Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn

Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn

Ngân hàng gồng mình trước giờ G

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có những ngân hàng đang phải gồng mình để đáp ứng quy định từ đầu tháng 10 tới là tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn giảm từ 37% xuống 34%.

Tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn từ 1/1/2020 đến hết 30/9/2021 là 40%, từ 1/10/2021 đến hết 30/9/2022 là 37%, từ 1/10/2022 đến hết 30/9/2023 là 34%, từ ngày 1/10/2023 trở đi là 30%.

Lộ trình trên đã được lùi lại 1 năm so với lộ trình cũ quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các ngân hàng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như cho vay nên một số nhà băng hiện đã đáp ứng được tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ 1/10/2022 là không quá 37%.

Chẳng hạn, tại VIB, tính đến 30/6/2022, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 29%, hệ số cho vay trên tổng tiền gửi là 70% (quy định là không quá 85%), hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 11,5% (quy định là 8% trở lên).

Tương tự, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Techcombank là 32%, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn là 78,8%. Cả hai chỉ số này đều thấp hơn so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hệ số CAR theo Basel II của ngân hàng này đạt 15,7%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8% của trụ cột I, Basel II và cao hơn mức 15,1% tại thời điểm 31/3/2022.

Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, Ngân hàng đã có tính toán và cân nhắc từ trước để đáp ứng đúng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, Techcombank được xem là nhà băng có tỷ trọng cho cá nhân vay mua nhà lớn và nguồn vốn cho phân khúc này chủ yếu trung và dài hạn.

Tuy nhiên, đối với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ, vốn khó cạnh tranh trong việc huy động tiết kiệm kỳ hạn dài, việc đáp ứng quy định trên nhìn chung vẫn đang gặp khó khăn. Phó tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, ngân hàng ông đang phải tăng lãi suất huy động lên 7%/năm, thậm chí 7,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng, với kỳ vọng thu hút được vốn để cơ cấu lại nguồn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nửa đầu năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%); huy động vốn đạt hơn 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% (cùng kỳ năm ngoái tăng 4,09%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên nhằm huy động vốn dài ngày, qua đó cơ cấu lại nguồn trước khi bước sang tháng 10/2022. Dự báo, một số nhà băng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và dài.

Kiểm soát rủi ro khi “bóc ngắn cắn dài”

Bất động sản là lĩnh vực tiềm năng để ngành ngân hàng triển khai tín dụng, song nguồn vốn cho vay lĩnh vực này chủ yếu trung và dài hạn, trong khi vốn huy động của các nhà băng phần lớn ngắn hạn.

Bất động sản là lĩnh vực tiềm năng để ngành ngân hàng triển khai tín dụng, song nguồn vốn cho vay lĩnh vực này chủ yếu trung và dài hạn, trong khi vốn huy động của các nhà băng hiện nay phần lớn ngắn hạn, nên khó tránh được rủi ro.

Theo ông TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đề ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cho các nhà băng nhằm hạn chế rủi ro đó. Chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không “siết” tín dụng bất động sản, nhưng luôn kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại giai đoạn 2009 - 2013, bong bóng bất động sản đã để lại hậu quả là nợ xấu tăng mạnh, vì thanh khoản sụt giảm, đa số doanh nghiệp địa ốc không có nguồn để trả nợ ngân hàng, kể cả việc xử lý tài sản đảm bảo cũng khó có thể thực hiện được.

Tính đến 30/9/2012, nợ xấu của ngành ngân hàng lên tới 17,2% tổng dư nợ. Giữa năm 2013, Nhà nước đã phải thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với nhiệm vụ mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, làm lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Đến năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với nhiều cơ chế được ví von là “thượng phương bảo kiếm” trong việc xử lý nợ xấu.

Nhờ đó, nợ xấu toàn ngành ngân hàng giảm nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu gộp năm 2016 lần lượt là 2,5% và 10,1%, đến năm 2019 giảm còn 1,6% và 4,4%. Giai đoạn 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 khiến nợ xấu gia tăng, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%, tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%; tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) là 7,31%.

Quay trở lại với rủi ro tín dụng bất động sản, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội đầu tháng 6/2022 cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng là 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (cuối năm 2021 là 1,67%). Có khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.

Cập nhật đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung là 9,35%) và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%); nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54%.

Ông Hùng cho hay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản năm 2021 là hơn 12%, nửa đầu năm 2022 là hơn 14%, giảm nhiều so với mức trên 26% của năm 2018. Điều này phù hợp với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra, song phần lớn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng vẫn vào bất động sản. Vì thế, ngành ngân hàng cần có giải pháp tiếp theo để giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhằm kiểm soát rủi ro.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhấn mạnh, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là cần thiết, phải làm theo lộ trình để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng cứ tiếp tục “bóc ngắn, cắn dài” sẽ khó tránh khỏi rủi ro thanh khoản.

Liên quan đến nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản, ông Lịch nêu quan điểm, thị trường vốn phải song hành với thị trường tiền tệ, thị trường tiền tệ chỉ là bổ sung cho thị trường vốn. Doanh nghiệp muốn huy động vốn trung và dài hạn phải qua thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) mới phát triển bền vững. Giai đoạn 2019 - 2021, các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn (riêng năm 2021 là 214.440 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng), bớt phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, nhưng khối lượng phát hành có quy mô lớn và lãi suất cao tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Vì vậy, Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đang được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng trái phiếu, cũng như tăng tính công khai, minh bạch.

Tin bài liên quan