Ngân hàng đối diện rủi ro phát mại tài sản không trả đủ nợ vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị tài sản khi nhận thế chấp là hơn 4,8 tỷ đồng nhưng khi đấu giá chỉ còn 2,2 tỷ đồng, không đủ thanh toán nợ vay của khách hàng nên ngân hàng tiếp tục khởi kiện để đòi nợ.

Mới đây, TAND TP Hải Phòng đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp tín dụng giữa Ngân hàng GPBank và ông Nguyễn Văn Đ. (SN 1982, ở Hải Phòng).

Theo bản án sơ thẩm, năm 2003, vợ chồng ông Đ. ký hợp đồng vay vốn ngân hàng 2,8 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh, thời hạn vay không quá 6 tháng. Đảm bảo cho khoản vay trên, vợ chồng ông Đ. đã thế chấp quyền sử dụng đất ở tỉnh TP Hạ Long, Quảng Ninh, diện tích 544 m2. Đây là đất nền phân lô nên theo yêu cầu của ngân hàng, ông Đ. mua bảo hiểm trong trường hợp cần thiết.

Quá trình vay vốn, vợ chồng ông Đ. vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Từ năm 2014, khoản vay chuyển sang nợ quá hạn (nợ nhóm 5). Ngày 26/11/2014, vợ chồng ông Đ. tự nguyện ký biên bản bàn giao tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản trên đất để ngân hàng bán tài sản, thu hồi nợ vay.

Ngày 23/4/2015, GPBank đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Hải Phòng. Giá khởi điểm là 2,99 tỷ đồng. Sau 5 lần đấu giá, tài sản đã được bán với giá 2,26 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát mại tài sản sau khi trừ đi các chi phí liên quan đã được ngân hàng thu nợ.

Tuy nhiên, số tiền phát mại tài sản chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Đ. phải thanh toán nốt nợ gốc và lãi là 2,27 tỷ đồng trong đó nợ gốc là 617 triệu đồng; lãi trong hạn là 28 triệu đồng; nợ lãi quá hạn 1,5 tỷ đồng; lãi phạt 34,7 triệu đồng.

Ông Đ. không đồng ý với yêu cầu trên vì khi ký hợp đồng, GPBank đã thẩm định tài sản thế chấp có giá trị hơn 4,8 tỷ đồng. Ngân hàng cho vay 60% giá trị tài sản đảm bảo.

Mặt khác, ngân hàng đã thu khoản bồi thường bảo hiểm thông qua khoản lãi hàng tháng nên số tiền nợ gốc còn lại, ngân hàng phải chịu trách nhiệm thông qua cơ quan bảo hiểm chi trả.

Ngoài ra, năm 2017, vợ chồng ông Đ. đã ly hôn. Vợ ông đã xuất ngoại, hai người không liên lạc với nhau.

Về vấn đề bảo hiểm, tòa án cho rằng, ông Đ. không cung cấp được hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Khi phát mại, giá trị tài sản thấp hơn giá trị tài sản do biến động giá của thị trường, không thuộc trường hợp để được bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Tòa án cũng xác định, số tiền mà ngân hàng giải ngân là tài sản chung của vợ chồng nên cả hai liên đới có trách nhiệm trả nợ.

Về khoản lãi phạt trên lãi, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng ngân hàng phạt lãi không đúng quy định tại khoản 4, Điều 13, Điều 34 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng và khoản 1, Điều 8, Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 11/1/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Như vậy, vợ chồng ông Đ. còn phải thanh toán cho ngân hàng nợ gốc và lãi là hơn 2,23 tỷ đồng.

Tin bài liên quan