Laptop khan hàng, tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
Năm học mới sắp đến, trong khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều trường bắt đầu học trực tuyến; các cơ quan, doanh nghiệp cũng làm việc online, khiến nhu cầu mua laptop tăng, giá bị đẩy lên cao.
Đại diện các hệ thống bán lẻ cho rằng, tình trạng tăng giá và thiếu hàng laptop chỉ có thể ổn định lại sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Đại diện các hệ thống bán lẻ cho rằng, tình trạng tăng giá và thiếu hàng laptop chỉ có thể ổn định lại sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Thiếu nguồn cung trầm trọng

Bước vào năm học 2021 - 2022, nhà trường yêu cầu học trực tuyến, nên chị Nguyễn Thị Hồng (tổ 18, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) phải tìm mua laptop cho con học. Mục tiêu của chị là tìm laptop có màn hình rộng, cấu hình đáp ứng nhu cầu cơ bản, giá bán dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, liên hệ với các siêu thị điện máy lớn như Thế giới Di động, FPT Shop, MediaMart…, chị được nhân viên cho biết, phân khúc đó đang “cháy hàng” và có rất ít sự lựa chọn.

Đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy chia sẻ: “Đó là tình trạng chung của các đơn vị phân phối từ đầu năm đến nay. Laptop ở tất cả phân khúc đều thiếu, nhưng thiếu nhất là phân khúc sử dụng cho văn phòng, có giá 13 - 16 triệu đồng. Các hãng đều rất ít hàng, máy về nhỏ giọt, thậm chí, một số dòng sản phẩm còn không đủ hàng để bán”.

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng viễn thông - di động của hệ thống FPT Shop cũng cho hay, nửa đầu năm 2021, mặt hàng laptop có tốc độ tang trưởng tới 50%. “Doanh số laptop vẫn có khả năng tăng trưởng thêm 10 - 20% trong quý III, vì đây là thời gian tựu trường, học sinh, sinh viên có nhu cầu mua hoặc nâng cấp máy tính để chuẩn bị cho hành trình học tập sắp tới”, ông Kha nhận định.

Tương tự, tại hệ thống GearVN, ngành hàng laptop ghi nhận mức tăng trưởng hơn 160% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông Thái Lê Tú, đại diện GearVN, những mẫu laptop bán chạy tập trung ở phân khúc dưới 30 triệu đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, một số mẫu laptop của các hãng Asus, Dell, HP có tình trạng khan hàng. Bên cạnh nhu cầu cao từ khách hàng, thì nguồn cung cũng gặp khó khăn. Sự thiếu hụt về nguồn cung linh kiện, vật liệu chế tạo đã tác động lớn đến quá trình sản xuất laptop. Covid-19 bùng phát khiến quá trình vận chuyển, nhập hàng càng khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung.

Giá bán tăng theo

Thời điểm hiện tại, giá các dòng sản phẩm laptop của các hãng Dell, Asus, Acer, HP, Lenovo... đều bị đẩy lên khoảng 1 - 2 triệu đồng/chiếc so với tháng trước.

Theo các nhà phân phối, từ ngày 1/6/2021, các nhà cung cấp đều đồng loạt tăng giá bán. Hãng Dell tăng thêm 10 - 100 USD/sản phẩm; HP cũng điều chỉnh giá mới cho các model Pavilion sử dụng chip Intel Core-i thế hệ thứ 11 tăng 5 - 10%, tùy sản phẩm.

“Hầu hết thương hiệu laptop đều có model tăng giá 2 - 5%, chủ yếu là các dòng dưới 20 triệu đồng”, ông Thái Lê Tú thông tin.

Từ đầu quý II năm nay, CellphoneS đã buộc phải tăng giá bán nhiều mẫu laptop sau nhiều nỗ lực giữ giá. Đến nay, một số dòng sản phẩm đã trải qua 4 - 5 lần tăng giá liên tiếp, mỗi lần tăng 3 - 8%.

Đại diện các hệ thống bán lẻ cho rằng, tình trạng tăng giá và thiếu hàng laptop chỉ có thể ổn định lại sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

“Để có thể giải quyết tình trạng khan hàng, phụ thuộc chủ yếu vào việc kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Ngoài ra, các công xưởng của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ cũng phải ổn định lại hoạt động sản xuất, để các nhà máy có thể hoạt động với công suất tối đa”, ông Nguyễn Lạc Huy bình luận.

Hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỷ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020. Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỷ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021.

Gartner cho rằng, số lượng laptop và tablet sẽ tăng tương ứng 8,8% và 11,7% vào năm 2021. Tuy nhiên, số lượng PC có thể sẽ giảm từ 522 triệu chiếc vào năm 2020 xuống còn 470 triệu chiếc vào năm 2022.

Tin bài liên quan