Năm 2023, xuất khẩu thủy sản cần chuẩn bị tâm thế để đương đầu với thách thức

Năm 2023, xuất khẩu thủy sản cần chuẩn bị tâm thế để đương đầu với thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hậu Covid-19, ngành thủy sản đã cho cho thấy sức bật tốt với khả năng xoay chuyển tình thế ấn tượng. Tuy nhiên, năm 2023 đang đến gần kèm theo những tín hiệu chưa thật khả quan.

Phục hồi ấn tượng

Cuối tuần qua, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, phối hợp cùng Greenpan Vietnam đã tổ chức Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & Giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”.

Tại hội thảo, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD; cá tra 2,5 tỷ USD; hải sản 3,2 đạt tỷ USD và cá ngừ đạt 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%. Tất cả các thị trường đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, trong khi Nga vẫn tăng trưởng 0,2% (top 4 thị trường chính chiếm 74%). Riêng thị trường Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

“Không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh vào thị trường Hoa Kỳ vì năm 2004 bị chống bán phá giá với thuế suất cao, nhưng gần 20 năm kiên trì theo đuổi, chỉ 3 năm sau giai đoạn 2003 - 2004, xuất khẩu vào thị trường này đã tăng trưởng”, ông Hòe nói.

Bên cạnh đó, phục hồi xuất khẩu thủy sản mạnh và nhanh với 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản ngay trong nửa đầu năm 2022. Cả 3 ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2022.

Top 100 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65%. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thuộc nhóm mặt hàng tôm và cá tra (6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra).

Từ những biến cố sau đại dịch, VASEP đã rút ra bài học cho ngành thủy sản là cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu. Khi toàn thế giới bắt đầu giai đoạn cao trào của đại dịch, các doanh nghiệp thủy sản vẫn tiếp tục kiến nghị Chỉnh phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục nuôi trồng thủy sản, điều đó giúp ngành thủy sản phục hồi nhanh sau đại dịch.

Bên cạnh đó, cần sự kiên trì với xu hướng tiêu dùng linh hoạt, kiên trì với xu hướng tiêu dùng; không bị động chuyển đổi quy trình, mặt hàng hay cơ cấu sản phẩm; trang thiết bị cần hiện đại và chuyển đổi số. Cuối cùng là bền vững, sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu để có những thị trường tương đối.

Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” tại Cần Thơ cuối tuần qua.

Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” tại Cần Thơ cuối tuần qua.

Cơ hội trong thách thức

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, từ cuối quý III/2022, các đơn hàng có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Một số đơn hàng ký kết bị phía khách hàng hủy bỏ hoặc hoãn, kéo dài thời gian giao hàng; việc thảo luận, bàn bạc kế hoạch kinh doanh sắp tới chưa rõ nét.

"Hiện nay, lạm phát thế giới khiến nhu cầu giảm sút, mặt hàng giá trị cao không được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Tình hình cạnh tranh của các đối thủ ngành tôm gay gắt khiến việc tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn gặp khó khăn, điều này khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho", ông Lực nói thêm.

Dù vậy, Tổng Thư ký VASEP đánh giá, thị trường không bao giờ xuống, có xuống thì đến một lúc nào đó cũng sẽ lên trở lại. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm thế để khi cơ hội đến có thể cung cấp nguồn protein cho thế giới.

Năm 2021 nhu cầu tiêu dùng tôm và cá hồi đạt 17 - 20%, nên yêu cầu tăng trưởng thủy sản vẫn còn nhu cầu lớn, đây đều là những mặt hàng dạng nuôi trồng nên Việt Nam có thể đáp ứng được.

Thương mại thủy sản toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 164 tỷ USD so với năm 2003 là 63 tỷ USD; đạt 60 triệu tấn so với năm 2003 là 48 triệu tấn. Thủy sản ngày càng được yêu thích và trở thành nguồn cung cấp protein quan trọng của thế giới.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Xuất khẩu tôm nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Đặc biệt, Việt Nam có gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp Covid-19.

Đối với tiềm năng nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản có thể đạt 10 triệu tấn, trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn, cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu. Việt Nam cũng có lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển.

Về năng lực chế biến, công suất chế biến thực tế của các nhà máy đạt 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiện nay. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng.

Tuy nhiên, như đã đề cập, thách thức năm 2023 đối với toàn ngành là rất lớn. Cụ thể, 70% nguyên liệu thủy sản đến từ nuôi trồng nên cần giải quyết bài toán quỹ đất để ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng kể đến một số vấn đề như: cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản,…

Thách thức cũng đến từ các thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp bởi lạm phát, suy giảm tăng trưởng đang ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, việc cạnh tranh với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn ngày càng khó khăn.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nói thêm, các doanh nghiệp thủy sản còn đang gặp thách thức về tài chính. Chỉ số tài chính 20 công ty thủy sản niêm yết đại diện các doanh nghiệp thủy sản cho thấy việc sử dụng vốn của ngành thủy sản năm 2022 tương đối tốt so với các ngành công nghiệp khác.

Tỷ suất sinh lời ROE các công ty thủy sản niêm yết cũng tăng tốt, cao hơn năm 2019 và có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay. Tuy nhiên, nếu như Ngân hàng Nhà nước không hạ nhiệt lãi suất huy động hoặc lãi suất cho vay, thì nhiều doanh nghiệp thủy sản nhỏ và vừa phải chấp nhận lỗ.

Nới rộng thị trường xuất khẩu

Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, muốn tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cần đi sâu vào thị trường Trung Quốc. Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn nhập khẩu thủy sản trên 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019. Thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này hiện chiếm tỷ lệ 87%.

Dù thị trường Trung Quốc hết sức rộng lớn và giàu tiềm năng, nhưng bên cạnh nhiều cơ hội, các chuyên gia khẳng định sẽ có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý đến từ quốc gia này.

Do đó, VASEP cho rằng, cần có một số biện pháp đặc thù để tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tốt hơn. Cụ thể, cần thiết lập cơ quan bán hàng tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới với sự phù hợp với chính sách, tập quán từng địa phương. VASEP đang cố gắng thực hiện chương trình này, đặc biệt với sản phẩm tôm, từ đó mở rộng ra các sản phẩm khác.

Tin bài liên quan