Nhu cầu vàng sẽ tăng trong những tháng tới

0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới - WGC.

Theo ông Andrew Naylor, vàng được xem là “hầm trú ẩn” trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế.

Ông Andrew Naylor.
Ông Andrew Naylor.

Lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá vàng, thưa ông?

Trong nửa đầu năm 2022, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tràn lan và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu. Dù giá đã giảm nhẹ từ mức rất cao trong quý I/2022, vàng vẫn là một trong những tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm nay.

Mặc dù đà tăng của vàng bị cản bởi lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Fed thời gian qua, song thực tế, vàng vẫn tăng giá sau mỗi lần lãi suất USD điều chỉnh. Thị trường vàng được cho là sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng.

Dự báo, năm 2022 là một cuộc chiến gay go của lãi suất và lạm phát. Lãi suất USD tăng có thể là một cơn gió thổi ngược đối với vàng, vì sẽ làm tăng chi phí cơ hội của khoản đầu tư vào vàng thỏi. Tuy nhiên, lạm phát lại có thể trở thành một ngọn gió xuôi với những người coi vàng là một mặt hàng phòng thủ tiềm năng để chống lại lạm phát.

Điều này sẽ tác động ra sao đến sức mua đối với vàng trong năm 2022?

Sau đợt phục hồi vào tháng 4/2022, giá vàng đã sụt giảm trong quý II/2022 khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang USD. Giá vàng giảm 6% trong quý đã tác động đến các quỹ ETF vàng. Tính chung, dòng vốn vào ròng của các quỹ ETF vàng trong nửa đầu năm nay lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021.

Mức sụt giảm trong quý II/2022 có thể tạo nên bầu không khí ảm đạm hơn cho các quỹ ETF vào nửa cuối năm 2022, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lãi suất USD tiếp tục được Fed điều chỉnh tăng. Nhu cầu vàng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 245 tấn trong quý II/2022. Đáng chú ý, nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng chống Covid-19.

Lũy kế nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 526 tấn. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong quý II/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Lũy kế, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm nay, phù hợp với kết quả khảo sát ngân hàng trung ương gần đây, trong đó 25% số người được hỏi cho biết, họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.

Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nên nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống.

Với thị trường vàng Việt Nam, ngược lại, dù giá vàng SJC cao hơn quốc tế hàng chục triệu đồng/lượng thì cầu vẫn tăng cao. Theo ông, giải pháp nào để giảm thiệt hại cho người tiêu dùng?

Nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021, lên 14 tấn trong quý II/2022, tương ứng tăng 11% theo số liệu của WGC. Nguyên nhân đến từ tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn lên 9,6 tấn; nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn.

Do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng rủi ro. Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước. Không chỉ có vàng miếng, vàng thỏi, nhu cầu trang sức vàng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, do giá vàng trong nước giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng với gói kích cầu 350.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) mà Chính phủ Việt Nam đề ra.

Kỳ vọng nhu cầu bán lẻ vàng sẽ tiếp tục phục hồi khi tăng trưởng kinh tế trở thành động lực lớn khiến người tiêu dùng quan tâm đến vàng nhiều hơn. Khi các nền kinh tế tiếp tục phục hồi và mở cửa, nhu cầu bán lẻ vàng được dự đoán có khả năng tăng. Lạm phát là điều người tiêu dùng luôn lo ngại và vàng đã được công nhận là tài sản giúp bảo vệ khỏi những lo ngại đó. Nghiên cứu của WGC thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 79% người Việt Nam tin rằng, vàng là biện pháp phòng hộ tốt nhất trước lạm phát và biến động tiền tệ. 81% người dùng đang cân nhắc mua vàng là minh chứng cho sức mua mạnh mẽ của Việt Nam.

Có một số yếu tố cần được xem xét: thị trường vàng là thị trường mang tính toàn cầu, nhưng các chuỗi cung ứng địa phương và các kích cỡ thanh vàng khác nhau có thể tạo ra chênh lệch giá giữa các thị trường. Vì thế, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng để có giá tốt nhất.

Nhu cầu trang sức vàng của thị trường Việt Nam tăng mạnh trở lại sau Covid-19. Ông đánh giá ra sao về triển vọng của vàng nữ trang tại thị trường này?

Đồ trang sức bằng vàng chiếm khoảng 33% nhu cầu hàng năm về vàng trên toàn thế giới và nó thường được xem như một khoản đầu tư. Dù có thể phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, trang sức vàng thường được mua với động cơ tài chính. Chúng tôi kỳ vọng, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn nằm ở mức cao trong bối cảnh các nền kinh tế tiếp tục phục hồi và mở cửa.

Theo nghiên cứu thị trường của WGC, vàng trang sức là khoản đầu tư được sở hữu nhiều thứ ba tại Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vàng trang sức với vị thế như một tài sản tài chính và vai trò của nó trong nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan