Ngân hàng tuần qua: Tín dụng tăng chậm lại; cổ phiếu vua dội sàn chứng khoán; thêm nhiều nạn nhân sập bẫy tiền ảo

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ sàn chứng khoán, tín dụng tăng chậm lại, TPDN được kỳ vọng sẽ sôi động từ quý IV/2022... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Tín dụng tăng chậm lại; cổ phiếu vua dội sàn chứng khoán; thêm nhiều nạn nhân sập bẫy tiền ảo

Bão cổ phiếu “vua” đổ bộ sàn chứng khoán: Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Cùng với làn sóng tăng vốn, chia cổ tức, hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ dội sàn chứng khoán nửa cuối năm nay. Đây vừa là rủi ro, vừa là cơ hội cho nhà đầu tư.

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay đã thông qua kế hoạch tăng vốn khủng của hàng loạt ngân hàng, 6 tháng cuối năm đang là thời điểm để các ngân hàng chạy đua hiện thực hóa kế hoạch này.

Ngày 23/8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức 20% bằng cổ phiếu của MB. Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.

VPBank sắp chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu để tăng

VPBank sắp chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu để tăng

Trong tuần này, VPBank cũng thông báo giải tỏa 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, được phát hành theo chương trình ESOP 2021, tương đương 4,46 triệu cổ phiếu đã được tung ra thị trường. Ngân hàng này cũng thông báo sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022 và sắp phát hành hơn 2,2 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức 50%.

Trước đó, MSB cũng đã có Nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Dự kiến, trong quý III/2022, HDBank cũng sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ trả cổ tức 25%. Trong khi đó, lãnh đạo SHB cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án tăng vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng.

Kienlongbank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm hơn 578 tỷ đồng. Techcombank được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm 63,2 tỷ đồng bằng hình thức ESOP.

Hồi đầu tháng 7/2022, VIB đã hoàn tất phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.

Theo thống kê, trong năm nay, có trên 20 ngân hàng tăng vốn điều lệ với tổng mức vốn điều lệ tăng thêm hàng chục ngàn tỷ đồng, tương ứng với hàng chục tỷ cổ phiếu “dội sàn” chứng khoán năm nay. Hiện tại, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã hoàn tất hoặc sắp hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, BIDV, Vietcombank) vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể tăng vốn do vẫn phải đợi sự chấp thuận của cơ quan chức năng.

Theo TS. Châu Đình Linh, chuyên gia kinh tế, tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của các ngân hàng. Mặc dù tiềm lực của hệ thống ngân hàng đã mạnh lên đáng kể thời gian qua, song nhìn chung ngân hàng Việt vẫn còn mỏng vốn. Việc bổ sung vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Basel III, cũng như để cải thiện Hệ số An toàn vốn (CAR) - một trong những yếu tố để NHNN căn cứ cấp room tín dụng là rất cấp bách. Trong đó, tăng vốn bằng việc “chia cổ phiếu giấy” là giải pháp dễ dàng nhất cho các ngân hàng.

Những tuần gần đây, cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tích cực và nhiều phiên dẫn dắt thị trường. Nguy cơ nợ xấu không đáng ngại như những dự báo trước đó, khả năng NHNN sớm cấp room tín dụng còn lại cho một số ngân hàng và có thể nới nhẹ trần tăng trưởng tín dụng chung từ cuối quý III/2022, lãi suất cho vay tăng tăng đáng kể giúp biên lãi thuần (NIM) được giữ vững… là một số yếu tố giúp triển vọng lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng tiếp tục sáng sủa.

Ngoài triển vọng ngành rất khả quan, thì làn sóng tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng. Điều này giúp cổ phiếu vua được kỳ vọng tiếp tục tăng giá thời gian tới và sẽ dẫn dắt thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là nhóm có dư địa tốt hơn, bền vững hơn nhóm khác trong nhóm vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt đà tăng thị trường”.

Tuy vậy, trong nhóm ngân hàng, không phải cổ phiếu nào cũng có tiềm năng tăng trưởng giống nhau. Theo các chuyên gia, những ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tốt, dự phòng nợ xấu cao, tỷ trọng bán lẻ cao, có cơ hội được nới room tín dụng lớn, cơ cấu thu ngoài lãi cao… sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng hơn các ngân hàng còn lại.

Theo ông Trần Tánh, Phó trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu (CTCK Yuanta Việt Nam), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 20%, trong khi giá cổ phiếu lại đang thấp hơn 30-40% so với mức đỉnh của giai đoạn trước. Chỉ số P/B của ngành ngân hàng nằm ở mức khoảng 1,5 lần. Nói cách khác, cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá hấp dẫn và là mức nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư trung, dài hạn. Chính vì vậy, dù khó có “sóng” cổ phiếu ngân hàng như năm qua, song cổ phiếu vua sẽ phục hồi tốt giai đoạn tới và là nhóm ngành dẫn dắt thị trường tăng trưởng

Ngân hàng cạn room, tín dụng tháng 7, tháng 8 tăng không đáng kể

Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Về số liệu, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%.

Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong 1,5 tháng qua, khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã phải bán bớt TPDN để có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia phân tích công ty chứng khoán nhận định, trong tháng 9/2022, NHNN sẽ cấp room tín dụng còn lại cho một số ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng tiềm năng nhất là Vietcombank, MB (nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) và một số ngân hàng khác như VPBank, Vietinbank, BIDV, ACB, SHB, LPB, ACB...

Tại bổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở Nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai Nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.

Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.

Về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất. Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế.

Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai xuất phát tưừ nhiều phía.

Nguyên nhân liên quan đến khách hàng vay: Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ; Bộ Xây dựng đã công bố 04 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về phía ngân hàng thương mại: Một số ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng; Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

NHNN cho biết, căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình.

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trở lại từ quý IV/2022

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm nửa đầu háng 8/2022, song được kỳ vọng sẽ sôi động lại từ quý tới nếu Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi được ban hành.

Số liệu, nửa đầu tháng 8/2022 chỉ có 6 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với tổng giá trị phát hành 2.210 tỷ đồng, toàn bộ đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Lũy kế từ đầu năm đến nay, phá hành tría phiếu riêng lẻ chỉ đạt gần 200.000 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp bất động sản rục rịch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại, song từ tháng 7/2022 tới nay lại án binh bất động.

Theo FiinGroup, trái phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản và xây dựng đã suy giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt trong quý II/2022 không có doanh nghiệp ngành xây dựng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 giảm mạnh và không có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt trước những diễn biến thị trường và các sự kiện hủy lô trái phiếu trong tháng 4/2022.

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng suy giảm về khối lượng phát hành cho đến khi các quy định pháp lý rõ ràng cho cơ sở nhà phát hành và nhà đầu tư, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại từ quý IV/2022.

“Mặc dù sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối 2021, nhưng chúng tôi kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi sửa đổi Nghị định 153 được ban hành và đi vào hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định.

Theo FiinGroup, sang năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường.

Phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi chủ yếu giảm về quy mô nhưng hướng đến cơ sở nhà đầu tư rộng rãi hơn bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu và quỹ hưu trí.

Mặc dù việc phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vẫn sẽ khó khăn hơn, các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng vẫn sẽ góp phần cho các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp.

Đặc biệt, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cải thiện thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Cụ thể, thanh khoản thị trường thứ cấp nửa đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng đột biến (gần 93%) so với mức giá trị giao dịch bình quân trong năm 2021, từ 191,70 tỷ đồng/ngày lên 368,86 tỷ đồng/ngày.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, HoSE đã hoàn thành việc chuyển toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp niêm yết sang HNX, mở đầu cho lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn niêm yết trái phiếu phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở sẽ là động lực lớn giúp tăng quy mô và thanh khoản trên thị trường thứ cấp chuyên biệt này.

Số lượng đợt phát hành trái phiếu niêm yết được ghi nhận trên thị trường thứ cấp đạt 53 đợt trong tháng sáu, tăng thêm 13 đợt so với tháng đầu năm. Mặc dù quy mô phát hành còn khiêm tốn nhưng có thể thấy sự tăng trưởng nhẹ về số lượng trên thị trường thứ cấp trong nửa đầu 2022.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi những quy định nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn, trong đó Điều 15 và Điều 16 bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký giao dịch, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. FiinGroup đánh giá, đây là nỗ lực đúng đắn để kiểm soát quy trình phát hành trái phiếu riêng lẻ, và dự báo số lượng trái phiếu niêm yết sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Nhiều nạn nhân lại sập bẫy sàn tiền ảo Fashinn

Nhiều nạn nhân cho biết, bị sàn giao dịch tiền ảo nhị phân Fashinn lừa đảo với số tiền hàng trăm triệu đồng/người. Hiện các nạn nhân đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an.

Nhiều nhà đầu tư cho hay, từ đầu năm đến nay, họ được những người tự xưng là nhân viên của Công ty chứng khoán Fashinn (mạo danh là chứng khoán SHS) tiếp cận qua mạng xã hội để dụ dỗ tham gia đầu tư các gói dữ liệu với lợi nhuận khủng.

Bà Nguyễn Thị Ng. (Nam Định) kể, đầu tháng 8/2022, bà được một người tên là CG. Thái Hoàng tiếp cận qua mạng xã hội, mời tham gia mua gói dữ liệu của Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Fashinn với lợi nhuận gấp hàng chục lần vốn đầu tư.

“Người này cho biết, Fashinn là công ty chứng khoán lâu năm tại Mỹ, hợp tác với nhóm chuyên gia phân tích SSI Research, đồng thời chụp ảnh cho tôi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ chứng khoán của Công ty Chứng khoán SHS (Fashinn), trụ sở tại tòa nhà Unimexx, 41 - Ngô Quyền, Hà Nội. Bên xác nhận là Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an TP. Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi hỏi một đứa cháu làm ở ngân hàng, tôi biết được đây là sàn lừa đảo và không gửi tiền vào đầu tư”.

Không phải ai cũng may mắn như bà Ng., Anh Nguyễn Văn Phúc (Thanh Hóa) cho biết, anh nhận được lời mời tham gia vào nhóm bắn lệnh đầu tư ở sàn Fashinn trên ứng dụng Telegram. Tò mò nhấn link gia nhập nhóm, anh thấy nhiều nhà đầu tư chia sẻ lãi lớn nhờ đầu tư trên sàn Fashinn và tung hô, cảm ơn các “thầy” bắn lệnh đã mang lại cơ hội đổi đời. Thấy dễ kiếm lời, anh Phúc quyết định tham gia mở tài khoản và được một người tên là Thanh hướng dẫn.

Ban đầu, người này đề nghị anh nộp 500.000 đồng vào tài khoản và hướng dẫn anh thực hiện một số lệnh. Ngay giao dịch đầu tiên, tài khoản của anh Phúc nhân đôi lên hơn 1 triệu đồng. Sau khi rút thử 500.000 đồng về tài khoản ngân hàng thành công, anh Phúc phấn khởi đồng ý tham gia “Gói dữ liệu”. Theo giới thiệu của Thanh, Fashinn có tất cả 8 gói dữ liệu, từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lợi nhuận cao gấp 12-15 lần vốn bỏ ra trong thời gian ngắn.

Nghe lời tư vấn, anh Phúc đồng ý tham gia gói 30 triệu đồng, nạp tiền vào tài khoản xxx 965 của Phạm Phước Nghĩa tại Ngân hàng BIDV và nghe “thầy” hô lệnh trên Telegram. Chỉ vài ngày đi lệnh theo hướng dẫn của “thầy”, tài khoản của anh Phúc tăng 15 lần lên 450 triệu đồng. Lúc này, anh Phúc nhập lệnh rút tiền về thì được nick CSKH-Fashinn trên Telegram thông báo phải đóng phí chuyển nhanh 24/7 với tổng số tiền hơn 41 triệu đồng thì mới được rút. Nôn nóng muốn rút số tiền lớn, anh Phúc đóng 41 triệu đồng vào tài khoản của Phạm Phước Nghĩa.

Thế nhưng, ngay sau đó, bên chăm sóc khách hàng lại yêu cầu anh đóng thêm hơn 1.000 USD phí bảo hiểm. Lúc này, anh Phúc đã ngờ ngợ bị lừa, song do xót số tiền bỏ ra, anh nhắm mắt nộp thêm 25 triệu đồng nữa với hy vọng nhận về số tiền đã bỏ ra. Tuy vậy, sau khi đóng tổng cộng hơn 65 triệu đồng tiền phí, bảo hiểm, anh lại được sàn thông báo thông tin cá nhân nhập lên sàn bị sai và yêu cầu phải đóng hơn 40 triệu đồng nữa để sửa phần mềm hệ thống. Lúc này, anh Phúc mới chắc chắn đã bị lừa.

Trước đó, vào tháng 2/2022, anh Phan T., một nhà đầu tư khác cũng dính chiêu lừa tương tự trên sàn Fashinn. Theo đó, anh đã tham gia gói dữ liệu 40 triệu đồng, thu về lãi ảo hơn 400 triệu đồng và phải nhiều lần nộp tiền vào tài khoản Hồ Văn Mạnh (phí rút tiền, bảo hiểm, tiền sửa phần mềm thông tin trên sàn) với tổng số tiền 160 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp tiền, sàn vẫn lấy nhiều lý do để không cho anh rút tiền và tiếp tục đề nghị đóng thêm tiền mới giải quyết.

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, các hình thức lừa đảo thông qua các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, sàn giao dịch ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), sàn giao dịch tiền “ảo” hoặc kinh doanh đa cấp trái phép tăng mạnh.

Trong khi đó, mặc dù đã được Chính phủ thúc giục nhiều lần, song hành lang pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện. Luật “gốc” về tài sản ảo, tiền ảo chưa có, nên việc đưa ra các chế tài xử phạt trong các luật chuyên ngành cũng chưa thể thực hiện.

Xử lý nghiêm ngân hàng trốn tránh cho vay hỗ trợ lãi suất 2% với khách hàng đủ điều kiện

NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Trong Chỉ thị 03/CT-NHNN ban hành ngày 16/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu toàn ngành xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện khẩn trương để hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế.

Việc triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, quy định về hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN và các quy định pháp luật có liên quan. Không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.

Thống đốc yêu cầu các đơn vị tại NHNN Trung ương: Tích cực triển khai, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước để kịp thời giải đáp vướng mắc của các NHTM; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các NHTM; Theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của các NHTM; báo cáo thường xuyên Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về tiến độ, kết quả giải ngân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM theo quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành để thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là về đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Quốc hội, Chính phủ; giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống NHTM.

Đối với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu phải nắm bắt rõ, đầy đủ các nội dung, quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để theo dõi, chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, NHTM trên địa bàn để tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Thực hiện kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo quy định; Xử lý kịp thời các trường hợp thực hiện không nghiêm, không đúng quy định, trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Với các ngân hàng thương mại, Thống đốc cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc các NHTM nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó công tác tín dụng cần gắn với triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Khẩn trương ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, gửi NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đào tạo các đơn vị, bộ phận, cán bộ có nhiệm vụ thực hiện chính sách để thống nhất triển khai có hiệu quả trong toàn hệ thống.

Chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng.

Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.

Cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN.

Mặt khác, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất. Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với NHNN, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách.

Áp lực tăng lãi suất ngân hàng dồn về cuối năm

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm nay tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Trong khi đó, các ngân hàng sắp phải thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN. Trước lộ trình tăng tiếp lãi suất USD của Fed, buộc các nhà băng từng bước điều chỉnh tăng lãi suất huy động và dự báo còn tăng trong thời gian tới.

Lạm phát đã leo thang trong 2 năm qua. HSBC đưa ra dự báo, lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5%, thấp hơn mức trần 4% đặt ra, song áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022.

Dựa vào các dự báo, HSBC cho rằng, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nền kinh tế có độ trễ, hiện nay giá cả đang tăng lên, xăng dầu cũng mới chỉ tác động vòng 1, còn vòng 2, vòng 3 sẽ là tác động vào lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Điều này đè nặng sức ép lạm phát những tháng cuối năm.

Thực tế cho thấy, áp lực lạm phát đang tác động lên mặt bằng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,1-0,7% trong nửa đầu năm nay và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2022. Cùng với lạm phát, theo giới phân tích, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN và kỳ vọng nới room tín dụng khiến lãi suất tăng. Các ngân hàng liên tục tăng tốc trên đường đua lãi suất huy động. Đến đầu tháng 8/2022, mức lãi suất trên 7,55% đã xuất hiện tại không ít ngân hàng.

Đáng chú ý, các ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và Agribank cũng vào cuộc đua tăng 10 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường là 7,55% thuộc về SCB. Còn tại Nam A Bank, mức cao nhất là 7,4% thuộc về kỳ hạn tiền gửi từ 16 đến 36 tháng.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lý giải việc lãi suất huy động tăng nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp NHNN nới room tín dụng vào cuối năm nay. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4%, nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp, nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản.

Mặc dù không quá lo ngại cuộc đua tăng lãi suất huy động quá nóng, nhưng áp lực điều chỉnh lãi suất cho vay là có. NHNN đặt mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất hoặc có thể giảm lãi vay 0,5-1%/năm, nhưng giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện tại là rất khó.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng khó tránh được mặt bằng lãi suất đi lên, kể cả với lãi suất cho vay ra. Thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%, hạn mức 40.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, NHNN nên cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn, thay vì chờ đến quý IV/2022, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay đảm bảo ở mức 14-15% là phù hợp. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản, đồng thời kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, việc xác định tăng trưởng tín dụng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới, NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để đạt những mục tiêu đề ra.

Đánh đổi lãi suất, tín dụng để “ghìm cương” tỷ giá?

Không phải ngẫu nhiên, lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng vọt thời gian qua, bất chấp thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào và room tín dụng vẫn chưa được nới.

Hơn một tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạ tần suất bơm tiền ra thị trường. Có vẻ như, chiêu bài tăng lãi suất để ghìm tỷ giá trước đó của NHNN đã phát huy tác dụng.

Trước đó, cuối tháng 7/2022, NHNN bất ngờ nâng mạnh lãi suất đấu thầu trên thị trường mở, kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vọt tăng, có lúc lên tới trên 5%/năm ngay trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tuần qua, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ giá tăng nóng thời gian qua là do tác động của việc Fed tăng lãi suất. Tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng ngược lại cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát. Do đó, NHNN phải nâng lãi suất để ghìm tỷ giá.

Mặc dù Quốc hội yêu cầu NHNN năm nay tiếp tục phải giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, song trước áp lực nhập khẩu lạm phát lớn như hiện nay, NHNN buộc phải chấp nhận hy sinh lãi suất để ghìm tỷ giá.

Việc phá giá VND mạnh hơn có thể hỗ trợ xuất khẩu, nhưng do cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu rất lớn, vì vậy, tỷ giá tăng chưa chắc đã mang lại lợi ích lớn cho xuất khẩu, trong khi đó có thể gây bất ổn vĩ mô.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho hay, chỉ số giá sản xuất ở Việt Nam đã tăng 5-6%, do giá nhập khẩu (chủ yếu nguyên liệu sản xuất) tăng mạnh hơn giá xuất khẩu. Điều này đang gây bất lợi cho nền kinh tế. Đây cũng là lý do khiến NHNN phải nỗ lực bình ổn tỷ giá.

Theo ông Thành, lãi suất luôn là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, bảo vệ giá trị đồng nội tệ của mọi quốc gia. Mỗi khi lạm phát cao, tỷ giá chịu áp lực, ngân hàng trung ương các nước đều phải nâng lãi suất nội tệ. Tại Việt Nam, NHNN cũng phải điều hành lãi suất tương quan với diễn biến lạm phát, tỷ giá, đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn giữ USD.

Tỷ giá đã phần nào hạ nhiệt sau các động thái của NHNN, song theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, áp lực vẫn tương đối cao khi thị trường chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed thời gian tới. Cuối năm nay, lãi suất USD có thể đạt tới 3,5-3,75%/năm, lãi suất VND trên kênh liên ngân hàng dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao hơn nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Ông Trần Ngọc Báu, nhà sáng lập, kiêm giám đốc điều hành WiGroup nhận định, thời gian qua, NHNN đã phải nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, chưa nới room tín dụng, bán USD để hút tiền về… Điều đó cho thấy, NHNN đang “đau đầu” và chọn lựa ưu tiên ổn định tỷ giá. Từ tháng 9/2022 trở đi, áp lực lạm phát sẽ rất cao và NHNN có thể vẫn phải neo lãi suất cao ở thị trường liên ngân hàng để ghìm giữ tỷ giá.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức kỷ lục, song theo chuyên gia này, mức dự trữ ngoại hối hiện nay chưa đủ để NHNN duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ, mà vẫn phải phụ thuộc vào động thái của Fed thời gian tới.

Tuy vậy, ông Báu cho rằng, lãi suất của Fed đạt đỉnh năm 2022, sau đó giảm dần vì lạm phát Mỹ sẽ hạ nhiệt. Do đó, từ cuối quý IV/2022 và sang năm 2023, khi áp lực với tỷ giá giảm dần, NHNN có thể nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, song các doanh nghiệp nhập khẩu lại kêu khó nếu VND phá giá. Trên thực tế, có thời điểm trước khi giảm giá VND 9,2%, nhiều doanh nghiệp phải phân bổ điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN đã điều hành khá tốt chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay và nên giữ nguyên chính sách điều hành như hiện tại ít nhất đến hết quý III/2022. Sau 9 tháng, khi bức tranh về tỷ giá, lạm phát, động thái của Fed rõ ràng hơn, NHNN có thể đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ trong quý IV/2022.

Tin bài liên quan