Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản, lãi suất có giảm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dữ liệu về diễn biến giao dịch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở cho thấy, cơ quan này đã liên tục bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong các phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán 2023.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản, lãi suất có giảm?

Bơm ra thị trường gần 78.400 tỷ đồng

Cụ thể, ngày 2/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền thông qua thị trường mở, nhưng với khối lượng giảm gần 10.000 tỷ đồng so với phiên trước, còn 13.743 tỷ đồng. Có 8 thành viên đã trúng thầu giấy tờ có giá với lãi suất 6%/năm ở kỳ hạn 7 ngày.

Đây là phiên thứ 5 liên tiếp từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường gần 78.400 tỷ đồng.

Trước đó, phiên giao dịch đầu tháng 2/2023 cũng chứng kiến hoạt động bơm thanh khoản mạnh của Ngân hàng Nhà nước cho hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong phiên ngày 1/2, Nhà điều hành đã thực hiện mua kỳ hạn (OMO) gần 24.000 tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá từ 13 thành viên thị trường, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng.

Đồng thời, có gần 25.000 tỷ đồng tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành trước Tết đáo hạn, qua đó trả lại hệ thống ngân hàng số tiền tương ứng. Ở chiều ngược lại, chỉ có 12.326 tỷ đồng các hợp đồng mua giấy tờ có giá đáo hạn, tương ứng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hút về.

Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 36.674 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tháng 2/2023.

Trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 1/2023 - ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Theo đó, nhà điều hành đã bơm ròng cho các ngân hàng 31.733 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lượng lớn tín phiếu phát hành trước Tết đáo hạn. Đáng chú ý, trong 3 phiên này, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào để hút tiền về, cho thấy quan điểm hỗ trợ thanh khoản của cơ quan quản lý tiền tệ.

Trong đó, phiên giao dịch ngày 31/1 đã bơm ròng 12.155 tỷ đồng, phiên 30/1 là 10.923 tỷ đồng và phiên 27/1 là 8.655 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất có hạ nhiệt?

Nhà điều hành đang thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho thị trường khi mặt bằng lãi suất tăng lên vào những ngày cuối tháng 1/2023.

Trong khi đó, lãi suất VND liên ngân hàng liên tục tăng trong những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, phản ánh nhu cầu thanh khoản gia tăng của hệ thống.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 31/1, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 90% khối giao dịch) đã tăng lên 6,23%/năm, từ mức 6,13% trong phiên 27/1 và 6,09% ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết.

Trong một diễn biến khác, Fed vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% và đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ sắp kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước khó có thể duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái quá dồi dào và lãi suất liên ngân hàng ít khả năng hạ nhiệt trong thời gian tới.

Mặt bằng lãi suất ở thị trường một (dân cư và tổ chức kinh tế) tuy được một số nhà băng điều chỉnh giảm nhẹ trong những ngày sau Tết Nguyên Đán, với mức giảm 0,5-1%, song chưa phải là phổ biến và mức cao nhất vẫn được các nhà băng áp dụng 9,5%/năm cho kỳ hạn dài ngày từ 1 năm trở lại theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trước Tết.

Còn với kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày dưới 6 tháng, mặt bằng lãi suất vẫn được các ngân hàng áp dụng chạm trần cho phép 6%/năm. Thậm chí, đối với kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, một số nhà băng vẫn "neo" lãi suất ở mức 9,2-9,35%/năm như tại Saigonbank, DongA Bank...

Thêm vào đó, nhiều nhà băng còn cộng thêm chương trình khuyến mãi, ưu đãi và không loại trừ thỏa thuận "ngầm" cộng thêm biên độ lãi suất ngoài đẩy lãi suất tiền gửi lên 10-11,5%/năm với kỳ vọng hút được tiền nhàn rỗi chuẩn bị đẩy mạnh tín dụng sau khi nhận được room cho vay từ Ngân hàng Nhà nước trong những tháng đầu năm 2023.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lãi suất liên ngân hàng vẫn còn dư địa tăng. Mặc dù vậy, động thái đẩy dài mua kỳ hạn giấy tờ có giá lên 91 ngày của Ngân hàng Nhà nước vẫn được xem là tín hiệu tích cực khi thanh khoản hệ thống sẽ được đảm bảo ít nhất qua Tết Nguyên đán.

Năm 2023, VCBS cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.

Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng, để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.

Chứng khoán KB Việt Nam cũng đưa ra dự báo, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng lại kênh phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát tiền tệ ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, sử dụng kênh chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn và khối lượng phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình vốn khả dụng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn vay vốn trên thị trường liên ngân hàng góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Tin bài liên quan