Bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Dũng Minh

Nhận diện phân khúc bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, ông Matthew Bouw, CEO toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield cho biết, trong cuộc gặp gỡ của Cushman & Wakefield với 80 nhà đầu tư lớn 2 tháng trước, bất động sản Việt Nam là một chủ đề ưa thích và rất được quan tâm.

Trên bình diện toàn cầu, thị trường bất động sản đang có diễn biến nào đáng lưu ý, thưa ông?

Năm nay, thị trường bất động sản thế giới khởi đầu với nhiều thử thách. Chẳng hạn, lĩnh vực M&A bất động sản thương mại và một phần ở phân khúc cho thuê trải qua nhiều thăng trầm trong quý đầu năm và tính riêng ở Mỹ, tổng giá trị giao dịch đã giảm 50%, tỷ lệ này đã chạm mức có thể so sánh được với giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008.

Chắc hẳn trong bối cảnh “xấu chung” đó vẫn có những điểm sáng?

Đúng vậy, thật khó để dự đoán tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản toàn cầu lúc này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mảng bất động sản công nghiệp và hậu cần đang tích cực hơn các mảng khác nhờ sự phát triển của ngành giải trí trực tuyến, thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến... đang thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu, hậu cần chặng cuối và nhà kho. Do đó, bất động sản công nghiệp và logisitics có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh hơn trong tình hình kinh tế hiện nay.

Còn về Việt Nam, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá như thế nào?

Khoảng 2 tháng trước, tại trụ sở Cushman & Wakefield ở Singapore, chúng tôi đã tổ chức sự kiện chào đón 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới và phần lớn trong đó là nhà đầu tư châu Á. Tại sự kiện này, chúng tôi thăm dò ý kiến của các lãnh đạo tập đoàn về các thị trường đầu tư bất động sản ưa thích của họ và đa số gọi tên Nhật Bản, Úc và Việt Nam. Yếu tố giúp Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế là có dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu đang trên đà tăng trưởng và lĩnh vực sản xuất phát triển nhanh.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư tổ chức sẽ luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Tôi nhận thấy, môi trường pháp lý của Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn, cùng với đó là nhiều sáng kiến khác mà Chính phủ đang thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hoạt động đầu tư nói riêng, giúp Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản thương mại.

Ông Matthew Bouw, CEO toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield

Ông Matthew Bouw, CEO toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Cushman & Wakefield

Về phía khách thuê, thật thú vị khi thấy nhiều công ty đa quốc gia đã có mặt tại đây như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp... Đó là một dấu hiệu thực sự tích cực cho các nhà đầu tư tổ chức bởi khách thuê đi đâu, các nhà đầu tư tổ chức sẽ theo chân đến đó.

Vậy tại Việt Nam, đâu là phân khúc đang được nhà đầu tư nhắm tới, theo ông?

Bất động sản công nghiệp và hậu cần là loại tài sản được ưu tiên, cùng với đó là phân khúc văn phòng hạng A cho thuê. Bên cạnh đó, căn hộ chung cư hoặc nhà xây để cho thuê cũng là loại tài sản đang được tìm kiếm nhiều.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư luôn tìm đến những khu vực đang thể hiện sự tăng trưởng như chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Việt Nam có tất cả những yếu tố đó, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định, đó chính là động lực cho sự phát triển của tất cả các phân khúc bất động sản.

Việt Nam có câu nói “Trông người mà ngẫm đến ta”. Đặt trong tương quan với các thị trường khu vực, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở đâu?

Bất động sản công nghiệp và hậu cần là loại tài sản được ưu tiên, cùng với đó là phân khúc văn phòng hạng A cho thuê. Bên cạnh đó, căn hộ chung cư hoặc nhà xây để cho thuê cũng là loại tài sản đang được tìm kiếm nhiều.

Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa cách các nhà đầu tư tổ chức tiếp cận thị trường Ấn Độ và Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn đã gia nhập thị trường Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các nhà phát triển và doanh nghiệp địa phương.

Các thị trường mới nổi rất đa sắc thái và phức tạp, cho nên các nhà đầu tư nước ngoài cần thành lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp địa phương để hỗ trợ trong việc xin giấy phép, tìm nguồn nguyên liệu và tìm kiếm nhân tài. Đó là cách dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thị trường, do đó chúng ta cũng sẽ chứng kiến những mối quan hệ hợp tác tương tự diễn ra ở Việt Nam.

Trên thực tế, nguồn vốn từ các tổ chức đầu tư quốc tế đã thâm nhập và hoạt động sôi nổi ở nhiều thị trường lớn trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore… Ở Ấn Độ, mặc dù đã có một lượng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư tổ chức đang hoạt động tại đây, nhưng tổng giá trị đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn so với các thị trường lớn khác. Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Philippines là 2 trong những thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất.

Nhà đầu tư từ châu Á - Thái Bình Dương đang tìm kiếm gì ở những thị trường như Việt Nam?

Như chia sẻ ở trên, các nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm một nơi an toàn để bỏ vốn. Nếu cơ sở hạ tầng được thiết lập để cho phép đầu tư, bạn sẽ thấy sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Chúng ta sẵn có các động lực tăng trưởng và có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa nhờ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, tôi cho rằng, đây là thập kỷ của châu Á - Thái Bình Dương khi là nơi sinh sống của khoảng 50% dân số thế giới, cũng là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới tính theo GDP. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất và tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Đến năm 2029, dự báo 3 trong số 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nằm ở châu Á, đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tất cả những yếu tố này sẽ thúc đẩy nhu cầu lớn đối với tài sản bất động sản thương mại trên toàn khu vực.

Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư từ các quốc gia trong khu vực. Theo ông, chúng ta nên làm gì để duy trì sức hấp dẫn?

Việt Nam cần tiếp tục khẳng định là một điểm đến tuyệt vời để đầu tư với các quy định và tuân thủ phù hợp, nơi các nhà đầu tư có thể xin giấy phép và triển khai dự án một cách nhanh chóng, trong đó cơ hội sẽ đến với các lĩnh vực công nghiệp và hậu cần, sản xuất cao cấp và trung tâm dữ liệu.

Trong 2 năm qua, lượng dữ liệu được lưu trữ trên thế giới đã tăng gấp đôi. Với sự phát triển của trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và điện toán đám mây, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tập hợp các ngành công nghệ đang phát triển đó. Bằng cách duy trì các động lực tăng trưởng kèm theo các yếu tố hỗ trợ cần thiết để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng, Việt Nam không chỉ cải thiện được khả năng cạnh tranh trong khu vực, thậm chí còn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Quay trở lại “nét tương đồng” giữa Việt Nam - Ấn Độ, chúng ta có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của quốc gia này?

Sự phát triển của Việt Nam hiện tại khiến tôi liên tới tới Ấn Độ thời điểm 6-7 năm trước. Đây là một cường quốc kinh tế và hiện Cushman & Wakefield có hơn 4.000 nhân viên làm việc tại đây. Đất nước này liên tục cải thiện môi trường đầu tư để giúp cho hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn và thứ hạng của họ trên bảng chỉ số thuận lợi kinh doanh và chỉ số tham nhũng đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

Những sáng kiến cơ sở hạ tầng đó thực sự quan trọng đối với nhà đầu tư tổ chức và các tập đoàn đa quốc gia. Giờ đây, chúng ta đang thấy Việt Nam đang làm điều tương tự và coi đó là một ưu tiên. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam đang trưởng thành và những tín hiệu đó rất tích cực đối với các nhà đầu tư tổ chức đang muốn thâm nhập và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Tin bài liên quan