Thị trường bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương và cuộc đua gia tăng trải nghiệm

Thị trường bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương và cuộc đua gia tăng trải nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường năm nay chứng kiến hàng loạt ý tưởng cửa hàng mới được mở ra, tập trung chủ yếu mang lại những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng - điều mà mua sắm trực tuyến không thực hiện được.

Quân cờ của nhà bán lẻ

Theo Savills, thị trường bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra cuộc đua gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Ông Simon Smith, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết, thị trường Bán lẻ ở châu Á - Thái Bình Dương luôn đề cao yếu tố “trải nghiệm”, đơn cử như việc các trung tâm mua sắm có truyền thống lựa chọn các ngành hàng luôn dẫn đầu trong thị trường bán lẻ như ăn uống và giải trí để mang lại trải nghiệm cho khách hàng. Một khi các nhà bán lẻ và chủ sở hữu thích ứng với môi trường bán lẻ đa kênh, thị trường có thể sẽ có nhiều cơ hội đổi mới hơn”.

Bán lẻ trải nghiệm nhằm mục đích cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thực tế và các dịch vụ mà kênh trực tuyến không thể đem lại. Các sản phẩm được đặt theo yêu cầu và cá nhân hóa là ví dụ điển hình của loại hình này, hoặc là sự kết hợp giữa bán lẻ, ăn uống và giải trí như toàn bộ tòa nhà mang lại trải nghiệm ở một số nơi.

Mô hình này có thể thấy tại tòa Tokyu Kabukicho cao 47 tầng ở Tokyo, tòa tháp có hai khách sạn nằm trên các khối bán lẻ - nơi có các tiện ích như rạp chiếu phim và các khu vui chơi giải trí đa dạng.

Khu tích hợp giữa trò chơi điện tử, máy đồ chơi “gachapon” và quầy bar phục vụ cocktail của hãng điện tử Namco tại tòa Kabukicho, Tokyo.
Khu tích hợp giữa trò chơi điện tử, máy đồ chơi “gachapon” và quầy bar phục vụ cocktail của hãng điện tử Namco tại tòa Kabukicho, Tokyo.

Ông Tetsuya Kaneko, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Nhật Bản cho biết, sự phát triển của mô hình bán lẻ này là khởi đầu cho sự gia tăng của các cửa hàng bán lẻ tập trung hơn vào trải nghiệm của khách hàng - yếu tố mà phương thức trực tuyến không thể sánh được. Nhiều khu mua sắm có thể sẽ mở thêm nhiều cửa hàng hơn để thúc đẩy khái niệm trải nghiệm trực tiếp.

Tại Việt Nam, TP.HCM là khu vực dẫn đầu với các mô hình hoạt động bán lẻ thú vị. Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM, khi thị trường ngày càng bão hòa với hoạt động mua sắm trực tuyến và sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng, việc cung cấp những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn đã trở thành chìa khóa để nổi bật và phát triển. Trải nghiệm cá nhân hóa và tích cực thúc đẩy kết nối khách hàng mạnh mẽ hơn, từ đó tăng cường ủng hộ thương hiệu và quay lại nhiều lần.

Những dấu ấn trải nghiệm của khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023

Ở Việt Nam, Uniqlo trong năm vừa qua khá thành công với "Click & Collect" và "self-checkout", giúp khách hàng cảm thấy mới mẻ, tự do và sáng tạo trong không gian mua sắm. Nhà bán lẻ Muji cũng triển khai chương trình “Muji Passport”.

Nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tổ chức các workshop, lễ hội âm nhạc, triển lãm… tại các trung tâm thương mại cao cấp để tăng cơ hội kết nối với khách hàng, gia tăng dấu ấn thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Ngay cả những thương hiệu F&B vừa và nhỏ trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng. Ví dụ, tháng 12/2023, chuỗi cà phê Phê-la đã mở cửa hàng flagship để khách hàng trải nghiệm quy trình pha chế thủ công và triển lãm về trà tại Xuân Thủy, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Ở Tháp Kabukicho, hãng trò chơi điện tử Namco đã mở một khu tích hợp giữa trò chơi điện tử, máy đồ chơi “gachapon” và quầy bar phục vụ cocktail. Cửa hàng cũng cung cấp các buổi biểu diễn AI DJ với các nhân vật ảo được yêu thích như Pacman.

Đầu năm nay, thương hiệu bán lẻ Muji của Nhật Bản đã mở một cửa hàng mới theo chủ đề trang trại ở Thượng Hải. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe, cửa hàng cung cấp thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc địa phương và mang trải nghiệm ăn từ trang trại đến bàn ăn cho khách hàng, đồng thời bán nhiều mặt hàng đồ gia dụng của Muji.

Dù cho rằng nền tảng trực tuyến sẽ chấm dứt các đại lý du lịch truyền thống, Luxury Escapes đã đi ngược lại xu hướng này bằng cách mở một cửa hàng ở Melbourne, Úc. Đại lý được lấy cảm hứng rằng “lập kế hoạch và đặt chỗ cho chuyến du lịch cũng quan trọng như chính chuyến đi”. Nơi đây cũng cung cấp cà phê và rượu sâm panh song song với các lời khuyên khi du lịch cũng như cho việc đặt chỗ.

Đơn vị tư vấn đầu tư Trung Quốc Futu Securities đã mở một cửa hàng trên đường Nathan, một trong những khu phố mua sắm sầm uất nhất Hong Kong (Trung Quốc). Rộng tới hơn 370 m2, cửa hàng đóng vai trò là trung tâm để các nhà đầu tư tương tác và tìm hiểu về thế giới tài chính đi kèm với khu trưng bày công nghệ và sản phẩm của Futu.

Nhà sản xuất ô tô hạng sang Bentley đã khai trương Bentley Cube tại Seoul vào đầu năm nay, mang đến dịch vụ vận hành và trải nghiệm theo nhu cầu và cá nhân hóa cho khách hàng Hàn Quốc. Đây là ý tưởng cửa hàng đầu tiên của Bentley và được kỳ vọng là hình mẫu cho việc mở rộng quy mô cửa hàng này trên toàn thế giới trong tương lai.

Tin bài liên quan