Khách hàng vay mua nhà được chọn lựa rất kỹ lưỡng. Ảnh: Dũng Minh

Khách hàng vay mua nhà được chọn lựa rất kỹ lưỡng. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng thận trọng hơn với tín dụng nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng không chỉ khép cửa với chủ đầu tư dự án, mà cho vay mua nhà để ở cũng bị hạn chế.

Nhiều ngân hàng tạm dừng cho vay

Sacombank hiện vẫn chưa triển khai cho vay lại đối với bất động sản (ngoại trừ cho cán bộ, nhân viên, người thân vay mua/xây/sửa bất động sản để ở) kể từ khi nhà băng này ra thông báo tạm ngừng cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân mua, xây, sửa nhà để ở vào đầu tháng 4/2022.

Theo lãnh đạo Sacombank, Ngân hàng tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics...

Trên thực tế, không chỉ Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng đang tạm dừng cho vay lĩnh vực bất động sản, kể cả cho cá nhân vay mua nhà. Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, do cạn room tín dụng nên Ngân hàng hiện tạm dừng giải ngân đối với cá nhân vay mua nhà. Số ít trường hợp được xem xét, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao đáng kể so với cuối năm 2021. Trước đó, Shinhan Việt Nam được xem là một trong những ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có lãi suất cho vay mua nhà cạnh tranh nhất thị trường, khoảng 6-8%/năm.

Theo nhận định của ông Vũ, hiện nhiều loại chi phí đầu vào như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… đang trong xu hướng tăng cao tại các ngân hàng. Trong khi đó, sức ép đạt lợi nhuận cao từ cổ đông và cơ chế quản lý tăng trưởng tín dụng vẫn theo hướng xin - cho nên lãi suất cho vay cá nhân chịu áp lực tăng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cho hay, ngân hàng này đã dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản, bao gồm cả chưa hoặc đã có giấy chứng nhận từ cuối tháng 3/2022 đến nay nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, room tín dụng được cấp đã gần hết từ cuối quý I và đang chờ được cấp thêm nên chỉ tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh.

Tại OCB - ngân hàng đang triển khai chương trình cho vay mua nhà với sản phẩm Dream Home cung cấp khoản vay cho khách hàng mua căn hộ giá trị khoảng 3 tỷ đồng/căn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, do nhu cầu mua nhà của khách hàng tăng nên dư nợ sản phẩm này tăng mạnh từ khi triển khai vào đầu năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, hiện tại, hạn mức cho vay của OCB đã chạm trần nên không đẩy mạnh cho vay như trước, mà có sự chọn lọc kỹ lưỡng.

Tín dụng nhà ở thêm “vòng kim cô”

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ước đạt 800.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ.

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy một số ngân hàng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng liên quan đến bất động sản với số tiền lớn, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.

Mặt khác, trong 2 quý cuối năm 2022, có nhiều yếu tố khó lường gây bất lợi cho nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để vừa đảm bảo cung ứng vốn ra thị trường, vừa kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng đến giải ngân cho vay các lĩnh vực ưu tiên để khôi phục nền kinh tế, giúp doanh nghiệp trở lại sản xuất - kinh doanh bình thường như trước dịch, khởi động các chuỗi hoạt động về hàng không, du lịch… tạo hiệu quả chung, tăng trưởng ổn định nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản…, chẳng hạn tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016, Ngân hàng Nhà nước quy định chặt chẽ hơn quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở, nhất là những khoản vay giá trị lớn.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo còn bổ sung một loạt yêu cầu về cho vay như cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch với bên thứ ba; cho vay thanh toán tiền đặt cọc dự án hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản, hàng hóa… Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hạn chế cho vay hoạt động này để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đưa ra quan điểm, hiện nay, có đến 70% tài sản đảm bảo tại các ngân hàng là bất động sản, nếu tiếp tục cho vay ồ ạt thì ngân hàng sẽ là bên chịu nhiều rủi ro nhất khi thị trường bất động sản biến động.

Còn TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng trên 10% mỗi năm của lĩnh vực bất động sản là chưa đáng lo ngại, nhưng vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ và hướng vào phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực, không chảy vào sản phẩm đầu cơ, đầu tư “lướt sóng” ở những vùng có sốt đất...

Tin bài liên quan