Ngân hàng tuần qua: Chữa bệnh thừa tiền, doanh nghiệp muốn ngân hàng linh hoạt hơn

Ngân hàng tuần qua: Chữa bệnh thừa tiền, doanh nghiệp muốn ngân hàng linh hoạt hơn

Tìm cách chữa bệnh thừa tiền, khắc phục tình trạng ngân hàng thừa tiền doanh nghiệp thiếu vốn, dư địa sử dụng chính sách tiền tệ không còn nhiều, vay vốn đảo nợ không dễ, thị trường TPDN tiếp tục sụt giảm... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Đẩy vốn vào nền kinh tế: Không nên lạm dụng công cụ tiền tệ

Giới chuyên gia đưa ra những cảnh báo rủi ro nếu sốt ruột mà sử dụng quá nhiều công cụ tiền tệ, lãi suất.

Đây là ý kiến của PGS. Phạm Thế Anh (Khoa kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân) gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Theo chuyên gia này, Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất, bởi 3 lý do: các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao; điều kiện lãi suất thực dương trong nước (lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng lạm phát lõi); cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới đã có 129 lượt tăng lãi suất, 37 lượt giảm lãi suất, riêng Việt Nam đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Thực tế, trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng từ đầu tháng 8 tới nay, dư địa giảm thêm lãi suất điều hành không nhiều. Theo PGS. Phạm Thế Anh, thay vì lạm dụng các công cụ tiền tệ, Việt Nam nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ - tăng cường chi tiêu/giảm thuế trong thời kỳ khó khăn và ngược lại.

So với các nước trên thế giới (đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, phải bắt đầu tích lũy xây dựng lại đệm tài khóa sau đại dịch), Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định về tài khóa. Quy mô nợ công đã giảm đáng kể xuống chỉ còn quanh 40% GDP (một phần nhờ áp dụng cách tính GDP mới) - dưới xa ngưỡng trần mục tiêu 60%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp không quá cao, trong đó chủ yếu là chi trả nợ gốc; lãi suất vay nợ trái phiếu thấp, chủ yếu kỳ hạn dài (10 năm trở lên)... là cơ hội để đẩy mạnh các chính sách tài khóa.

Cụ thể, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, Việt Nam có thể cân nhắc sử dụng tín dụng thuế đầu tư (investment tax credit) - một hình thức cam kết hoàn thuế dựa trên chi phí đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước muốn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Ưu tiên dành nguồn lực phát triển và thúc đẩy các Dự án nhà ở xã hội, thúc đẩy chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy tiêu dùng nội địa...

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Nói cách khác, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Đối với tín dụng, theo các chuyên gia, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các ngân hàng thương mại. NHNN không nên can thiệp vào khẩu vị rủi ro, hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng bên ngoài và bên trong. Để điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả thời gian tới, đầu tiên phải bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính.

Đồng thời, chuyên gia này khuyến nghị, cần nhận thức đúng đắn về tình hình lạm phát để xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, lãi suất và tỷ giá đặt trong bối cảnh tổng thể kinh tế vĩ mô. Hiện tại, lạm phát không đáng ngại, chính sách tiền tệ nên được điều hành theo hướng hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi.

“Trong điều kiện hiện nay, việc chỉ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở sẽ chỉ mang lại một phần hiệu quả trong nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Muốn đạt được mục tiêu giảm tiếp lãi suất, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Trương Văn Phước khuyến nghị.

Trong khi đó, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra nhiều điểm nghẽn trên thị trường tài chính như: quy mô tín dụng/nền kinh tế ở mức cao so các nước cùng trình độ phát triển; tín dụng vẫn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và có xu hướng tăng nhanh (nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ tập trung vào bất động sản 30-40%); tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên còn thấp; nguồn cung ứng vốn tín dụng trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, trong khi kênh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Theo chuyên gia này, chính sách tiền tệ thời gian tới phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Đồng thời, đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ngân hàng phân trần chuyện thừa room nhưng khó cho vay

Lãnh đạo BIDV, Agribank cho biết dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, song không dễ tìm khách hàng để cho vay và kiến nghị loạt giải pháp để thúc đẩy tín dụng.

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, từ đầu năm đến nay Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Đồng thời, ngân hàng cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với 425 nghìn tỷ đồng dư nợ đến 31/03 tiền vay hiện hữu… song tín dụng vẫn tăng trưởng chậm.

Đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, trong 8 tháng đầu năm ngân hàng đã 4 lần giảm lãi vay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi - suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước song tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 cũng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%.

Lãnh đạo BIDV chia sẻ, rất mong doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân hàng để tạo niềm tin cho ngân hàng.

“Ngân hàng rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Tổng giám đốc BIDV bày tỏ.

Tương tự, lãnh đạo Agribank cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, PCCC, môi trường..., đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản…), các ngân hàng cho hay, việc giải ngân khó khăn vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đặc thù thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn cho các TCTD trong việc thực hiện đúng quy định của NHNN trong quy định giải ngân cho vay bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Thứ hai, phần lớn tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp nông thôn là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản...có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao.

Thứ ba, đối với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến tình trạng trùng lắp giữa nhiều ngân hàng (một tài sản đảm bảo có thể được sử dụng để thế chấp tại nhiều ngân hàng).

Doanh nghiệp: Ngân hàng cần linh hoạt hơn trong cho vay

Khá bất ngờ, lãi suất không còn là vấn đề được doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ĐBSCL. Vướng mắc được nhiều doanh nghiệp chia sẻ lại xoay quanh thủ tục tiếp cận vốn.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) cho hay, hiện ông đang được vay vốn tại Vietcombank với lãi suất 4%/năm (với ngoại tệ) và 6,5%/năm với VNĐ (hiện chỉ còn khoảng 5%/năm sau 3 lần Vietcombank giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay).

Nhiều doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản khác cũng cho biết đang được vay vốn với lãi suất 6-7%/năm với tiền đồng và 3,8-4,5%/năm với ngoại tệ. Lãi suất cho vay với khu vực tam nông thực sự dễ thở khiến các kiến nghị về lãi suất không còn xuất hiện tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo thủy sản ĐBSCL diễn ra chiều nay.

Tuy vậy, bên cạnh các ý kiến cho biết việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn trước, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục vay vốn tại các ngân hàng vẫn rườm rà, cứng nhắc. Đại diện tập đoàn Lộc trời (An Giang) cho hay, do doanh nghiệp này sản xuất từ khâu giống nên thời gian từ khâu vốn tới thành phẩm cần tới 12 tháng, cộng thêm 6 tháng nữa để đưa trực tiếp hàng hóa tới người tiêu dung, tổng cộng thời gian quay vòng vốn là 18 tháng. Mặc dù vậy, ngân hàng chỉ cho vay chủ yếu ngắn hạn 6 tháng, không đủ để doanh nghiệp quay vòng vốn.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau), doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu 30 triệu USD/năm lại than phiền việc tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản triển khai chậm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thiếu linh hoạt trong việc cấp hạn mức.

Theo ông Hiển, ở Cà Mau, tôm tự nhiên khai thác từ tháng 3 tới tháng 6, doanh nghiệp rất cần vốn để thu mua tôm của dân song không được cấp hạn mức tisnd ụng kịp thời khiến dân bị thương lái ép giá, đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải quay lại mua tôm với giá cao vì trái vụ. Do đó, ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh khi doanh nghiệp cần thì không vay được, khi muốn cho vay thì doanh nghiệp lại không cần nữa.

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú gay gắt yêu cầu NHNN các địa phương phải kiểm tra ngay tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.

Theo Phó Thống đốc, thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp yên tâm vay vốn. Bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn.

Đương nhiên, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Phó thống đốc: Chữa bệnh thừa tiền khó hơn rất nhiều chữa bệnh thiếu tiền

Phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo thủy sản ĐBSCL diễn ra chiều nay (15/9) tại Cần Thơ, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 mới tăng 5,56%.

Theo Phó thống đốc, tính tới ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế mới tăng 5,56% (cùng kỳ tăng 9,88%). doanh nghiệp đã ngấm khó khăn, song chưa ai có thể trả lời được khó khăn đã chạm đáy hay chưa. ĐBSCL là địa bàn chiến lược quan trọng, được Ngân hàng Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng, song tín dụng khu vực này từ đầu năm đến nay chỉ tăng 5,3%.

Lý giải về tình trạng tín dụng ĐBSCL nói riêng, tín dụng toàn nền kinh tế nói chung tăng chậm, Phó thống đốc cho biết, khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng.

Theo Phó thống đốc, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tăng lãi suất. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới tăng lãi suất thêm 0,25%, Fed cũng chỉ mới tạm dừng tăng lãi suất chứ chưa nới lỏng, kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang khó khăn.

Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng rất lớn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán gặp khó.

“Vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền, thì Ngân hàng Nhà nước cũng không “cứu” được”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Trong bối cảnh này, đẩy mạnh bơm tín dụng ra nền kinh tế là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Tuy vậy, để có thể thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía.

Từ phía doanh nghiệp, đầu tiên là phải gỡ khó của doanh nghiệp về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, từ đó có nhu cầu vay vốn. Bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn. Ngoài ra, cần tháo gỡ khó về mặt pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, với nhiều Dự án bất động sản, ngân hàng sẵn vốn nhưng không thể giải ngân vì thiếu pháp lý.

Ngoài ra, với nhiều vấn đề, gỡ khó cho doanh nghiệp cần bàn tay của Chính phủ chứ riêng ngành ngân hàng không giải quyết được, ví dụ như câu chuyện xúc tiến thị trường, thúc đẩy hợp tác chiến lược với các nước…

Đương nhiên, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Dù nỗ lực đẩy mạnh dòng chảy tín dụng, song Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng lần nữa nhấn mạnh, “không thể ném tiền qua cửa sổ, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng. Bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng từ cổ tức sắp về tài khoản nhà đầu tư

Nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư, phần lớn trả bằng cổ phiếu, với ước tính có khoảng hơn 1,5 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được phát hành từ nay đến cuối năm 2023.

Eximbank (mã: EIB) đã được ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 25/9/2023.

Theo đó, Eximbank dự kiến sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng như phương án đã thông qua trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Trước đó, đầu năm 2023, Eximbank cũng đã phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, giúp tăng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng.

OCB (mã: OCB) đã công bố kế hoạch thực hiện phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 50%.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, từ đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành là 20/9/2023.

VietinBank (mã: CTG) cũng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2020, dự kiến thực hiện trong quý III và IV/2023. Số cổ phiếu này tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 5.643 tỷ đồng.

Tỷ lệ phát hành dự kiến tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành. Nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng, vượt qua quy mô của MB. Nếu hoàn thành tất cả kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023, VietinBank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống.

Ngoài số 564,3 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Theo đó, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.VPBank (mã: VPB) cũng là một ngân hàng hiếm hoi chia cổ tức bằng tiền mặt trong nửa cuối năm 2023. Dự kiến trong quý III/2023, VPBank sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%.

Nhận định trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024 thì cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại.

Theo các chuyên gia của VDSC, định giá ngành đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Mức P/B hiện tại của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016 - 2017 khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng.

Do vậy, cho bối cảnh hiện tại, VDSC cũng kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn để nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Theo đó, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giúp rủi ro nợ xấu tăng cao ở một số ngân hàng thương mại được trì hoãn và có thể không hiện thực hóa. Trong trường hợp này, các ngân hàng thương mại nhóm 1 như Techcombank và MB sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo thống kê trong năm 2023, ước tính có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. VPBank là ngân hàng hiếm hoi dự chi cổ tức bằng tiền mặt, mức chi ước 8.000 tỷ đồng. Trước đó, đã có gần 2,8 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã về tay các nhà đầu tư thông qua phương án trả cổ tức.

Tuy nhiên, theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2022, hệ số CAR tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức 9,04%.

Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lại có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so các ngân hàng thương mại Nhà nước, đạt 12,29%. Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, có hệ số CAR đạt 18,61% (tương đồng so mức bình quân trong khu vực).

VNDirect đánh giá, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như Lienvietpostbank, VPBank, ACB, TPBank... và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần, chưa có ngân hàng thương mại Nhà nước.

Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.

Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng.

Không dễ khi vay vốn “đảo nợ”

Từ ngày 1/9, người dân, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại ngân hàng khác. Nhưng để tiếp cận khoản vay hấp dẫn này, khách hàng sẽ phải chịu nhiều khoản phí đi kèm.

Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho hay, từ 20 năm trước, các ngân hàng thương mại đã làm sản phẩm tái tài trợ, nhưng bị quy chụp là cho vay đảo nợ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó ra văn bản cấm, chỉ cho tái tài trợ sản xuất, kinh doanh, thì các ngân hàng lách qua các tên khác là “cho vay hoàn vốn”, “cho vay bù đắp”..., với mục đích là tái tài trợ các nhu cầu vay trung, dài hạn.

Tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, NHNN bỏ cụm từ “mục đích sản xuất - kinh doanh”, tức các khách hàng là cá nhân cũng được tham gia vay để trả nợ khoản vay cũ cho mục đích tiêu dùng. Nhiều ngân hàng nắm bắt cơ hội này quảng cáo cho vay trả nợ ngân hàng khác hay “mua nợ ngân hàng khác” để hút thêm khách hàng mới.

Thông tin trên khiến nhiều người dân, doanh nghiệp vui mừng vì năm ngoái phải vay với lãi suất tới 14-15%/năm, nay có thể vay lãi suất thấp để đảo nợ. Tuy nhiên, việc tham gia khoản vay mới để trả nợ không hề dễ dàng và sẽ có thêm nhiều chi phí đi kèm.

Ngân hàng MB cho biết, muốn trả nợ khoản vay trước hạn, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí phạt, thường từ 0,5 - 2% hoặc cao hơn, tùy từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu. Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị những chi phí khác như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới...

Tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn khá cao, đến 3 - 4%, khiến việc chuyển sang vay ngân hàng khác không khác biệt lớn về chi phí, trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian. Đồng thời, các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo, như vậy khoản vay này không khác gì các khoản vay mới. Chỉ trường hợp không có tài sản khác, mà dùng chính tài sản đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng khác để vay khoản mới thì mới mang tính chất “đảo nợ”.

Ngoài ra, Sacombank lưu ý khách hàng, chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác, Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

“Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng”, báo cáo của ACBS nêu.

Thực tế, các ngân hàng cũng ưu tiên việc khách hàng tự vay ngoài để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ, sau đó cho vay mới (có tài sản đảm bảo), với lãi suất thấp hơn 2 - 2,5%/năm. Thế nhưng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, với những khách hàng đã phải chịu áp lực lãi vay cao, nếu có khả năng vay ngoài để tất toán khoản nợ cũ thì họ đã thực hiện sớm, không đợi đến khi ngân hàng mới cho vay. Ngoài các khoản phí, vấn đề quan trọng khác mà khách hàng cần lưu ý khi có ý định vay đảo nợ là tài sản đảm bảo.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời của các ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn, tránh để bị thiệt thòi.

Trong khi đó, các ngân hàng đang quảng bá rầm rộ về việc cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 5,6%/năm. Có ngân hàng rao mức cho vay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác.

VietinBank vừa công bố cho vay trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm với vay sản xuất - kinh doanh, từ 7,5% với vay tiêu dùng. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Lãi suất cho vay để trả nợ chỉ 5,6%/năm của VietinBank hiện thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của hầu hết các ngân hàng khác. Trong khi đó, BIDV triển khai chương gói vay này với lãi suất từ 6%/năm. MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác, lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng…

Lãi suất cho vay để trả nợ có vẻ hấp dẫn, song theo giới phân tích, khách hàng cần lưu ý về những điều kiện và các khoản chi phí phát sinh. Mức lãi suất ưu đãi cũng chỉ trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục chuyển tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ sang thế chấp tại ngân hàng mới chắc chắn sẽ tiêu tốn không ít thời gian, chi phí. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, việc định giá tài sản đảm bảo là bất động sản cũng không thể như giai đoạn thị trường giao dịch sôi động.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm gần 63%, doanh nghiệp cấp tập mua lại trước hạn

Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), cập nhật đến ngày công bố thông tin 13/09/2023, số đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 là 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng. Chưa có đợt phát hành nào trong nửa đầu tháng 9/2023. Các đợt phát hành trong tháng 8 có lãi suất trung bình 9,18%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là gần 140.000 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng và 111 đợt phát hành riêng lẻ (chiếm 88% tổng số).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó cũng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm (tính đến ngày 31/8/2023), có 48 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 115.900 nghìn tỷ đồng (giảm 62,8% so với cùng kỳ năm 2022). Ngành ngân hàng chiếm đa số trong khối lượng phát hành 8 tháng đầu năm, chiếm 40.7%, theo sau là nhóm bất động sản chiếm 35.3%.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 125 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 166.654 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51.78% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 86.294 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 109.448 tỷ đồng. 36.3% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản, theo sau là nhóm Ngân hàng chiếm 28%.

Hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới. Mới đây, Tập đoàn VinGroup đã thông qua phương án phát hành ra thị trường quốc tế 350 triệu USD trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có TSĐB, kỳ hạn 5 năm, mệnh giá dự kiến là 200.000 USD/trái phiếu, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.

Huy động vốn ngoại tệ giảm mạnh, tín dụng ngoại tệ tăng 14,24%

Đến ngày 28/8/2023, huy động vốn tăng 4,65%, dư nợ tín dụng tăng 5,16% so với cuối năm 2022, riêng tín dụng ngoại tệ tăng 14,24%. Đáng chú ý, huy động VND tăng 6,47%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 14,39% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tuần đầu tháng 9/2023, ngân hàng Nhà nước cập nhật đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, 8 tháng đầu năm nay, cơ quan này điều hành tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đến ngày 31/7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 95.937 tỷ đồng, với 96.875 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Về nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với kỳ hạn và khối lượng phù hợp, lãi suất chào mua ở mức 4,0%/năm. Tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các tổ chức tín dụng đảm bảo phù hợp với diễn biến lạm phát, tình hình nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ mức lãi suất điều hành sau 4 lần giảm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, có 129 lượt tăng lãi suất, 37 lượt giảm lãi suất trên thế giới. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát tiệm cận mức giảm phát.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi cho vay (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm). Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chú trọng và tăng cường. Đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,36% (giảm so với tỷ lệ của tháng 5/2023 là 3,65%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 114.890 tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 424.050 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro.

Tin bài liên quan