Bảo hiểm là ngành có mức độ biến động nhân sự rất lớn.

Bảo hiểm là ngành có mức độ biến động nhân sự rất lớn.

Năm nay, tôi không đổi chỗ!

(ĐTCK) Câu giới thiệu trên có thể ít được nói với nhân sự các ngành khác, nhưng lại thành câu cửa miệng của nhiều người với nhân sự trong ngành bảo hiểm do sự biến động nhân sự của ngành này diễn ra liên tục. 

Dịch chuyển nhân sự ở cấp cao

Năm 2018 đã chứng kiến sự thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, từ quy mô lớn tới nhỏ, từ khối nhân thọ tới phi nhân thọ.

Một trong những tổng giám đốc tại vị lâu nhất của Manulife Việt Nam - doanh nghiệp Top 3 thị phần bảo hiểm nhân thọ - ông Paul George Nguyễn đã chính thức gia nhập Aviva Việt Nam trên cương vị tương đương. Tân CEO được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt cho Aviva Việt Nam sau nhiều năm liền chưa khẳng định được vị thế rõ nét trên thị trường.

6 tháng đầu năm 2018, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong khi Manulife đạt hơn 4.850 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, chiếm 12,95% thị phần, thì Aviva Việt Nam chỉ đạt 471 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, chiếm 1,25% thị phần.

Diễn biến trên khiến nhiều người liên tưởng tới việc cựu CEO khác của Manulife Việt Nam là ông Chung Bá Phương cũng rời Manulife Việt Nam để sang đảm nhiệm vị trí tương đương tại Generali Việt Nam, hãng bảo hiểm tới từ Ý, 5 năm về trước.

Giờ thì ông Phương đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors (TCA). TCA là công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tài chính và các dịch vụ gia tăng trong ngành tài chính tại Việt Nam.

Aviva Việt Nam và Genarali Việt Nam đều là những gương mặt không  mới nhưng chưa cũ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng Genarali Việt Nam có sức bật tốt hơn dù đến sau Aviva Việt Nam. Cũng theo số liệu của IAV, trong 6 tháng đầu năm 2018, Generali Việt Nam đạt 1.033 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, chiếm 2,74%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếc tiền chiêu mộ nhân sự giỏi từ cấp cao đến thấp với kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến cho hoạt động kinh doanh, khiến nhân sự trong ngành bảo hiểm có sự biến động liên tục   

Việc dẫn dắt thương hiệu mới này có phải là một thử thách lớn với ông Paul George Nguyễn? Trong dịp nhậm chức mới, ông Paul George Nguyễn chia sẻ, đến sau không có nghĩa là đến muộn, tiềm năng của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn rất lớn và hiện tại vẫn đang được xem như giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của ngành này tại Việt Nam. Lợi thế sẽ thuộc về những doanh nghiệp thực sự đặt lợi ích của khách hàng làm trọng tâm trong mọi hoạt động.

Cũng ở cấp nhân sự ban điều hành, biến động nhân sự mới nhất được ghi nhận là việc ông Nguyễn Khắc Thành Đạt sau vài năm rời ghế Phó tổng giám đốc của Prudential Việt Nam về giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của FWD sẽ chính thức đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc điều hành và phát triển kinh doanh toàn quốc của Chubb Life Việt Nam từ ngày 1/1/2019.

Trong khối bảo hiểm nhân thọ, trong năm nay, “ông lớn” của khối này là Prudential Việt Nam có Tổng giám đốc mới là ông Cliver Baker, thay ông Stephen Clark. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm tại vị, ông Stephen Clark đã chính thức rời Prudential Việt Nam. Trước khi gia nhập Prudential Việt Nam, ông Stephen Clark là Tổng giám đốc AIA Việt Nam.

Còn ông Cliver Baker vốn là “người cũ” của Prudential. Ông gia nhập Tập đoàn từ năm 1990 và đảm nhận nhiều vị trí cấp cao tại nhiều nước trong khu vực châu Á cho đến năm 2010. Vai trò cuối cùng của ông tại Prudential Việt Nam giai đoạn này là Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin và giao dịch bảo hiểm.

Ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, ông Lê Hoài Nam đã rời Công ty Bảo hiểm Phú Hưng về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) của bầu Hiển, phụ trách mảng tái bảo hiểm, bancassurance…

Trước đó, ông Nam từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia - VINARE và Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe).

Lãnh đạo cấp cao của một số doanh nghiệp cũng tiếp tục chuyển dịch theo chiến lược của Công ty mẹ. Đầu tháng 8/2018, bà Trần Thị Diệu Hằng, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt thay ông Phan Kim Bằng; ông Nguyễn Xuân Việt chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt sau một thời gian được phân công Quyền Tổng giám đốc.

Hay tại MIC, ông Nguyễn Quang Hiện đã rời ghế CEO để về đảm trách công việc mới tại Ngân hàng mẹ MB. Đảm trách phần việc thay cho ông Hiện vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị MIC, ông Uông Đông Hưng.

Còn tại Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), ông Phạm Khắc Dũng được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Dũng đã được bổ nhiệm vị trí này lần đầu tiên vào tháng 7/2014 và đến 9/2016 thì vị trí này thuộc về ông Tôn Thiện Việt. Và theo quyết định mới nhất, ông Dũng đã quay trở lại vị trí cũ của mình.

Thành viên thứ 30, thành viên vừa được cấp phép hoạt động trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, Công ty cổ phần Bảo hiểm Việt Nam Thịnh Vượng (vừa được đổi tên thành Công ty cổ phần Bảo hiểm OPES) hồi giữa tháng 6/2018 đã công bố nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty và ông Đỗ Tuấn Bình giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Nhân sự cấp thấp “đi cả cụm”

Sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao đã kéo theo nhiều biến động ở nhân sự cấp trung và cấp chi nhánh ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, mà nhiều người trong ngành vẫn gọi vui là “đi cả cụm”. Vì vậy, lâu lâu không gặp lại, người ta vẫn phải hỏi nhau câu: “Năm nay, anh (chị) vẫn làm ở chỗ đó chứ?”.

Những năm gần đây, ngành bảo hiểm chứng kiến làn sóng chuyển dịch nhân sự từ cấp cao đến cấp trung, cấp thấp mạnh hơn tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, không chỉ là đại lý đơn lẻ mà thậm chí "dịch" cả văn phòng tổng đại lý.

Trong khối phi nhân thọ, có sự dịch chuyển nhân sự trong nhóm 5 công ty: Bảo Long, BSH, Xuân Thành, Hàng Không và MIC sau những thay đổi nhân sự cấp trung.

Các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếc tiền chiêu mộ nhân sự giỏi từ cấp cao đến thấp với kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến cho hoạt động kinh doanh, khiến nhân sự trong ngành bảo hiểm có sự biến động liên tục.

Với mỗi nhân sự, đi đâu họ cũng phải chịu áp lực cũ – áp lực doanh số. Vì vậy, không ít người ra đi rồi lại quay về chốn cũ.

Nhưng với các công ty bảo hiểm, câu chuyện đi hay ở của nhân sự luôn là vấn đề đau đầu, nhất là với khối nhân thọ. Câu chuyện đại lý bảo hiểm “nhảy việc” không còn xa lạ trên thị trường, mang theo kinh nghiệm, khách hàng.

Dưới góc nhìn của chuyên gia thẩm định bảo hiểm Nguyễn Quỳnh Mai, tất nhiên, mỗi nơi có những cơ hội và áp lực không giống nhau, việc đi hay ở tùy thuộc vào bản lĩnh và lựa chọn của mỗi người. Nhưng với tư vấn viên bảo hiểm, việc rành công nghệ lại có thêm lợi thế về kinh nghiệm, kiến thức về bảo hiểm cũng như có tâm với nghề thì dù làm ở đâu cũng luôn có lợi thế.

Tin bài liên quan