Ngân hàng bắt đầu cơ cấu, giảm, giãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng bắt đầu cơ cấu, giảm, giãn nợ cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Nhằm kích cầu tín dụng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi, giãn nợ cho khách hàng.

TPBank cho biết, có khoảng 1.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.000 tỷ đồng có khả năng đến hạn không trả được do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Vì thế, ngân hàng này sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

PVcomBank đã thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng ứng phó với dịch Covid-19, hưởng ứng Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Theo đó, PVcomBank sẽ tiến hành đánh giá, xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ðồng thời, PVcomBank cũng tập trung đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Ngân hàng này vừa triển khai gói tín dụng quy mô 10.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,49%/năm phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô, xây sửa nhà… 

Các ngân hàng khác cũng nhanh chóng vào cuộc, như BIDV đăng ký gói hỗ trợ lãi suất  120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng…

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, hiện các ngân hàng đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 285.000 tỷ đồng.

Bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm mức 0,5 - 1%/năm so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.

Theo đó, không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…, mà các ngân hàng còn dành một lượng tín dụng không nhỏ để cho vay mới, với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi để cho vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, các ngân hàng sẽ phải tiết giảm tối đa chi phí, thậm chí hy sinh lợi nhuận.

Tính đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại dư nợ khoảng 21.700 tỷ đồng. Các TCTD cũng miễn giảm lãi cho vay với 8.000 khách hàng với số dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng và đang xem xét với hơn 34.000 khách hàng có dư nợ 185.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ xem xét hồ sơ 5.400 khách hàng với số cho vay mới dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ðồng thời, các TCTD cũng không chuyển nhóm nợ và xem xét miễm giảm lãi cho các gói vay mới.

NHNN đã có Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp có dư nợ cần đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là dư nợ phát sinh từ hoạt động vay thuê, tài chính.

Thứ hai là khoản nợ phát sinh trong giai đoạn trả nợ từ 23/1 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba là khách hàng vay vốn được đánh giá không có khả năng trả nợ ngắn hạn do dịch Covid-19.

Các tiêu chí cụ thể sẽ có văn bản nội bộ gửi đến các ngân hàng. Khách hàng có khoản nợ đáp ứng điều kiện trên cũng sẽ được miễn giảm lãi, phí.

Ðồng thời, Thông tư cũng quy định điều kiện các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ được cơ cấu lại.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Tính đến 4/3/2020, dư nợ toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,1%, cùng kỳ năm 2019, mức tăng là 0,85%.

Theo báo cáo của các TCTD, dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 926.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ. NHNN đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề như xi măng, da giày, giáo dục…

Ông Hùng cũng khẳng định, ngành ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Các TCTD sẽ dựa trên tình hình, sức khỏe tài chính để đưa ra mức lãi suất phù hợp.

Các doanh nghiệp khi vay vốn cũng phải đáp ứng đủ điều kiện về khả năng hoạt động, đảm bảo được nguyên liệu đầu vào, chứng minh được đầu ra.

Bình luận về gói vay 285.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, một chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay, hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy, nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.

Quả thực, khó khăn hiện tại không phải vấn đề của thị trường tiền tệ, mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

Vì thế, gói vay hỗ trợ này sẽ có tác dụng khi thị trường hồi phục, còn hiện tại, ngân hàng tập trung hạ lãi suất vay, khoanh nợ cho doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín cũng đưa ra nhận định, thị trường khó có thể hấp thụ được lượng vốn này trong "một sớm một chiều".

Thời điểm này, bên cạnh những gói tín dụng lãi suất thấp, cách tốt nhất là ngân hàng nên xem xét miễn giảm lãi vay với dư nợ cho doanh nghiệp.                         

Tin bài liên quan