Mồi lửa nào châm ngòi cho cuộc đua lãi suất huy động?

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp room tín dụng được cấp nhỏ giọt, các ngân hàng vẫn quay cuồng trong cơn khát vốn, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã được đẩy lên trên dưới 8%/năm.
Mồi lửa nào châm ngòi cho cuộc đua lãi suất huy động?

Mặt bằng lãi suất như một quả bóng được bơm ngày càng to và sẵn sàng nổ tung nếu ngân hàng được nới mạnh room tín dụng.

Room tín dụng nhỏ giọt, vì sao ngân hàng vẫn khát vốn?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, hạn mức tín dụng mà ngân hàng này vừa được cấp thêm chỉ đủ để giải ngân trong vòng một tuần, bởi số hồ sơ xếp hàng chờ giải ngân vẫn còn rất lớn.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao room tín dụng được cấp nhỏ giọt như vậy, nhưng các ngân hàng vẫn rầm rộ tăng lãi suất để huy động vốn? Thậm chí, có thời điểm, một số ngân hàng chấp nhận vay liên ngân hàng với mức 6-7%/năm cho kỳ hạn qua đêm. Cơn khát vốn như vậy chứng tỏ thanh khoản đang có vấn đề.

Lý giải điều này, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho hay, nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng gần 10%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang “kẹp” trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại. Nếu các khách hàng trả nợ đúng hạn, thì ngân hàng sẽ có thêm room để cho vay, nhưng một lượng lớn khách hàng (kể cả đã được cơ cấu nợ) vẫn chưa thể trả nợ, khiến một lượng tiền bị giữ trong đó.

“Chưa kể, sau sự cố Tân Hoàng Minh và FLC, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đều lao dốc, áp lực dồn hết lên vai ngân hàng. Vốn đầu tư công cũng giải ngân rất chậm. Mọi doanh nghiệp trước đây huy động vốn qua kênh trái phiếu, qua thị trường chứng khoán giờ dồn hết vào ngân hàng, khiến tín dụng tăng mạnh từ đầu năm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”, vị lãnh đạo trên nói.

Ngoài ra, theo phân tích của lãnh đạo này, từ ngày 1/10 tới đây, ngân hàng cũng phải có vốn dự trữ nhiều hơn khi cho vay (phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34%). Điều này đặc biệt áp lực với các ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản (chủ yếu cho vay trung, dài hạn) thời gian qua.

Tỷ giá “căng” gần đây cũng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa hút tiền về, càng làm thanh khoản tiền đồng của hệ thống bớt dồi dào. Theo báo cáo của SSI Research, tính đến hết tháng 8/2022, NHNN đã hút ròng gần 115.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

Điều hành tín dụng “ném đá dò tỷ giá”

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất huy động và tỷ giá 6 tháng đầu năm có tăng lên, song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, nếu NHNN nới mạnh room tín dụng, một cơn sốt tăng lãi suất huy động sẽ được thổi bùng lên. Do đó, dù thông cảm với nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc nới mạnh room tín dụng có thể thổi bùng lên cơn sốt tăng lãi suất huy động và cho vay.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp rất xoay xở với room tín dụng hiện nay, song cũng thông cảm với động thái thận trọng của NHNN. Cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn vì tín dụng toàn ngành tăng 9,91%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,8%.

“Huy động vốn là vấn đề rất nóng hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất huy động. Vietcombank vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp để giữ lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank nói.

Mặc dù NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song theo tính toán của Báo Đầu tư, NHNN vẫn chưa sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn ở mức khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt, với khả năng 2-3%/đợt. Đặc biệt, lãi suất huy động sẽ giữ mặt bằng cao như hiện nay và tiếp tục nhích nhẹ, cả năm tăng khoảng 1-1,5%.

Hiện nay, thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là áp lực lạm phát và tỷ giá. Dự kiến, cuối tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,75%. Một loạt ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng vừa tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá gần 3%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát vẫn kiểm soát được như hiện nay, room tín dụng - nếu nới - cũng chỉ tối đa thêm 1-2% nữa, nếu không sẽ gây tác động bất lợi đến lạm phát, lãi suất. Điểm mấu chốt hiện nay là bên cạnh tín dụng, cần phải gỡ nhanh các điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, không nên dồn hết lên vai ngân hàng.

Thanh khoản ngân hàng chưa thể sớm dồi dào

Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, mức độ biến động của lãi suất huy động thời gian tới phụ thuộc nhiều vào thanh khoản liên ngân hàng. Trong đó, thanh khoản nhiều khả năng chưa thể sớm dồi dào cho tới khi ghi nhận dòng vốn mới, hoặc các động thái của NHNN (hoạt động trên thị trường mở, công cụ tỷ giá, công cụ lãi suất) hướng đến mục tiêu đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Tin bài liên quan