Trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại cho các DNBH trên thế giới hàng chục tỷ USD mỗi năm

Trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại cho các DNBH trên thế giới hàng chục tỷ USD mỗi năm

Nhận diện các chiêu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới

(ĐTCK-online) Trục lợi bảo hiểm là vấn đề không mới và không chỉ xảy ra với các công ty bảo hiểm Việt Nam. Mỗi năm, nó gây thiệt hại cho các DN bảo hiểm trên thế giới hàng tỷ USD và gián tiếp gây thiệt hại cho những người tham gia bảo hiểm "chân chính", do họ bị tính phí bảo hiểm cao lên.

Trục lợi từ giá trị xe tham gia bảo hiểm

 

Hình thức trục lợi này phổ biến đối với trường hợp khách hàng thế chấp tài sản tại ngân hàng. Đặc thù định giá tài sản tại các ngân hàng là luôn thấp hơn giá trị thực tế nhằm đảm bảo an toàn cho khoản vay và sau đó cho vay tối đa chỉ 70% giá trị tài sản thế chấp (ở đây là xe ô tô). Do vậy, người được bảo hiểm (chủ xe) khi tham gia bảo hiểm thường yêu cầu chỉ bảo hiểm bằng giá trị khoản vay và như vậy, số tiền bảo hiểm chỉ bằng một phần của giá trị tài sản thực tế. Khách hàng vay vốn luôn có xu hướng tiết kiệm chi phí bảo hiểm và lý luận rằng, vay bao nhiêu thì sẽ chỉ bảo hiểm giá trị đó.

 

Trong khi khai thác sản phẩm, hình thức bảo hiểm này có thể được chấp nhận với điều kiện đã có giá trị thực của xe cơ giới được đánh giá theo giá thị trường. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra. Trong trường hợp khách hàng bị từ chối bồi thường theo giá trị thay thế thực tế (vì giá trị tham gia bảo hiểm đúng là dưới giá trị do công tác định giá của ngân hàng), sẽ có phản ứng tiêu cực. Trong một số trường hợp, công ty bảo hiểm đã phải chấp nhận bồi thường theo chi phí thay thế thực tế và như vậy, đã gián tiếp bị trục lợi bảo hiểm vì phí bảo hiểm không đủ gánh rủi ro.

 

Trục lợi với số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị thực tế

 

Một trường hợp khác của khoản vay theo giá trị tài sản thế chấp là người được bảo hiểm câu kết với cán bộ thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị tài sản lên để có thể vay được nhiều tiền hơn. Nếu công ty bảo hiểm chấp nhận giá trị bảo hiểm đó thì có lợi là phí bảo hiểm có thể lớn hơn thực tế. Đồng thời, nếu với tổn thất bộ phận, việc giải quyết bồi thường sẽ hoàn toàn bình thường, không có vướng mắc gì, nhưng nếu có tổn thất toàn bộ, việc tranh cãi chắc chắn xảy ra.

 

Trong quy tắc bảo hiểm có ghi rõ, việc bồi thường có thể bằng tiền hay bằng tài sản thay thế, nhưng thực tế sẽ không dễ dàng như vậy. Khi lòng tham gặp điều kiện và xu hướng của khách hàng là luôn đòi hỏi số tiền bồi thường lớn nhất có thể, nên khách hàng sẽ đòi bồi thường theo giá trị ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Thêm vào đó, cán bộ thẩm định cũng chấp nhận giá trị cao như đã xác định để che dấu việc định giá vượt giá trị thực trước đó. Và như vậy, công ty bảo hiểm đã gián tiếp bị trục lợi, chấp nhận bồi thường lớn hơn giá trị thực tế của tài sản tham gia bảo hiểm. Nếu chỉ có vậy thì còn tương đối dễ giải quyết, tệ hơn nữa là trường hợp có sự tiếp tay của cán bộ bảo hiểm. Khi đó, việc chứng minh công ty bảo hiểm đã thực hiện hết nhiệm vụ của mình như luật pháp quy định khá nan giải.

 

Trục lợi giá trị ghi trên hóa đơn mua bán

 

Việc mua bán xe ôtô là hoàn toàn bình thường trong giai đoạn hiện nay, việc chuyển tài sản từ người này sang người khác hoặc từ tổ chức sang tư nhân và ngược lại cũng vậy. Tuy nhiên, qua việc cấp hóa đơn GTGT khi có mua bán chuyển nhượng, các công ty bảo hiểm cũng có thể gặp rủi ro. Ví dụ: khi tổ chức bán cho tư nhân, sẽ có xu hướng ghi thấp hơn giá trị thực tế để có khoản chênh lệch, vì tư nhân không bị kiểm soát bởi dòng tiền qua ngân hàng, dẫn tới việc xuất trình hóa đơn giá trị cao làm cơ sở tham gia bảo hiểm, như trường hợp đã nói trên. Tuy nhiên, đặc thù của trường hợp này là nếu có chênh lệch về giá trị thì sự chênh lệch này không quá lớn (cả về giá trị tuyệt đối cũng như tỷ lệ phần trăm), vì vậy, nếu chẳng may có gây thiệt hại cho công ty bảo hiểm thì cũng không quá lớn.

 

Khi tư nhân bán cho tư nhân thì có xu hướng ghi thấp giá trị đi nhằm trốn thuế, đặc biệt là giấy tờ viết tay thì người mua - người bán có thể ghi bất cứ giá nào, dẫn tới việc định giá cho tài sản tham gia bảo hiểm sai lệch.

 

Việc tư nhân bán cho tổ chức ít khi xảy ra, tuy nhiên cũng có trường hợp hai bên thỏa thuận đẩy giá trên giấy tờ lên cao hơn thực tế nhằm chiếm đoạt số tiền chênh lệch, đặc biệt với các xe cơ giới mang tính chất đặc thù, chuyên dùng, không phổ biến tại thị trường, khó xác định được giá trị thực tế trung bình.

 

Để đối phó với tình trạng trục lợi bảo hiểm trên đây, một số công ty bảo hiểm đã thực hiện các biện pháp như: lập ngân hàng giá, giải thích với khách hàng về ích lợi của việc tham gia bảo hiểm đúng giá trị, tập huấn cho cán bộ khai thác để có biện pháp làm rõ giá trị thực tế của xe cơ giới tham gia bảo hiểm, ghi đúng giá trị thực tế trên giấy chứng nhận, hợp đồng bảo hiểm để tránh tranh cãi về sau…