Nâng chuẩn quản trị, điều hành của ngân hàng

Nâng chuẩn quản trị, điều hành của ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi có hiệu lực (từ đầu năm 2025) sẽ thúc đẩy hoạt động quản trị và điều hành hệ thống ngân hàng minh bạch hơn, hiệu quả hơn, tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế.

Ngăn chặn lạm quyền, thao túng ngân hàng

Bình luận về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, Luật hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo hướng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan, có lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; bổ sung, bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành, nâng cao tính độc lập, chuyên trách của thành viên hội đồng quản trị độc lập; thành viên ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; gia tăng các giới hạn, yêu cầu hành chính về nghiệp vụ đối với giới ngân hàng. Chẳng hạn, giới hạn cho vay với một khách hàng xuống còn 10% vốn tự có của khách hàng, so với tỷ lệ 15% trước đây; giới hạn cho vay nhóm khách hàng từ 25% vốn tự có của ngân hàng xuống còn 15%.

“Các ngân hàng có thể gặp khó khăn nhất định trong triển khai kinh doanh thời gian tới”, ông Hải nhận định về tác động của Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi tới đối tượng điều chỉnh trực tiếp.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Luật cũng bổ sung quy định để hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Các quy định tại Luật được các chuyên gia đánh giá là tương đối chặt chẽ nhưng cần thiết, giúp các tổ chức tín dụng xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với thông lệ và thực tiễn hoạt động. Bên cạnh đó, việc bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, giúp tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, an toàn, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền. Để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật được ban hành, Luật có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật.

Đưa quản trị ngân hàng tiệm cận chuẩn quốc tế

Liên quan đến quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung một số hoạt động mới phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng như hoạt động ngân quỹ, hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán...; sửa đổi, bổ sung quy định về một số hoạt động của tổ chức tín dụng để đảm bảo rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định về thư tín dụng, bao thanh toán, đại lý quản lý tài sản... Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng nhỏ lẻ…

“Các quy định sửa đổi, bổ sung tại Luật đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của tổ chức tín dụng thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở để tổ chức tín dụng đổi mới hoạt động đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nâng cao năng lực cạnh tranh”, luật sư Đức nói.

Đối với việc xử lý tổ chức tín dụng có vấn đề, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Luật Các tổ chức tín dụng bổ sung quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Quy định này nhằm yêu cầu các ngân hàng có sẵn các kịch bản cho trường hợp bị can thiệp sớm. Theo đó, khi tổ chức tín dụng có vấn đề phát sinh thì triển khai ngay các giải pháp cần thiết, đảm bảo tính kịp thời.

Luật cũng thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng. Theo đó, can thiệp sớm không phải là một trạng thái xử lý cụ thể, mà trên tinh thần từ xa, từ sớm. Khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng để thực hiện các yêu cầu, hạn chế, xây dựng, cập nhật phương án để khắc phục các vấn đề trong hoạt động của tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. Luật cũng bổ sung các trường hợp can thiệp sớm so với quy định hiện hành như trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ…

Trong quá trình tổ chức tín dụng thực hiện phương án khắc phục, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều chỉnh theo hướng áp dụng bổ sung thêm, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian áp dụng các biện pháp, hạn chế để phù hợp với tình hình thực hiện phương án khắc phục của tổ chức tín dụng. Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường thì việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước cũng chấm dứt.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét: “Những quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tuy nhiên sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được công bố của các TCTD”.

Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Luật Các TCTD sửa đổi đã “luật hóa” một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

Theo bà Hiền, việc các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như Techcombank, MB, VPBank, SHB, HDBank…

Luật sư Đức chia sẻ kỳ vọng, với quy định mới này, việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng sẽ chuyên nghiệp hơn, cùng với đó thúc đẩy các đơn vị liên quan có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc xử lý nợ xấu để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế.

Luật Các tổ chức tín dụng bổ sung quy định cấm tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, “điều này giúp giảm bớt sự bức xúc, rủi ro cho người tiêu dùng, hạn chế xảy ra những việc không đáng chính đáng, bởi khi đã cấm thì không được làm và kiểm soát tốt hơn”.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Khánh Hiền nhận định, điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ mảng bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019 – 2021, đặc biệt là với nhóm ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB...

Tin bài liên quan