Nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã có cơ sở pháp lý ban đầu để tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD), tuy nhiên, các quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG chưa thống nhất, đồng bộ. Cần sớm sửa đổi Luật BHTG để BHTGVN phát huy tối đa vai trò là “công cụ an dân” của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần nâng cao niềm tin của người dân trong quá trình cơ cấu lại các TCTD.

Bảo đảm an toàn cho hoạt động của các TCTD trong quá trình cơ cấu lại

Giai đoạn vừa qua, khuôn khổ pháp lý về việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD ngày càng được hoàn thiện. Năng lực tài chính của các TCTD được nâng cao đáng kể khi vốn điều lệ của các TCTD tăng mạnh, từ 488 nghìn tỷ đồng cuối năm 2016 lên hơn 790 nghìn tỷ đồng vào tháng 5/2022 (tức là gấp 1,62 lần). Hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì khoảng 11%-13%. Bên cạnh đó, tốc độ xử lý nợ xấu trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn từ15/8/2017 đến hết tháng 12/2021, gấp 1,6 lần so với mức 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng của giai đoạn 2012-2017.

BHTGVN đã có những đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại TCTD thông qua việc tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra và xử lý QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt (KSĐB); giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các quỹ; phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với QTDND. Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành với BHTGVN và Ngân hàng Hợp tác xã được tăng cường.

BHTGVN luôn chủ động đầu tư, tích lũy, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn của BHTGVN đã đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Và đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp BHTGVN luôn sẵn sàng khả năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết cũng như có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

BHTGVN chủ động khắc phục những hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153/280 tổ chức tham gia BHTG, hoàn thành kiểm tra đối với 21/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2022. Đồng thời, tăng cường thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN các vấn đề phát sinh khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD.

Sửa đổi Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD (2017), BHTGVN được giao thêm một số nhiệm vụ như: Phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt; phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt và mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Tuy nhiên, những chức năng, nhiệm vụ này chưa được quy định cụ thể tại Luật BHTG.

Tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” do Chính phủ ban hành cũng nêu rõ nhiệm vụ: “Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.” Đồng thời, Quyết định 689 cũng khẳng định mục tiêu của cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là giữ vững sự ổn định, an toàn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Theo thông tin từ BHTGVN, tổ chức này hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và các cơ quan liên quan đưa ra kiến nghị, đề xuất thiết thực tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, BHTGVN có ý kiến cụ thể đối với 05 nội dung chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG như: Hoàn thiện quy định về phí BHTG; Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; Bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN; Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; Hoàn thiện quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Nhận xét về việc tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định: Cần nghiêm túc nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sao cho đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế. Việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động BHTG, phù hợp với với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế giúp nâng cao vị thế và vai trò của BHTGVN. Từ đó, BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Cơ quan quản lý cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho BHTGVN tăng năng lực tài chính, có cơ chế dự phòng rủi ro, xây dựng mạng lưới an toàn hệ thống và cơ chế phối hợp xử lý khủng hoảng tài chính – tiền tệ, nếu có. Trong tương lai, BHTGVN cũng cần học hỏi mô hình tổ chức BHTG “đa chức năng” hơn để có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các TCTD, có đủ thông tin và dữ liệu để quản lý rủi ro tại các tổ chức tham gia BHTG một cách chủ động, hiệu quả và sâu xa hơn nữa.

Tin bài liên quan