VIB đánh giá, mảng bán lẻ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn

VIB đánh giá, mảng bán lẻ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn

Ngân hàng tìm cách cứu cánh lợi nhuận khi giảm lãi vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng đã dành tới hơn 20.000 tỷ đồng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch, đây chính là số lợi nhuận sẽ mất đi và câu hỏi là đâu là “cửa” bù đắp cho con số này?

Dư địa tăng trưởng không giới hạn

Báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng cho thấy sự thay đổi lớn trong thu nhập khi lợi nhuận không còn tập trung vào tín dụng. Thay vào đó, thu nhập từ phí tăng trưởng rất mạnh, trung bình 60% trong nửa đầu năm 2021 nhờ phí bán chéo bảo hiểm (bancassurance), phí thanh toán và phí từ thẻ. Các ngân hàng có quan hệ đối tác bancassurance độc quyền (bao gồm cả phí trả trước và phí hoa hồng) như Vietcombank, ACB, SHB, LienVietPostBank, MSB là những ngân hàng có mức tăng trưởng thu nhập từ phí mạnh nhất.

Cụ thể, thu ngoài lãi 6 tháng đầu năm nay của Vietcombank được đẩy mạnh nhờ mảng dịch vụ tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 3.600 tỷ đồng.

Tương tự, hoạt động dịch vụ đã giúp BIDV và VietinBank thu về lần lượt là 3.200 tỷ đồng và 2.640 tỷ đồng, tăng 39,2% và 22,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác của hai ngân hàng này tuy chiếm tỷ lệ không quá lớn trong tổng thu nhập, song đều ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần.

Tại HDBank, tính đến 30/6/2021, thu thuần từ dịch vụ đạt hơn 857 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ nhờ sự khởi sắc của hoạt động bancassurance và dịch vụ thanh toán.

Trong quý II/2021, lãi từ hoạt động dịch vụ của ACB đạt 886 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 231 tỷ đồng, tăng 51,5%; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 91,6 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lãi thuần từ dịch vụ của ACB đạt 1.511 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 427 tỷ đồng, tăng 44,7%; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 205 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm 2020.

Ở LienVietPostBank, kết quả hoạt động mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm 2021 tăng trưởng lần lượt 86% và 217%, đóng góp 390 tỷ đồng và 113 tỷ đồng vào tổng thu nhập hoạt động.

Xét tỷ lệ phí trên tổng tài sản (chứng tỏ khả năng tạo thu nhập từ phí), Techcombank, VPBank, MB, VIB là những ngân hàng dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tỷ lệ phí trên tổng tài sản của MSB cao đột biến do nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước bancassurance. Theo đó, tổng thu nhập thuần trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm nổi bật là thu nhập từ hoạt động dịch vụ có sự bứt phá, đạt gần 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng kinh doanh ngoại hối đem về cho MSB 200 tỷ đồng lãi thuần, gấp đôi nửa đầu năm 2020.

Lãi thuần từ dịch vụ quý II/2021 của MB tăng gần 8,9%, đạt 1.029 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 24%, đạt hơn 2.095 tỷ đồng.

Thu hoa hồng môi giới bảo hiểm và phí dịch vụ khác là hai động lực chính giúp lãi thuần của SeABank từ mảng dịch vụ đạt 470 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 3 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về cho ngân hàng này 94 tỷ đồng lãi thuần, gấp hơn 8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi gặp mặt giới phân tích và nhà đầu tư dưới hình thức trực tuyến mới đây, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, mảng bán lẻ từ chỗ chiếm tỷ trọng 21% lợi nhuận trước thuế năm 2016 đã tăng 6 lần về dư nợ và chiếm tỷ trọng 70% lợi nhuận trước thuế của toàn ngân hàng tính đến hết năm 2020. Mặc dù giãn cách xã hội, VIB vẫn duy trì doanh số bán bảo hiểm nhân thọ trong Top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ, đứng thứ hai toàn thị trường - theo báo cáo của Hiệp hội Thẻ Việt Nam.

“Chiếc bánh rất lớn cho tất cả mọi người cùng tham gia và làm tốt công việc của mình. Tỷ lệ doanh số bảo hiểm của Việt Nam trên GDP chưa đến 1%, so với trung bình mức khoảng 10% của các nước trong khu vực. Chúng tôi yêu thích sự cạnh tranh lành mạnh, điều đó giúp những người đứng đầu trở nên thông thái hơn và hiệu quả hơn”, bà Hương nói.

Quan trọng là làm tốt phần việc của mình

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19, VIB liệu có tự tin lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm? Trả lời câu hỏi này của Đầu tư Chứng khoán, đại diện VIB cho biết, Ngân hàng đánh giá mảng bán lẻ có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, vì tỷ lệ cho vay bán lẻ tại Việt Nam hiện ở mức thấp so với các nước khác. Bên cạnh đó, VIB có nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh và luôn đi đầu trong việc áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế.

Theo đại diện VIB, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ không chỉ mang đến cho khách hàng trải nghiệm giao dịch online hàng đầu, mà hiệu quả hoạt động của Ngân hàng liên tục được cải thiện, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) xuống 37%. Ngoài ra, nguồn thu ngân hàng ngày càng đa dạng khi doanh thu phi lãi ngày càng tăng. Đây là những điểm thuận lợi để VIB tiếp tục khai thác hiệu quả mảng bán lẻ.

“Nhìn theo chiều ngược lại, danh mục bán lẻ giúp VIB giảm thiểu rủi ro tập trung, thích ứng tốt trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại. VIB cũng là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ tốt hàng đầu thị trường hiện nay”, đại diện VIB nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp, Techcombank cho hay, Techcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao hàng đầu trong ngành.

Ông Hà khẳng định: “Giảm thu từ lãi nhưng tăng được thu nhập ngoài lãi giúp Ngân hàng giảm thiểu ảnh hưởng từ việc hỗ trợ lãi suất. Do đó, Techcombank chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kinh doanh năm nay”.

Mục tiêu tăng thu nhập ngoài lãi được Techcombank thể hiện qua việc triển khai điểm giao dịch tại một số cửa hàng Vinmart. Theo ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Thường trực Techcombank, việc hợp tác này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, một mặt đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mặt khác đảm bảo mô hình hoạt động mới đem lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng.

Đây là mô hình có tiềm năng, giúp Ngân hàng mở rộng mạng lưới, đạt được mục tiêu có khách hàng mới, những khách hàng đi đến mua hàng ở chuỗi cửa hàng. Điều này tăng sự thuận tiện cho khách hàng khi mạng lưới mở rộng, đến sát những nơi làm việc, nơi sống của khách hàng. Đồng thời, mô hình sẽ giúp tối ưu hóa chi phí về mạng lưới chi nhánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp MB chia sẻ, thời gian tới, các hoạt động ngoài lãi sẽ duy trì đà tăng nhờ thị trường bảo hiểm Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn, Ngân hàng có cơ sở khách hàng từ hệ sinh thái quân đội, mảng bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas) đã có lãi hoạt động bảo hiểm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của MB có thể đạt trên 16.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 50,6% so với năm 2020 và vượt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 13.200 tỷ đồng.

Tin bài liên quan