát sinh nợ xấu, Novaland đang thực hiện khởi động lại các dự án và MB sẽ phối hợp để thu nợ", ông Ánh cho biết.

Đối với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời hiện vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Về tiêu chí để cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023, ông Ánh cho biết, chiều nay (25/4), Ngân hàng Nhà nước mới họp với các TCTD để hướng dẫn triển khai thông tư này.

Chia sẻ thêm về tín dụng bất động sản, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, vấn đề với bất động sản không chỉ là của riêng Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất là vấn đề pháp lý chứ không phải là vấn đề tài chính, tài chính là vấn đề hậu quả. Các vướng mắc về hoàn thiện thủ tục giấy tờ để mở bán cũng đã mất đến vài năm, nên nếu giải được bài toán về thủ tục pháp lý thì sẽ giải quyết được bài toán về tài chính. Tỷ lệ cho vay bất động sản của MB hiện vẫn nằm trong phạm vi cho phép.

MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông nói. MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng số tiền cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo và cam kết sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.

Với một số dự án điện tái tạo mà MB đang cho vay, ông Thái thông tin, MB hiện đang cho vay 4 dự án bị đóng điện chậm so với thời gian quy định với lý do là thực hiện vào đúng giai đoạn COVID-19. Hiện Chính phủ đã ra thông tư mới để áp dụng giá bán điện mới và các nhà đầu tư các dự án này đang đàm phán để được áp dụng giá mới tốt hơn.

"Cả 4 dự án MB đang cho vay đều là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và đã xoay đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MB và chúng tôi đã cơ cấu, điều chỉnh phù hợp với các khoản này. Dự kiến năm nay có giá FIT mới sẽ đảm bảo được tiến độ và khả năng chi trả", ông Thái cho biết.

Không có bảo lãnh trái phiếu

Về lo lắng của cổ đông về số dư bảo lãnh của MB rất lớn, ông Lưu Trung Thái thông tin chi tiết, số dư bảo lãnh của MB xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có bảo lãnh trái phiếu, mà chủ yếu là bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán. Hoạt động bảo lãnh này mỗi năm đóng góp rất lớn vào lợi nhuận của Ngân hàng và được kiểm soát chặt chẽ.

Về vấn đề tại sao trong 3 năm qua chưa chi được cổ phiếu ESOP cho người lao động và cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, ông Thái lý giải, việc này là do những vướng mắc về thủ tục pháp lý nên các nội dung phát hành cổ phiếu ESOP và cổ phiếu cho cổ đông chiến lược chưa được triển khai.

Về thắc mắc của cổ đông mức chia cổ tức có phần thấp hơn so với thặng dư tiền mặt và lợi nhuận để lại của năm 2022, Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ: "Dự đoán năm 2023 hoạt động kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nên phương án chia cổ tức 20% mà HĐQT đề xuất là phù hợp với tình hình kinh doanh của năm nay và xin giữ lại chút thặng dư để phù hợp với yêu cầu quản trị và dự phòng các rủi ro".

Ông Thái cho biết thêm, mục tiêu chiến lược ngắn hạn đặt ra đến năm 2026, nhưng hiện nay một số chỉ tiêu đã tiệm cận mục tiêu chiến lược, chẳng hạn năm 2022, ROE của MB đã đạt 26% và năm nay ROE của ngân hàng là khoảng 23%. Trong khi đó, các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á chỉ có ROE ở mức 7 - 8%. Như vậy, MB đang không có rủi ro lớn.

Năm nay, MB đặt mục tiêu đạt 25 - 27 triệu khách hàng và nếu tham vọng hơn thì sẽ có đến 30 triệu khách hàng, nếu vậy MB đã có lượng khách hàng là 30% dân số Việt Nam và chiếm khoảng 40% lực lượng lao động tại Việt Nam. Để phục vụ và tạo nhiều trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của MB, Ngân hàng tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số.

Về vấn đề nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, được MB đưa ra năm ngoái, nhưng hiện nay chưa nhận chuyển giao, ông Phạm Như Ánh cho biết, lý do là do thủ tục trình tự của Ngân hàng Nhà nước về thủ tục định giá ngân hàng được chuyển giao bắt buộc cần nhiều thời gian, theo quy trình của nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng, cũng vì việc này chưa từng có tiền lệ. Dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024 các thủ tục pháp lý của việc chuyển giao này mới hoàn tất và lúc đó MB mới có thể nhận chuyển giao ngân hàng được.

Tin bài liên quan