Lời giải cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp

Lời giải cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp

(ĐTCK) Một báo cáo nghiên cứu trên 200 doanh nghiệp trong nước và FDI hoạt động tại Việt Nam được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện gần đây cho thấy, phần lớn doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tích cực và hội nhập tốt đều là doanh nghiệp có nền tảng nhân sự tốt và phương thức quản trị nhân lực hiệu quả.

Theo đó, những doanh nghiệp này rất chú trọng tới công tác bồi dưỡng, đào tạo và các chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để có thể thực hiện được các mục tiêu lớn mà công ty đã đặt ra. Đồng thời, có chính sách chăm lo, khuyến khích người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài.

Thực tế cho thấy, việc ban lãnh đạo doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chính là động lực để phát triển tài năng, khuyến khích người lao động có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự lớn mạnh của công ty.

Theo ông Kiyoyasu Tanaka, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc JETRO, kết quả nghiên cứu này đã cho thấy, quản trị nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế của các doanh nghiệp, đồng thời là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của nguồn nhân lực trong công tác quản trị nhân sự nói riêng, cũng như trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp và rộng hơn là cả nền kinh tế nói chung, TS. Nguyễn Hữu Lam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quản trị (CEMD) - Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp.

“Khi nói nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất, quan trọng nhất, cần phải hiểu đó là những con người có tri thức, sáng tạo, đầy nhiệt huyết, tận tâm và có trách nhiệm trong việc đạt tới tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, không phải con người chung chung. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên bức bách trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO và chủ động tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập quốc tế”, ông Lam cho biết.

Một trong những mục tiêu cốt lõi trong chiến lược quản trị nhân lực chính là nâng cao năng lực thực hiện của người lao động, điều này đòi hỏi tư duy tổng thể, toàn diện và chiến lược về nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, nhân lực đã trở thành một chủ đề có tính chiến lược.

Theo ông Lam, việc giải quyết vấn đề nhân lực cần xuất phát từ tầm nhìn, chiến lược và các mục tiêu của tổ chức, từ đó giúp xác định nhu cầu nhân lực về số lượng và chất lượng: cần đối tượng nào, kiến thức, thái độ, kỹ năng gì để từ đó có chiến lược thu hút, hấp dẫn, động viên và đào tạo phù hợp.

“Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không có chiến lược phát triển nhân sự hoặc nếu có thì chất lượng chưa cao và vì vậy, cần tập trung cho chiến lược này. Bên cạnh đó, việc đào tạo và phát triển năng lực cho người lao động cần chú trọng nhiều hơn tới ý thức, thái độ và tình cảm, cũng như tập trung vào việc đổi mới quản lý nhân lực gắn liền với xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp”, ông Lam cho biết.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần đặt trong tổng thể chiến lược nguồn nhân lực của doanh nghiệp, trong đó bao gồm việc thu hút, hấp dẫn, động viên, đánh giá, đào tạo và phát triển sự nghiệp. Đồng thời, chuyển trọng tâm từ đào tạo, huấn luyện (training) sang việc học tập (learning) thường xuyên liên tục của người lao động.

Bên cạnh đó, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, doanh nghiệp cần tập trung phát triển các năng lực của người lao động hiện đại như giải quyết vấn đề sáng tạo, truyền đạt, đàm phán, quản lý xung đột, làm việc đồng đội, học tập liên tục, thích ứng...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, giờ đây, mô hình phát triển dựa trên lợi thế nguồn nhân lực rẻ đã không còn phù hợp với Việt Nam, do đó việc tái cấu trúc doanh nghiệp với trọng tâm là quản trị nguồn nhân lực được coi là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Lời giải cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp ảnh 3

 Ông Trịnh Văn Tuấn,  Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện I (PCC1)

Liên tục cải tiến, áp dụng hệ thống quản trị nhân sự hiện đại

Nhận thức rõ “con người là chìa khóa của thành công”, ngay sau khi công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ban lãnh đạo PCC1 luôn chú trọng đầu tư và phát triển đội ngũ nhân sự nòng cốt có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết với công việc, thông qua việc tạo dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh nhưng vẫn cởi mở, đoàn kết.

Ngoài ra, để đảm bảo duy trì động lực làm việc và tính công bằng, đáp ứng kịp thời với sự thay đổi và phát triển, Công ty liên tục cải tiến, áp dụng những hệ thống quản trị nhân sự hiện đại, tiên tiến để đảm bảo cán bộ nhân viên yên tâm làm việc và thu hút được nhiều hơn nữa nhân tài gia nhập và gắn bó với PCC1. Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty chủ trương áp dụng những phương pháp tiên tiến như trả lương theo phương pháp 3P (Position, Person, Perfomance), chính sách gìn giữ và phát huy đội ngũ nhân sự chủ chốt, hệ thống thúc đẩy cải tiến sáng kiến Kaizen 5S…

Song song với việc tìm kiếm và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ bên ngoài, PCC1 cũng chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nội bộ thông qua việc quy hoạch đội ngũ nhân sự kế cận, ưu tiên bổ nhiệm những cán bộ nhân viên có trình độ, năng lực và có tinh thần gắn bó lâu dài ở vị trí cao hơn.

Trong suốt quá trình hoạt động, PCC1 đã hình thành một nét văn hóa doanh nghiệp có chiều sâu, bền vững và tạo ra ngôi nhà thứ hai cho mỗi cán bộ nhân viên. Với chủ trương “Vươn ra biển lớn”, PCC1 ý thức được rằng, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định đến việc đưa con tàu PCC1 tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững ra biển lớn và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Lời giải cho bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp ảnh 4

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen 

Đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm các nhân sự cốt lõi

Nguồn nhân lực luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Nhận thức được điều này, Hương Sen đã liên tục nỗ lực trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ thống quản trị nhân sự cốt lõi, nhằm tạo nền tảng bền vững phát triển kinh doanh, tạo đà bứt phá trong hành trình thực hiện mục tiêu chiến lược - trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành hàng đầu tại Việt Nam.

Tập đoàn Hương Sen hiện có trên 1.000 cán bộ nhân viên, hoạt động trên khắp đất nước. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Hương Sen đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm các hạt nhân chuyển đổi, các cán bộ chủ chốt, không chỉ giàu kiến thức, kinh nghiệm mà quan trọng hơn là những người tâm huyết, luôn tin tưởng vào mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức.

Tập đoàn cũng thường xuyên đầu tư kinh phí mời các chuyên gia nổi tiếng trong nước và quốc tế đến đào tạo cho cán bộ công nhân viên để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý nguồn nhân lực như phần mềm quản lý nhân sự, hệ thống định vị vệ tinh kiểm soát nhân viên, họp trực tuyến 3 miền qua màn hình..., vừa nâng cao hiệu quả công việc, vừa tiết kiệm chi phí.

Chúng tôi tin tưởng sự đa dạng của đội ngũ cán bộ nhân viên sẽ tạo sức mạnh để vượt qua các thách thức trong giai đoạn có nhiều biến đổi của nền kinh tế, cũng như bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Tin bài liên quan