Gỡ những vướng mắc của thị trường bất động sản sẽ gỡ được khó khăn cho hệ thống ngân hàng

Gỡ những vướng mắc của thị trường bất động sản sẽ gỡ được khó khăn cho hệ thống ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn hơn vì thanh khoản thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị. Năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP; xây dựng 5,95%. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP; xây dựng 5,44% GDP.

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Tuy nhiên, TS. Lực cho biết, gần đây hiện tượng đọng vốn của doanh nghiệp bất động sản là một điều nhức nhối.

“Hiện có khoảng 30 – 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau với số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản”, TS. Lực nói.

Cũng theo ông Lực, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế…

Cũng trong diễn biến có liên quan, ông Lực thông tin, thời gian vừa qua, nhờ Nghị quyết 42 nên việc xử lý tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng khá tốt và thị trường bất động sản khoảng 2 - 3 năm vừa qua phục hồi rất tốt. Do đó, việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến thời điểm hiện nay tương đối ổn.

“Nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nợ xấu gộp theo tính toán của NHNN đâu đó khoảng 3 – 3,5%. Sắp tới kể cả nợ xấu tiềm ẩn tăng lên, theo tôi vẫn trong tầm kiểm soát. Lưu ý thêm, một số khoản khó bán thì khó bán từ lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới khó bán. Nếu khó bán đương nhiên sẽ phải bán đi bán lại, khoản nào dễ bán là ngân hàng bán được ngay”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Ông Lực cho biết thêm, các ngân hàng có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn hơn vì thanh khoản thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là vấn đề cần quan ngại. Tỷ lệ nợ xấu chính thức được duy trì ở mức thấp là 1,53% trong quý I/2022, các biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ được kết thúc vào tháng 6/2022 có thể che dấu một số vấn đề về chất lượng tài sản. Nếu xác định nợ có vấn đề theo phạm vi rộng hơn, bao gồm cả nợ đã được tái cơ cấu, thì tỷ lệ nợ có rủi ro phải lên ít nhất 5,76%.

Theo Ngân hàng Thế giới, chất lượng vốn vay đối với tín dụng tiêu dùng - chiếm khoảng 12,5% tổng tín dụng năm 2021 - đã xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 5,5% trong năm 2020 lên 9,4% trong năm 2021. Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn trên toàn hệ thống ở mức 11,5% trong quý I/2022 vẫn cao hơn so với yêu cầu quản lý nhà nước (9%), nhưng vốn mỏng và tỷ lệ dự phòng khác nhau ở các ngân hàng là một vấn đề quan ngại khi các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, gỡ những vướng mắc của thị trường bất động sản sẽ gỡ được khó khăn cho hệ thống ngân hàng. Theo đó, một vấn đề cấp bách trên thị trường bất động sản hiện nay là số lượng các dự án bất động sản đang bỏ hoang do chưa hoàn thiện thủ tục, do thiếu vốn hoặc cả hai yếu tố trên đang rất lớn, cần phải có biện pháp để khơi thông nguồn cung.

Một số vấn đề pháp lý như sửa luật đất đai... còn cần thời gian, nhưng một số nút thắt khác có thể làm nhanh để tăng nguồn vốn cho thị trường bất động sản, cụ thể:

Thứ nhất, sửa đổi nhanh Nghị định 153 để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ do thủ tục và do lòng tin nhà đầu tư suy giảm.

Thứ hai, thị trường chứng khoán đang có cơ hội phục hồi do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao, hệ thống giao dịch và thanh toán mới (T+2), khả năng thăng hạng thị trường... Tuy nhiên lòng tin của nhà đầu tư - kể cả nội địa và nước ngoài - đang khá bấp bênh, chưa thấy các động thái chính sách giúp phục hồi thị trường mạnh mẽ như điều chỉnh room tín dụng, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, chính sách tạo lập các định chế xây dựng thị trường, kể cả tổ chức bộ máy của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch...

Tin bài liên quan