Đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,15%, cách khá xa mục tiêu 14% trong năm nay

Đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,15%, cách khá xa mục tiêu 14% trong năm nay

Lộ trình dài bỏ room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi nguồn vốn và khả năng sinh lời của các ngân hàng được cải thiện, Ngân hàng Nhà nước có thể dần loại bỏ những quy định cũ để chuyển sang phân bổ tín dụng dựa trên thị trường nhiều hơn.

“Chào thua” chỉ tiêu!

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, số tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng (tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 9,95% từ đầu năm đến nay), là mức tăng trưởng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018. Số tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 6,23 triệu tỷ đồng (tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 4,65% từ đầu năm đến nay), cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ 2022.

Như vậy, dù đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm, nhưng lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vẫn duy trì ở mức cao, kết hợp với tăng trưởng tín dụng yếu (6,92% tính đến cuối tháng 9) đã dấy lên một số lo ngại về khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế cũng như tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng.

“Tăng trưởng huy động lại cao hơn so với các năm 2021, 2022, cho thấy người gửi tiền đang mất niềm tin vào các kênh đầu tư khác, cũng như không có các phương án kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn này”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,15% so với hồi đầu năm, có cải thiện so với tháng 10, song đây là mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Hiện tại, dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là khoảng 6,2%, tương đương 735.000 tỷ đồng cần cấp cho nền kinh tế. Tuy lãi suất cho vay đã giảm mạnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại vẫn chưa được khơi thông.

Chia sẻ của một số ngân hàng cho biết, mảng khách hàng cá nhân vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng chậm hơn so với năm trước. Dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% từ đầu năm đến nay - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây, trong khi nhu cầu từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn. Dù vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu là để duy trì vốn lưu động, hơn là mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Có lẽ chính vì vậy mà chưa năm nào mới đến tháng 7, cơ quan quản lý đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong bối cảnh thị trường tín dụng trì trệ, Ngân hàng Nhà nước trong tuần cuối tháng 11 đã quyết định tái phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của họ từ đầu năm đến nay. Động thái của Ngân hàng Nhà nước được WB nhận định do tăng trưởng tín dụng chậm, nguyên nhân là bởi đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục suy yếu, một phần liên quan đến tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng 21,6% dư nợ tín dụng vào năm 2022.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo ngân hàng trong nhóm Big 4 thốt lên: “Đừng bàn về tăng định mức hay bỏ/giữ room tín dụng nữa, vì chỉ tiêu thừa đầy mà có cho vay được đâu”. Còn Chủ tịch một ngân hàng cho biết: “Chưa năm nào, định mức thưởng rất lớn nếu tăng trưởng được tín dụng lại bị nhân viên chào thua như năm nay. Thị trường quá khó khăn là một chuyện, nhưng vấn đề khác là quá rủi ro, thậm chí còn dẫn đến lao lý “nếu cố đấm ăn xôi” để có được con số tăng trưởng tín dụng”.

PMI (Chỉ số Nhà quản lý mua hàng của Việt Nam), một dữ liệu quan trọng, đã đón nhận những cơn gió ngược. PMI tháng 11 giảm xuống 47,3 điểm, từ mức 49,6 điểm của tháng 10. Đây là mức PMI thấp nhất trong 5 tháng gần đây và là tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ số này ở dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này cho thấy rủi ro suy thoái kinh tế tại một số thị trường phát triển có thể đe dọa sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước ở những quý tới. Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô cũng như giá cả leo thang đang gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước.

Trong đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, có 3 điểm nhấn nổi bật: Một là, doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm sản lượng và hàng tồn kho khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm; Hai là, số việc làm mở mới thấp hơn; Ba là, chi phí đầu vào tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.

Đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,15%, cách khá xa mục tiêu 14% trong năm nay

Đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,15%, cách khá xa mục tiêu 14% trong năm nay

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại điều hành chỉ tiêu tín dụng

Theo WB, 11 tháng đầu năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ USD, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn của kinh tế toàn cầu, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước đại dịch Covid (năm 2019). Lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 60% số vốn FDI đăng ký mới và góp vốn bổ sung. Trong đó, bất động sản chỉ chiếm 3,5% vốn đăng ký trong 11 tháng đầu năm 2023, so với mức 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản trong nước. Tính đến cuối tháng 11, vốn FDI giải ngân đạt 20,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9/2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này ghi nhận mức tăng trưởng 6,04% so với thời điểm 31/12/2022, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 6,92%. Như vậy, tín dụng lĩnh vực bất động sản cũng đang chịu chung số phận với diễn biến chung, thậm chí có phần khó khăn hơn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp địa ốc giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản cũng là ngành chứng kiến số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong giai đoạn này. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so với cùng kỳ.

Nghiên cứu của Bộ phận BHS R&D về thực trạng ngành môi giới tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, số lượng sàn giao dịch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động lên đến gần 50%. Trong số 50% còn lại, có đến 30% là hoạt động cầm chừng do không trả lương cho nhân viên bán hàng, hoặc khi bán được hàng mới có lương. Như vậy, chỉ 20% có hoạt động thực tế.

Làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục lan rộng trong các doanh nghiệp bất động sản cũng thể hiện qua báo cáo tài chính cho thấy hàng trăm nhân viên mất việc. Ví dụ, Đất Xanh Group (DXG) ghi nhận cơ cấu tổ chức gồm 86 công ty con nhưng không ít trong số này đang làm thủ tục giải thể. Hay như PVR Hà Nội đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc tạm ngừng hoạt động một năm với lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới…

Tuy vậy, trong một văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi tới các doanh nghiệp bất động sản đã cho biết, các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét, giải quyết. Nhưng, ở chiều doanh nghiệp bất động sản tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm” thì đến nay chưa mấy tích cực.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings nhận định, tác động của thị trường bất động sản đến triển vọng ngành ngân hàng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế là khá lớn. Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn và chất lượng tín dụng rất thấp, tác động lây chéo đến chất lượng tín dụng ngân hàng là hiện hữu, kể cả trong trường hợp các hỗ trợ chính sách (Thông tư 02 về cho phép giãn nợ tín dụng, Thông tư 10 cho phép hoãn thực hiện Thông tư 06 về mục đích vay vốn và Nghị định 08 về cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu riêng lẻ) được mở rộng hoặc kéo dài.

WB nhận định, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác. Đồng thời, nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ nền kinh tế ổn định trong ngắn hạn và tăng trưởng trong dài hạn.

Trong cuộc họp với Chính phủ đầu tháng 12 này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước cấm cho vay lĩnh vực bất động sản, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây, bởi những quan ngại về rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn, đến khi người dân rút tiền, lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng.

Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án. Khi pháp lý thông suốt, tín dụng lập tức được khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt của ngành ngân hàng, Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng quan tâm tháo gỡ các vấn đề pháp lý của thị trường này.

Liên quan đến điều hành tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu tín dụng, về những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không, hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Quan trọng không phải là room, mà là kiểm soát rủi ro tín dụng

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Room tín dụng phù hợp với giai đoạn khủng hoảng từ năm 2008 kéo dài đến 2011, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng quá yếu. Khi “sức khoẻ” hệ thống ngân hàng đã được khôi phục trở lại, cần bỏ cách thức này, bởi room tín dụng gần như đặt ra chính sách cào bằng. Có những ngân hàng tốt, đầu tư bài bản cả con người, công nghệ và quy trình nhưng quy mô tín dụng nhỏ thì tăng đến 50% cũng không bằng những ngân hàng có tổng dư nợ tín dụng quá lớn chỉ tăng trưởng 1 - 2%. Điều này phần nào dẫn đến cuộc cạnh tranh không bình đẳng, do đó, không nên tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính mà để ngân hàng huy động được thì cho vay, miễn là kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Kinh nghiệm trên thị trường cho thấy, hiện tượng giới chủ ngân hàng huy động vốn ồ ạt đầu tư vào những lĩnh vực theo ý chí cá nhân khiến room tăng trưởng tín dụng ít hay nhiều không có ý nghĩa trong trường hợp này. Quản lý bằng room tín dụng không mang lại chất lượng cho ngành ngân hàng, mà phải là yếu tố kiểm soát rủi ro tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng chỉ là chức năng thứ hai của ngân hàng và chức năng đầu tiên là huy động vốn. Nếu thanh lọc hoạt động của ngân hàng, đương nhiên, chất lượng tín dụng, đầu ra của ngân hàng cũng sẽ tốt hơn. Đây mới là vấn đề quan trọng cần tập trung, nhưng cũng cần có lộ trình bỏ room tín dụng trong bối cảnh cần tăng trưởng kinh tế.

Bỏ room tín dụng, cần lộ trình 3 - 5 năm

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để bỏ quy định về room tín dụng. Lý do là:

Thứ nhất, hiện kênh tín dụng ngân hàng gần như là kênh huy động vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế, các kênh dẫn vốn khác chưa đóng góp đáng kể. Việt Nam là quốc gia đang tăng trưởng nhanh và dòng vốn nước ngoài đổ vào nhiều, nên việc khát vốn liên tục là điều khó tránh khỏi. Hai yếu tố này sẽ làm tín dụng luôn tăng mạnh nhưng không kiểm soát thì hậu quả để lại cho toàn bộ nền kinh tế là khôn lường. Hãy nhìn lại những gì nền kinh tế phải gánh chịu từ hậu quả của giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng năm 2005 - 2012.

Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng nhà quản lý nên tập trung vào việc quản lý các “chỉ số an toàn vốn” của hệ thống như CAR, LDR, LCR..., thay vì quy định cứng nhắc về room tín dụng. Về dài hạn, tôi đồng quan điểm với ý kiến trên, tuy nhiên muốn làm được điều này, chúng ta cần phải có hệ thống chuẩn mực kế toán, quy định pháp lý, cơ chế quản lý thực sự chuẩn chỉnh. Hiện nay, tính chính xác của các con số công bố vẫn còn là vấn đề nan giải ở Việt Nam và việc đưa ra chính sách quản lý dựa trên những số liệu này là rất rủi ro.

Thứ ba, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát cung tiền, thay vì kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Quan điểm này đúng nhưng khó hiệu quả ở Việt Nam. Như chúng ta đã biết, tổng cung tiền M2, còn được gọi là tổng phương tiện thanh toán, được tính bằng công thức k nhân với MB; trong đó, k là hệ số nhân tiền, còn MB là lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước trực tiếp kiểm soát, bao gồm tiền mặt trong lưu thông cộng với tiền gửi của ngân hàng thương mại để tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quyết định được MB, nhưng hệ số nhân tiền k thì Ngân hàng Nhà nước chỉ tác động được nhất định, phần lớn còn lại phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp và người dân. Hai chủ thể này sẽ quyết định vòng quay tín dụng - huy động trong nền kinh tế, thứ chi phối vòng quay tiền.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước lại càng “yếu thế”, vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam quá thấp, chúng ta không có các gói nới lỏng định lượng (QE) nên việc bơm hút tiền quy mô lớn gần như phụ thuộc vào mua bán USD của Ngân hàng Nhà nước, mà việc này Ngân hàng Nhà nước cũng thụ động. Như vậy, chúng ta không thể kiểm soát cung tiền trực tiếp được, cần phải có những chỉ tiêu gián tiếp.

Chúng ta cần bỏ room tín dụng, nhưng muốn bỏ cần có lộ trình 3 - 5 năm, chứ không phải muốn bỏ là bỏ.

Đầu tiên, vẫn phải giữ giới hạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống như hiện tại, nhưng công khai phương pháp luận để tránh tâm lý lo sợ cơ chế xin - cho. Chỉ bỏ khi đã chuẩn bị xong hệ thống chuẩn mực, cơ chế quản lý và cấu trúc kênh huy động vốn cơ bản thành hình.

Trong thời gian tới, cần phối hợp hỗ trợ phát triển cho thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường tín dụng quốc tế... để các doanh nghiệp tách dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Mục tiêu này cũng phải mất 3 - 5 năm mới thành hình, chứ không nhanh được. Hiện nay, niềm tin vào cổ phiếu và trái phiếu của đại đa số người dân và doanh nghiệp là rất thấp.

Song song với đó là truyền thông đồng bộ và cập nhật thông tin liên tục để các thành phần trong nền kinh tế nắm bắt và tin tưởng vào lộ trình này.

Có thể phát triển hơn nữa thị trường tài chính thông qua tự do hóa

Trong trung hạn, Việt Nam có thể theo đuổi một cuộc cải cách toàn hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng, với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc phân bổ tín dụng cho các ngành nghề có hiệu suất cao hơn. Hiện tại, một số quy định đang được triển khai như một phần của các biện pháp an toàn.

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm ở cấp độ quốc gia, NHNN ấn định mức trần tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng riêng rẽ dựa trên năng lực của họ. Quy định trần lãi suất tiền gửi đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 6 tháng; trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhu cầu vốn thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên. Mức trần tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi thanh khoản dồi dào do các hoạt động can thiệp tiền tệ dẫn đến việc định giá tài sản quá cao.

Trần lãi suất huy động nhằm mục tiêu ngăn chặn tình trạng cạnh tranh quá mức giữa các ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận thấp. Khi nguồn vốn và khả năng sinh lời của các ngân hàng được cải thiện, có thể dần dần loại bỏ những quy định cũ này để chuyển sang phân bổ tín dụng dựa trên thị trường nhiều hơn. Đồng thời, thay vì cách tiếp cận quy định chi tiết, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp an toàn vĩ mô được sử dụng ở những quốc gia khác, ví dụ như các bộ đệm vốn nghịch chu kỳ và tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các ngân hàng. Về vấn đề này, việc đạt được mục tiêu Basel II vào năm 2023 là bước đi quan trọng đầu tiên.

(Trích Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023)

Tin bài liên quan