Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
Chiều nay (7/9), NHNN tăng mạnh giá bán USD trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng vọt cho thấy áp lực tỷ giá và thanh khoản hệ thống khá căng thẳng.
Tỷ giá nóng lên

Tỷ giá nóng lên

Chiều nay (7/9), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giá mua – bán ngoại tệ. Theo đó, giá bán ra USD từ đầu mối này đã tăng vọt lên 23.700 VND/USD, tăng 300 VND so với sáng nay. Trong báo cáo mới phát hành gần đây, các chuyên gia phân tích SSI cũng dự đoán, NHNN sẽ sớm điều chỉnh tăng giá bán USD.

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá bán USD được Sở giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là 23.545.

Tỷ giá trên thị trường tự do xoay quanh mức 24.120 - 24.220 VND/USD. Sau động thái điều chỉnh của NHNN chiều nay, tỷ giá trên thị trường tự do và giá bán USD tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng.

Trước áp lực của tỷ giá, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh. Cụ thể, hồi giữa tháng 8/2022, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ khoảng 2,27%/năm nhưng phiên giao dịch hôm qua đã tăng lên 5,44%/năm, bất chấp NHNN liên tục bơm ròng ra thị trường.

Phiên hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có gần 15.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,6%, tăng đáng kể so với mức 3,5%/năm nửa cuối tháng 8. Bên cạnh mục tiêu ghìm tỷ giá của NHNN, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trên thị trường OMO tăng cho thấy thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như trước.

Về tỷ giá, từ đầu năm đến nay, giá USD bán ra của Sở Giao dịch NHNN đã tăng gần 2,4% trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng 3,5%.

Mặc dù VNĐ vẫn nằm trong nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới song việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay đang gây nhiều lo ngại. Theo thống kê của một số chuyên gia phân tích, trước áp lực tỷ giá lớn, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm khoảng 12%.

Mặc dù 8 tháng đầu năm Việt Nam vẫn xuất siêu gần tỷ USD song nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần cộng với xuất siêu cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt 1 tỷ USD, thay vì 4 tỷ USD năm ngoái khiến nỗi lo mỏng ngoại tệ lại tăng lên, trong khi đà tăng của USD vẫn chưa ngừng.

Tin bài liên quan