Long đong PG Bank (PGB)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thoái vốn của Petrolimex được đánh giá mở đường cho những cổ đông mới xuất hiện tại PG Bank. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, khả năng thương vụ thành công vẫn là dấu hỏi.

Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông qua nghị quyết về phương án thoái vốn tại PG Bank - ngân hàng do Petrolimex nắm 40% vốn (120 triệu cổ phần). Thay vì tìm đối tác chiến lược như những năm trước, Petrolimex sẽ thoái vốn bằng đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Giá khởi điểm sẽ theo mức cao nhất trong hai phương án, hoặc 21.300 đồng/cổ phiếu theo phương án định giá hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên của cổ phiếu PGB trên UPCoM.

Tạm tính theo mức giá 21.300 đồng/cổ phiếu, quy mô thoái vốn của Petrolimex tại PGB tối thiểu 2.556 tỷ đồng.

Trước đây, khi thông tin về các đợt thoái vốn được mong chờ nhiều năm chính thức ra thị trường, giá cổ phiếu thường tăng mạnh “đón đầu”, thì lần này, giao dịch tại cổ phiếu PGB không như giới đầu tư kỳ vọng. Ngay trước khi Petrolimex công bố phương án thoái vốn, cổ phiếu PGB bứt phá mạnh đi ngược thị trường chung, tăng 22,6% lên mức 19.500 đồng/cổ phiếu, trong đó có một phiên tăng trần.

Nếu tính từ đáy hồi giữa tháng 11/2022, PGB tăng gần 48% thị giá. Dù vậy, 2 phiên sau đó, cổ phiếu này lại giảm, thanh khoản chỉ đạt vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. Thị giá PGB hiện xấp xỉ 18.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 10% so với mức giá tối thiểu trong phương án thoái vốn.

Câu hỏi đặt ra là sức cầu với cổ phiếu PGB sẽ như thế nào, các bên mua tiềm năng của thương vụ này ra sao?

Trên thực tế, PG Bank là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống và không thay đổi trong nhiều năm qua, giữ nguyên ở mức 3.000 tỷ đồng. Với chủ trương Petrolimex sẽ thoái vốn đầu tư vào ngành ngân hàng, nhiều năm liên tiếp, PG Bank không tăng vốn điều lệ và cũng không chia cổ tức.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng cho thấy, lãi trước thuế quý IV/2022 đạt hơn 119 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ 2021. Luỹ kế cả năm 2022, Ngân hàng đạt 506 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với năm trước đó và vượt 24% kế hoạch năm.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PG Bank đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 5,6%, huy động vốn tăng hơn 11%. Thời điểm 31/12/2022, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng đã tăng 7,3% so với đầu năm, lên 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 2,52% lên 2,56%.

Đáng chú ý, trái phiếu đặc biệt của VAMC tại PG Bank cuối năm 2022 là hơn 951 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm trước đó một năm.

Với đặc điểm “sạch, xinh xắn”, lâu nay PG Bank được khá nhiều nhà băng và giới kinh doanh ngân hàng “để mắt”, nhưng các thương vụ đều không đi đến kết quả.

Với đặc điểm “sạch, xinh xắn”, lâu nay, PG Bank được khá nhiều nhà băng và giới kinh doanh ngân hàng “để mắt”, nhưng các thương vụ đều không đi đến kết quả.

Trước đây, PG Bank từng có kế hoạch sáp nhập vào VietinBank, nhưng thương vụ đã đổ bể vào năm 2018. Sau đó, HDBank có thỏa thuận sáp nhập với ngân hàng này, tuy nhiên kế hoạch này bị hủy bỏ vào năm 2021.

Thời điểm 2018, các thương vụ sáp nhập thường là một nhà băng mạnh “ôm” một nhà băng yếu, hoặc sáp nhập nhiều ngân hàng ở nhóm dưới với nhau. Nhưng thương vụ của PG Bank khác biệt hơn, do đây không phải là một ngân hàng yếu. Bởi vậy, điều kiện khi đó là giữ lại thương hiệu này và hoạt động dưới mô hình ngân hàng trong ngân hàng. Chưa từng có tiền lệ, vướng mắc về pháp lý “hôn nhân” VietinBank - PG Bank thất bại.

Sau VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng từng tìm đến PG Bank. Hai bên cho biết đã có quá trình “đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu”, nhưng không có thỏa thuận nào được thông qua.

Sau MB, HDBank xuất hiện. Hai ngân hàng đã đi tới những bước cuối cùng. Theo lộ trình khi đó, hai ngân hàng dự kiến hoàn tất thương vụ sáp nhập sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, hơn hai năm sau, việc sáp nhập vẫn chưa thể hoàn tất.

Trước đó, một nhóm đầu tư lớn vào PG Bank cho biết đã bán vốn cho lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB). Giữa năm 2021, một số thay đổi về nhân sự tại PG Bank cũng đã diễn ra, với sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo cũ của MSB. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đều không nhắc đến vấn đề sáp nhập.

Tương lai “treo” với nhiều người đến, kẻ đi khiến PG Bank khó ổn định và hoạt động hiệu quả. Báo cáo Hội đồng quản trị PG Bank từng cho biết, việc sáp nhập kéo dài hơn dự kiến với HDBank đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng. Ngoài ra, lượng nhân viên Ngân hàng nghỉ việc cũng tăng do thông tin sáp nhập.

Tin bài liên quan