Ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm giúp thị trường thoát hiểm

Ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm giúp thị trường thoát hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thêm một lần ngưỡng điểm hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm giúp nhà đầu tư bình tĩnh hơn đặt lệnh mua trở lại, dù phần lớn chỉ ở mức độ thăm dò, nhưng cũng đủ giúp trạng thái thị trường cân bằng hơn.

Sau phiên sáng nhận hỗ trợ từ ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường đã tiếp đà hồi phục và có lúc đã trở lại trên tham chiếu.

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn chực chờ và mức độ phân hóa cao trên bảng điện tử, cũng như sức ép ở một số bluechip chưa dứt khiến VN-Index thêm một lần bị đẩy ngược về gần 1.200 điểm. Nhưng thêm một lần nữa, ngưỡng điểm quan trọng này lại hỗ trợ chỉ số hồi phục và đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, sàn HOSE có 255 mã tăng và 244 mã giảm, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%), xuống 1.211,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, giá trị 23.341,5 tỷ đồng, tăng hơn 18% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 123,7 triệu đơn vị, giá trị 3.180,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC gây sức ép chính với chỉ số, khi giảm 2,5% xuống 51.700 đồng. Theo sau là SAB -2,2% xuống 79.000 đồng. Các mã ngân hàng TCB, ACB, MBB, VCB, VPB, BID mất từ 0,6% đến 1,2%.

Ở chiều ngược lại, tích cực nhất là STB khi +2,2% lên 33.300 đồng và HPG +2% lên 28.100 đồng. Các sắc xanh khác còn tại FPT +1,6% lên 98.400 đồng, SSI +1,4% lên 36.200 đồng, còn VJC, GAS, VHM, MWG, MSN, GVR chỉ tăng nhẹ.

Thanh khoản cao nhất nhóm VN30 là STB với hơn 33,6 triệu đơn vị khớp lệnh, SHB và HPG khớp 25,8 triệu và 21 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, phần lớn chỉ biến động nhẹ, nhưng một số vượt lên với các cổ phiếu ngành thép HSG +5,5% lên 23.000 đồng, khớp 18,3 triệu đơn vị, NKG +5,3% lên 22.700 đồng, khớp 14,7 triệu đơn vị, SMC +3,8% lên 12.400 đồng.

Một vài mã ngành xây dựng, máy công trình nổi trội với PC1 tăng trần +7% lên 32.300 đồng, khớp được hơn 7,2 triệu đơn vị, tương tự là NO1 +6,9% lên 9.909 đồng, CTR +5,6% lên 82.500 đồng…

Nhóm cổ phiếu vận tải, logictics là điểm sáng khác trong phiên này, với TCO tiếp tục giữ giá trần +6,9% lên 12.400 đồng, VOS +3,6% lên 12.850 đồng, PET +3% lên 29.350 đồng, HAH +2,7% lên 38.400 đồng...

Một số cổ phiếu hóa chất cũng có được mức tăng khá như CSV +3,5% lên 38.900 đồng, DCM +3,6% lên 34.900 đồng, DGC +4% lên 92.800 đồng…

Trái lại, một số cổ phiếu bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn có KPF, PTL, ST8 và FCN, với FCN khớp được hơn 14 triệu đơn vị, nhưng vẫn còn dư bán sàn hơn 0,8 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác phần lớn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với NVL -4,7% xuống 17.300 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 54,7 triệu đơn vị, OGC -4,7% xuống 6.770 đồng, EVG -4,4% xuống 6.470 đồng, CII -4% xuống 21.800 đồng, ITA -3,4% xuống 5.650 đồng, TDG -3% xuống 4.750 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có thời điểm tìm về được tham chiếu, trước khi bị đẩy ngược trở lại, nhưng mức giảm đã được hạn chế khá nhiều và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 86 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,1%), xuống 250,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,5 triệu đơn vị, giá trị 1.782,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,11 triệu đơn vị, giá trị 155,1 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nổi bật là CMS và SDT khi đều tăng trần lên 31.600 đồng và 4.700 đồng, khớp lần lượt 1,25 triệu và 0,84 triệu đơn vị.

Ở những cổ phiếu khác, sắc xanh vững chắc tại PVC, MBS, TAR, PVB, TNG, DTD, DVM, khi tăng từ 2% đến hơn 3%, khớp từ 0,47 triệu đến 3,28 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS, PVS, HUT, IDC, IDJ, APS chỉ tăng nhẹ, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có 20 triệu đơn vị.

Trong số những mã giảm, cổ phiếu CEO đáng chú ý, khi mất gần 5% xuống 25.100 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau SHS với 14,2 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên khi lực cung chững lại đáng kể.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 93,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,7 triệu đơn vị, giá trị 708,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,2 triệu đơn vị, giá trị 133,6 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và đa số biến động nhẹ về giá, như sắc xanh nhạt tại SBS, QNS, VTP, TVB, trong khi C4G, OIL, G36, TCI, ABW chỉ mất điểm không đáng kể, còn BSR, DDV, ABB, VHG, KVC đứng giá tham chiếu, thanh khoản kể trên thuộc top cao nhất sàn với 0,6 triệu đến gần 7,3 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu đáng chú ý là CEN +8,5% lên 7.700 đồng và NAB +7% lên 15.200 đồng, khớp 1,3 triệu và 1,12 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2309 sẽ đáo hạn vào thứ Năm tới đã về tham chiếu tại 1.222 điểm, khớp hơn 245.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, nhóm các mã thanh khoản tốt nhất khá tích cực, với CSTB2225 khớp lệnh cao nhất khi có 3,76 triệu đơn vị và tăng 6,4% lên 6.490 đồng/cq, mã CFPT2307 khớp 3,6 triệu đơn vị và tăng 8,4% lên 2.970 đồng/cq.

Tin bài liên quan