Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng hiện hành mất tới 400 ngày

Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng hiện hành mất tới 400 ngày

Nâng chỉ số thực thi hợp đồng để cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Việc áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) trong thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trên thực tiễn đã và đang ngày càng nảy sinh nhiều bất cập, đòi hỏi phải có những bổ sung sửa đổi tương thích để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại cũng như cải thiện môi trường kinh doanh.

 Đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia luật đưa ra tại Hội thảo Tham vấn hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự để cải thiện môi trường kinh doanh do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.

Thực trạng bất cập khá phổ biến nảy sinh từ quá trình triển khai Bộ luật TTDS đối với việc thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay là thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân và DN. Thực trang này bắt nguồn từ một số nguyên nhân, như phần lớn các tòa án vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng công nghệ thông tin; viện kiểm sát tham gia quá nhiều vào quá trình tố tụng; phía bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không hợp tác với tòa án; thủ tục tống đạt gồm nhiều bước, tốn nhiều thời gian…

Phân tích một cách cụ thể, LS. Lưu Tiến Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong 10 chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ, có 2 chỉ số liên quan tới cơ quan tư pháp gồm giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại và giải quyết phá sản DN hiện thực hiện còn nhiều bất cập, gây tác động không nhỏ tới việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như khó khăn cho DN.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện CIEM cho rằng, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng theo thủ tục tố tụng hiện hành mất tới 400 ngày, gây tốn thời gian, chi phí cho DN, đặc biệt là làm giảm niềm tin của DN vào hệ thống luật pháp.

Một ví dụ thực tiễn được ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao đưa ra để minh chứng cho thực trạng thời gian thụ lý và giải quyết hồ sơ kéo quá dài. Đó là hiện nay, theo quy định của Bộ luật TTDS, thời gian từ lúc nhận đơn khởi hiện đến thời điểm trước khi thụ lý là trên 75 ngày, nhiều trường hợp dài hơn, vừa gây khó khăn, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, DN. Thời gian trung bình từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ án tại tòa thường mất khoảng 6 - 7 tháng, đối với vụ án phức tạp phải mất 7 - 8 tháng, chưa tính trường hợp phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhiều lần, hoãn phiên tòa...

“Nếu tính từ khi nhận đơn khởi kiện đến khi hết thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thì thời gian còn dài hơn, đặc biệt nếu vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ thì không biết đến khi nào mới kết thúc”, ông Lượng cho hay.

Theo ông Lượng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do Bộ luật TTDS quy định viện kiểm sát tham gia quá nhiều vào quá trình tố tụng, làm phát sinh thêm nhiều thủ tục và kéo dài thời gian tranh chấp. Đây là điểm khác biệt giữa luật về thủ tục tố tụng của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới.

“Quan hệ tranh chấp dân sự, thương mại là quan hệ tư, quyền định đoạt thuộc về đương sự, nên phải hạn chế các trường hợp tham gia của viện kiểm sát. Viện kiểm sát chỉ nên tham gia vào các vụ án có liên quan đến lợi ích của Nhà nước hoặc một bên đương sự là người chưa thành niên, có nhược điểm thể chất, tâm thần. Có như vậy mới giúp giảm được thời gian giải quyết các vụ án”, ông Lượng khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia luật, để giảm thời gian giải quyết các tranh chấp hợp đồng kéo dài, cần rút ngắn thời gian trong thủ tục tố tụng, áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến, xây dựng mô hình một cửa của bộ phận hành chính tư pháp để tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án…, nhằm thúc đẩy sự công khai, minh bạch, độc lập trong xét xử…

Tại Nghị quyết số 19 của Chính phủ, chỉ số bảo đảm thực thi hợp đồng là một trong những chỉ số quan trọng được đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với TAND Tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc tranh chấp thương mại và phá sản DN theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày, nhất là đối với các tranh chấp quy mô nhỏ, giữa các DN nhỏ và vừa thông qua tòa án. Đối với chỉ tiêu giải quyết phá sản DN, thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết từ 60 tháng xuống còn 30 tháng vào cuối năm nay và xuống còn 24 tháng vào cuối năm 2016.

Được biết, dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối tháng 10/2015.

Tin bài liên quan