Tình hình tài chính nhiều khách hàng được cải thiện giúp không ít ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro

Tình hình tài chính nhiều khách hàng được cải thiện giúp không ít ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro

Lợi nhuận tăng nhờ trích dự phòng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngược lại, một số nhà băng có nợ xấu gia tăng.

Dự phòng giảm mạnh

Ngân hàng Quân đội (MB) lãi trước thuế gần 18.192 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ nguồn thu từ lãi tăng, hầu hết nguồn thu ngoài lãi đều giảm so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ đạt 2.912 tỷ đồng, giảm 4%, do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 47%, lên 4.273 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 17% và lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 2%. Hoạt động khác ghi nhận hơn 1.690 tỷ đồng, giảm 28%, do thu từ các khoản nợ đã xử lý giảm 38%, chỉ đạt 1.244 tỷ đồng. Nhờ cắt giảm 26% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích lập hơn 4.462 tỷ đồng, nên MB đã hoàn tất gần 90% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tương tự, nhờ giảm dự phòng, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lãi trước thuế hơn 9.035 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 79% so với cùng kỳ và thực hiện được 77% kế hoạch năm. Ngân hàng này đã tiết giảm 39% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đến cuối tháng 9 chỉ còn trích lập gần 2.511 tỷ đồng.

Thậm chí, Ngân hàng Á Châu (ACB) hoàn nhập dự phòng gần 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, trong kỳ cùng kỳ năm ngoái trích lập hơn 2.812 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi trước thuế đạt hơn 13.503 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB lần lượt đạt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và khi thị trường căng thẳng.

Đối với Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6%, giúp chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, cuối tháng 9 là 1.200 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ, do tình hình tài chính nhiều khách hàng được cải thiện. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 165%, tức 100 đồng nợ xấu được Ngân hàng trích 165 đồng dự phòng.

Tại một số nhà băng quy mô nhỏ như Bản Việt (Viet Capital Bank), Việt Á (VietABank), cũng nhờ giảm dự phòng rủi ro mà lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Viet Capital Bank trích lập dự phòng rủi ro hơn 123 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2022, giảm 49% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt hơn 423 tỷ đồng. VietABank giảm trích lập dự phòng đến 85% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 33 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022, giúp lãi trước thuế tăng 55%, đạt gần 810 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch năm (1.158 tỷ đồng).

Ngược lại, có nhà băng phải gia cố bộ đệm dự phòng rủi ro như Ngân hàng An Bình (ABBank), chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 19% so với cùng kỳ, lên 962,8 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022. Theo lãnh đạo ABBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đồng thời, Ngân hàng thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo quy định mới. Tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ACB chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro thời gian tới.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mạnh tay trích dự phòng rủi ro tín dụng 5.550 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, gấp 2,3 lần cùng kỳ, nhưng lãi trước thuế vẫn tăng trưởng 37%, đạt 4.440 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,47% đầu năm 2022 về 0,9% cuối tháng 9.

Một số nhà băng có nợ xấu tăng

Bên cạnh những ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2022, một số nhà băng có lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ và nợ xấu tăng.

Chẳng hạn, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 205 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% lên 14,72%, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn ba lần, lên 1.353 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tính đến cuối tháng 9/2022 là 4,33%, tăng so với mức 3,65% hồi đầu năm, khiến dự phòng gấp 2,7 lần cùng kỳ. Vì thế, Ngân hàng lãi trước thuế 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, nhưng mới thực hiện được 49% kế hoạch năm.

Thực tế cho thấy, quý III/2022, hoạt động ngành ngân hàng chịu không ít áp lực, biên lãi ròng (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào tăng. Trong quý IV, các ngân hàng có thể phải đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng và phải tăng trích lập dự phòng.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2022 do Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, kết quả kinh doanh quý III chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV, kéo theo kết quả cả năm 2022, nhưng mức độ thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Về lợi nhuận năm 2022, đa số dự kiến sẽ tăng trưởng so với năm 2021, nhưng vẫn có gần 7% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận giảm và khoảng 5% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Đáng chú ý, quý IV, dư nợ tín dụng thường tăng cao do doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn để phục vụ mùa kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm khá eo hẹp, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc và chọn lọc khách hàng kỹ càng hơn, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Bởi lẽ, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5%, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã cấp hết 13,6% trong tổng 14% room tín dụng năm nay và cơ quan quản lý không có chủ trương sẽ nới thêm.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng có thể sẽ tăng trưởng chậm lại, do dư địa room tín dụng quý IV đang cạn dần. Lợi nhuận giai đoạn 2022 - 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021. Động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng bị suy giảm do dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng và có độ trễ.

TS. Trần Hùng Sơn, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, áp lực chi phí đầu vào đang gia tăng theo mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, trong khi hoạt động cho vay bị hạn chế vì room tín dụng sắp cạn và khó có thể được nới thêm, sẽ tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh quý IV/2022 của ngành ngân hàng.

Theo TS. Sơn, cái khó đối với nhiều nhà băng lúc này là không còn dư địa cho vay.

Tin bài liên quan