Ngành ngân hàng hiện đối mặt với không ít thách thức

Ngành ngân hàng hiện đối mặt với không ít thách thức

Ngân hàng cũng cần gỡ khó

(ĐTCK) Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không chỉ khách hàng vay vốn, mà ngân hàng cũng cần được gỡ khó.

Là nhóm doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp nhất

Tại hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Việt Sáng - Giám đốc Chi nhánh LPBank Bắc Ninh nói: “Ngày hôm qua (27/9), tôi vừa phải ký 11 món xuất kho tài sản bảo đảm, có nghĩa là ‘đi’ mất 11 khách hàng trong 1 ngày với trọng lượng khoảng 11 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Sáng, đây là những khách hàng liên quan đến bất động sản muốn bán bớt tài sản để tránh trả lãi ngân hàng nhưng không bán được, thanh khoản không có. Đó là còn chưa kể đến doanh nghiệp không sản xuất - kinh doanh bởi hàng tồn kho nhiều, không có đầu ra nên phải co cụm lại, trả nợ ngân hàng để giãn, giảm chi phí.

“Dù làm việc rất tích cực, bán tín dụng trên tất cả các kênh, từ điểm bưu điện xã, tất cả các gói ưu đãi lãi suất, combo tín dụng… chúng tôi yêu cầu nhân viên phải ‘tung’ lên facebook, zalo..., nhưng lượng tăng trưởng tín dụng mới không đủ bù đắp lượng khách hàng ra đi”, ông Sáng nói và chia sẻ thêm, LPBank họp giao ban hàng tuần, lên kế hoạch kinh doanh từng ngày bởi thừa vốn nên tìm mọi cách để cho vay, nhưng lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa bởi giảm tiếp thì ngân hàng lỗ.

“Huy động rồi cho vay, cấp margin khoảng 3,7%, trong khi còn nhiều chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động…, tính ra lãi chỉ đạt 0,2-0,3%. Ngân hàng đang là tổ chức có hiệu quả kinh doanh thấp nhất”, ông Sáng nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, xuất khẩu giảm, chuỗi cung ứng giảm, đơn hàng nước ngoài giảm… khiến khả năng mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút. Theo đó, khả năng cung ứng vốn ra thị trường của Vietcombank cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tại Hà Nội - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân, nhưng tín dụng 8 tháng đầu năm giảm 2,2%.

Ngoài ra, khảo sát của ngân hàng này còn cho thấy, bên cạnh sự giảm sút của thị trường trong nước và quốc tế, còn nổi lên vấn đề doanh nghiệp chưa hoàn toàn yên tâm về mặt bằng lãi suất liệu có duy trì được như hiện nay hay còn giảm, hoặc thậm chí tăng thêm, nên hạn chế đầu tư mới cũng như mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, một lĩnh vực mạnh của Vietcombank là FDI, sau 1 chu kỳ tăng rất tốt trước đó đã giảm mạnh 19,1% trong 8 tháng đầu năm 2023. Một đối tượng giảm sâu nữa là lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản. Theo đó, cho vay tiêu dùng bất động sản ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn khác thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tại các ngân hàng nói chung, trong đó có Vietcombank, cũng gặp nhiều khó khăn trong 8 tháng đầu năm.

“Tại Vietcombank, cho vay bất động sản khách hàng cá nhân khu vực Hà Nội trong 8 tháng đầu năm giảm 15%, tăng trưởng của nhóm khách hàng doanh nghiệp chưa thể bù đắp được việc sụt giảm từ phía khách hàng cá nhân vay bất động sản”, ông Tùng nói và cho biết thêm, Vietcombank sẽ triển khai một đợt hạ lãi suất nữa từ nay đến cuối năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ tại Ngân hàng.

“Theo tính toán, sẽ có hơn 200.000 khách hàng được giảm lãi suất với tổng dư nợ bình quân khoảng 700.000 tỷ đồng. Với quyết định này, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023”, ông Tùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ được giảm lãi suất tại BIDV là hơn 580.000 tỷ đồng, tổng thu nhập BIDV đã giảm để hỗ trợ khách hàng trong 8 tháng đầu năm là khoảng 3.258 tỷ đồng cho hơn 200.000 khách hàng.

Cấp tín dụng an toàn: Quyền lợi của cả khách hàng

Bà Phạm Thị Yến, Giám đốc Chi nhánh Quế Võ (Bắc Ninh), Shinhan Bank thông tin, chỉ tiêu dư nợ cho vay tính đến tháng 8/2023 của Ngân hàng đạt 2.974 tỷ đồng, hoàn thành đạt 84% kế hoạch cả năm, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 1.414 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch.

Bà Yến nhận định, sau dịch cũng là thời điểm thoái trào của kinh tế thế giới nói chung, kinh tế trong nước nói riêng, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp càng chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Các số liệu báo cáo tài chính kém tích cực cũng là một rào cản khi doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn liên quan đến tài sản bảo đảm cho khoản vay”, bà Yến nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, trong giai đoạn khó khăn, các ngân hàng - bao gồm cả Vietcombank - đều xem xét điều chỉnh lại điều kiện tín dụng cho phù hợp. Chính sách tài sản bảo đảm phụ thuộc vào uy tín, phương án kinh doanh của khách hàng, nhưng khách hàng uy tín sẽ khác với khách hàng có phương án kinh doanh gặp khó khăn tài chính, dẫn đến áp dụng chính sách khác nhau.

Ông Tùng nhấn mạnh, doanh nghiệp tốt luôn được cấp tín dụng kịp thời, nhưng cấp tín dụng để đảm bảo an toàn bền vững lâu dài là quyền lợi không riêng ngân hàng, mà còn của khách hàng. Vietcombank không bao giờ muốn đưa các điều kiện khó khả thi với các doanh nghiệp. Tại Vietcombank, huy động vốn đã gấp 6 lần quy mô dư nợ từ đầu năm tới giờ. Lượng vốn huy động của Vietcombank đang không được đưa vào sử dụng và đang chịu chi phí cho phần đó nên rất muốn cung ứng phần tín dụng này vào thị trường, nhưng cũng phải đảm bảo chuẩn mực.

“Nếu bây giờ vi phạm chuẩn mực, nợ xấu phát sinh thì câu chuyện chi phí vốn của Vietcombank sẽ tăng lên (tăng chi phí trích lập dự phòng). Hiện nay, Vietcombank có chi phí vốn thấp một phần do có tỷ lệ nợ xấu thấp, đảm bảo cho khả năng cung ứng được lãi suất thấp cho thị trường. Nếu không duy trì được chuẩn mực cấp tín dụng này, Ngân hàng sẽ phải tăng chi phí vốn, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro và ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng tốt trong tương lai”, ông Tùng nói.

Còn ông Nguyễn Việt Sáng nêu quan điểm: “Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, chúng ta cần phải đồng hành, hỗ trợ nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng bơm vốn cho nền kinh tế với giá thấp nhất có thể, người dân và khách hàng tìm kiếm các kênh đầu tư, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, từng bước khôi phục kinh tế của mình, có như vậy mới nhanh chóng đi qua giai đoạn khó khăn này”.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà chỉ đạo:

n Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, trong đó tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm thêm 1,5-2%/năm) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Công khai các loại phí đối với khách hàng liên quan đến các hoạt động tín dụng, thanh toán và dịch vụ tiền tệ khác.

Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng… Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.

n Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cần phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Tiếp tục phát huy vai trò vận động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành có liên quan. Vận động, hỗ trợ các hội viên xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn.

n Về phía Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các TCTD cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, cắt giảm những mảng kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; tiết giảm chi phí phát sinh trong hoạt động; mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra/nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu lượng hàng tồn kho; xây dựng các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền, xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng…

Với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…

Tin bài liên quan