Ảnh: Bình Minh.

Ảnh: Bình Minh.

Ngành bán lẻ, lợi nhuận các nhà phân phối hàng xa xỉ tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Savills, đến quý IV/2023, lợi nhuận của các nhà phân phối hàng xa xỉ của Việt Nam đạt 3,8 nghìn tỷ đồng (156,6 triệu USD), tăng 270% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam đạt 957 triệu USD, với tăng trưởng hàng năm được dự báo ở mức 3,2% đến năm 2028.

Savills cho hay, thời trang là phân khúc lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến đạt 298,6 triệu USD vào năm 2024. Tuy nhiên, không gian bán lẻ phù hợp cho các thương hiệu cao cấp đang khan hiếm và nguồn cầu đang vượt quá nguồn cung.

Nguồn cung bán lẻ cao cấp từ nay đến 2025 sẽ chủ yếu đến từ các dự án như The Grand Hà Nội, Fairmont Hotel, và Four Seasons. Một số dự án cũng sẽ được cải tạo và tái định vị thương hiệu để phục vụ bán lẻ cao cấp, trong đó có Opera Business Center (Lý Thái Tổ), MGallery (Hotel de L’opera) và Waldorf (hiện là Khách sạn Hilton).

Trong đó tại Hà Nội, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đến quý IV/2023 đạt 1,78 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 3% theo năm nhờ sự gia nhập của Lotte Mall West Lake.

Tăng trưởng nguồn cung đạt trung bình 2% trong năm năm vừa qua. Các trung tâm mua sắm chiếm 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,1 triệu m2, trong khi khối đế thương mại chiếm 17% và trung tâm bách hóa chiếm 3%. Kể từ năm 2019, nguồn cung cửa hàng bách hóa vẫn giữ ở mức ổn định, trong khi trung tâm mua sắm tăng 2% mỗi năm. Khối đế bán lẻ có mức tăng trưởng cao nhất trung bình 7%/năm.

Về giá thuê, đến quý IV/2023, giá thuê gộp tầng trệt tăng 3% theo quý và 15% theo năm, lên 1.169.000 VNĐ/m²/tháng. Giá thuê tầng trệt tại khu trung tâm đạt 3,2 triệu VNĐ/m²/tháng, cao hơn 79% so với các khu vực ngoài trung tâm nơi giá thuê chỉ đạt mức 1,1 triệu VNĐ/m²/tháng. Các dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu và lưu lượng khách cao như Lotte Center Hà Nội có giá thuê gia tăng có thể lên tới 14%.

Bên cạnh đó, công suất thuê tăng 2 điểm % theo quý nhưng giảm 3 điểm % theo năm xuống còn 88%. Khối đế bán lẻ tăng cao nhất 4 điểm %, theo sau là trung tâm mua sắm với mức tăng 2 điểm %. Khu vực “khác” có diện tích cho thuê thêm lớn nhất 8.400 m2. Trung tâm mua sắm có diện tích cho thuê thêm lớn nhất, đồng thời chiếm tỷ trọng cao nhất.

Theo Savills, từ năm 2024 đến năm 2026, bốn trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ sẽ cung cấp thêm 250.000 m2 . Phía Tây sẽ có nguồn cung lớn nhất 145.500 m2, theo sau là khu vực nội thành và khu vực “khác”. Trung tâm mua sắm sẽ chiếm 67% thị phần nguồn cung tương lai và khối đế bán lẻ sẽ chiếm 33%. Các dự án nổi bật bao gồm The Linc @ Park City, Tiến Bộ Plaza và E-mart. Các trung tâm mua sắm hiện đại đang thu hút khách hàng nhờ các trải nghiệm giải trí, ăn uống và mua sắm tích hợp, đồng thời đang rời xa các mô hình thuần mua sắm truyền thống.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, nguồn cầu từ các thương hiệu mới sẽ được đáp ứng bởi các trung tâm thương mại chất lượng cao đi vào hoạt động trong giai đoạn 2024 đến 2026. Các diện tích bán lẻ khối đế văn phòng và nhà phố thương mại có thể buộc phải giảm giá thuê.

Tin bài liên quan