Đến năm 2030, tổng giá trị thị trường tài chính nhúng có thể đạt 7,2 nghìn tỷ USD, vượt qua giá trị hiện tại của tất cả các công ty khởi nghiệp và top 30 ngân hàng toàn cầu cộng lại.

Đến năm 2030, tổng giá trị thị trường tài chính nhúng có thể đạt 7,2 nghìn tỷ USD, vượt qua giá trị hiện tại của tất cả các công ty khởi nghiệp và top 30 ngân hàng toàn cầu cộng lại.

“Nhúng” dịch vụ tài chính vào hoạt động kinh doanh lõi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng chuyển đổi số đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% đến năm 2025. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có những “khoảng trống” tài chính…

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây.

“Khoảng trống” tài chính

Anh Nguyễn Viết Một, nhân viên bảo vệ của một homestay ở Cẩm An, Hội An, Quảng Nam, cho biết, mặc dù du lịch cũng bắt đầu khởi sắc lại nhưng chi phí sinh hoạt lại tăng cao nên cũng không tránh khỏi có lúc thiếu trước hụt sau.

“Mượn tiền đồng nghiệp, bạn bè thì cũng chỉ một vài lần chứ không thể mãi được, nhưng đi vay ở công ty tài chính hay ngân hàng là bất khả thi do mình thường vay ít và vay gấp. Do đó, đôi khi tặc lưỡi vay nhanh với lãi suất cao của chủ cửa hàng cạnh homestay cho được việc”, anh Một nói.

Câu chuyện của anh Một không phải là trường hợp cá biệt. Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho biết, một bộ phận lớn người lao động (82,4%) phải đi vay tiền để chi tiêu. Cụ thể, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 - 4 tháng/lần) phải đi vay; 35,6% người lao động phải vay tiền từ 1-2 lần/năm và chỉ có 17,7% người lao động cho biết chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

Trong khi đó, đa số công ty tài chính tập trung phân khúc vay 3 - 12 tháng và ngân hàng thì ưu tiên khoản vay trên 12 tháng. Điều này đã làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn an toàn của người lao động khi cần ngay một khoản tiền nhỏ và bắt buộc phải tìm đến các giải pháp vay nhanh, không chính thống, thậm chí là các kênh “tín dụng đen”… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây cũng là một “khoảng trống” trong việc tiếp cận tài chính của người dân mà các ngân hàng truyền thống đã để lại.

Để giải quyết các nhu cầu vay nhỏ lẻ, giải ngân nhanh và ngắn hạn như câu chuyện ở trên, một giải pháp của thời kỳ công nghệ 4.0 đã được ra đời. Một ví dụ là ngân hàng số Cake by VPBank hợp tác cùng VNPT-Media và công ty Be Earning triển khai, vận hành dịch vụ ứng lương đến hơn 30 triệu thuê bao Vinaphone. Theo đó, người lao động là thuê bao Vinaphone có thể sử dụng ứng dụng VNPT Money để đăng ký nhận ứng tiền 2 - 3 triệu đồng từ ngân hàng số Cake và hoàn ứng trong vòng 7 - 30 ngày. Đặc biệt, mức phí và lãi suất của khoản ứng lương chỉ từ 8%/năm.

“Khoảng trống” trong việc tiếp cận tài chính của người dân mà các ngân hàng truyền thống đã để lại sắp được lấp đầy.

“Khoảng trống” trong việc tiếp cận tài chính của người dân mà các ngân hàng truyền thống đã để lại sắp được lấp đầy.

“Ngân hàng phát triển công nghệ lõi linh hoạt hơn, hay kết hợp với fintech để cùng khai thác cơ hội, tạo ra giá trị cho khách hàng và giải quyết bài toán tài chính toàn diện cho một quốc gia, giúp cho mọi người dân Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính nhanh nhất với chi phí thấp hơn và tạo sân chơi đa dạng hơn", ông Nguyễn Hữu Quang, CEO ngân hàng số Cake by VP Bank cho biết.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, các ngân hàng truyền thống giờ không chỉ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các Fintech, Bigtech mà cả thế giới “tài chính nhúng” đến từ các nhà bán lẻ. Theo đó, tận dụng dữ liệu khách hàng sẵn có, các nhà bán lẻ cũng đầu tư công nghệ, “nhúng” các dịch vụ tài chính vào hoạt động lõi, mang lại một dòng thu nhập mới cho doanh nghiệp.

“Hoạt động này không mới trên thế giới nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam 2 - 3 trở lại đây”, ông Nghĩa nói.

Có thể nhận diện thêm các hoạt động này tại Việt Nam qua các ví dụ VinID của Vingroup, siêu thị điện máy Thế giới di động, siêu thị Điện máy xanh… Các nhà bán lẻ này đã phát triển dịch vụ cho vay tại điểm bán hàng; hay dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, internet, truyền hình cáp, viện phí, bảo hiểm… trên ứng dụng để phục vụ chính tập khách hàng của mình.

TS. Nghĩa nói: “Các nền tảng kỹ thuật số đang ở một vị trí độc nhất để phục vụ khách hàng tốt hơn bao giờ hết và theo những cách mà các tổ chức tài chính truyền thống không làm được”.

Quan trọng là lắp ráp và sắp xếp

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa: “Thực tế có một bộ phận doanh nghiệp nhiều tiền quá và muốn sinh lời hơn trên số tiền đang có nên đã đầu tư nhiều vào mảng thanh toán, sau đó bắt đầu lấn dần sang các dịch vụ tài chính khác là bảo hiểm, vay vốn và đầu tư sinh lợi. Những dịch vụ này được gọi tên chung là “dịch vụ tài chính kỹ thuật số”, hiện đang tăng trưởng rất mạnh mẽ trong vài năm gần đây, đặc biệt còn được thúc đẩy nhanh hơn vì dịch đại dịch Covid-19”.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho biết, xu hướng tài chính nhúng và ngân hàng như một dịch vụ (BaaS) sẽ định hình lại đáng kể cách khách hàng tương tác với các dịch vụ tài chính. Công nghệ sẽ thúc đẩy sự thay đổi này với yêu cầu chính là nền tảng ngân hàng lõi cần trở nên linh hoạt.

“Mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc của ngân hàng đang trở nên mở hơn khi các ngân hàng nắm được hệ sinh thái của các đối tác mới nổi. Điều này đang được thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm các nguồn giá trị và doanh thu tốt hơn của ngân hàng”, ông Minh nói.

Ông Minh đưa ra 3 yếu tố chính thúc đẩy thị trường. Thứ nhất là lợi nhuận và thu nhập từ phí dịch vụ giảm. Thứ hai là do nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm/dịch vụ tài chính trong trải nghiệm trên các nền tảng phi dịch vụ tài chính. Và thứ ba là mong muốn chiến lược về tăng trưởng tự thân và các lợi thế chi phí về quy mô.

Cũng theo ông Minh, tài chính nhúng cho phép tiếp cận các sản phẩm/dịch vụ tài chính tại điểm cần trong suốt hành trình của khách hàng kỹ thuật số do một bên thứ ba phi ngân hàng thực hiện.

Báo cáo của Celent phát hành vào tháng 2 năm nay cho biết, tài chính nhúng được kích hoạt bởi BaaS, là cơ sở hạ tầng và hệ thống ngầm cung cấp sản phẩm và các chức năng của ngân hàng có thể kết hợp linh hoạt với nhau thông qua các API tới các bên thứ ba. Sau đó, những chức năng này có thể được lắp ráp và sắp xếp để cung cấp cho khách hàng các sản phẩm hiện có của ngân hàng, tạo ra các sản phẩm mới hoặc hợp tác với nhiều bên liên quan hơn.

Bên cạnh đó, tài chính nhúng sẽ thu hút khách hàng nhanh chóng và giúp tăng trưởng tiền gửi bằng cách cung cấp sản phẩm cho khách hàng bên thứ ba. Đây không chỉ là tăng trưởng khách hàng trong tập khách hàng đối tác phi tài chính, mà còn là một chiến lược thâm nhập thị trường. Doanh thu tăng thông qua việc chia sẻ doanh thu từ phí dịch vụ, tăng trưởng tiền gửi và phí thu được từ các dịch vụ cho phép truy cập và sử dụng dữ liệu.

Bằng chứng cho thấy, sự phát triển của tài chính nhúng trên thế giới là sự tăng trưởng mạnh của các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính nhúng và nền tảng BaaS, với mức tăng trưởng gấp 3 lần, đạt lần lượt là 3,1 và 3 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2021.

Chuyển đổi số để “bắt” đúng “nhịp”

Theo báo cáo của công ty Dealroom và Quỹ đầu tư mạo hiểm ABN AMRO (Ngân hàng ABN AMRO), đến năm 2030, tổng giá trị thị trường tài chính nhúng có thể đạt 7,2 nghìn tỷ USD, vượt qua giá trị hiện tại của tất cả các công ty khởi nghiệp và top 30 ngân hàng toàn cầu cộng lại.

Trong đó, 49% tương đương 3.500 tỷ USD là giá trị của tài chính nhúng trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử; 21% tương đương 1.500 tỷ USD là giá trị của các lĩnh vực bất động sản, di động, truyền thông, du lịch, giải trí, năng lượng, dược phẩm; 17% tương đương 1.200 tỷ USD là giá trị của thị trường chăm sóc sức khỏe; lĩnh vực giáo dục và viễn thông chiếm tương ứng 7% và 6% thị trường, tương đương 500 tỷ USD và 400 tỷ USD.

“Các nền tảng kỹ thuật số đang ở một vị trí độc nhất để phục vụ khách hàng tốt hơn bao giờ hết"

“Các nền tảng kỹ thuật số đang ở một vị trí độc nhất để phục vụ khách hàng tốt hơn bao giờ hết"

Một khảo sát khác của Mambu cho thấy hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi. Báo cáo ghi nhận 60% sinh viên thích vay trực tiếp từ cơ sở giáo dục hơn là vay qua ngân hàng; khoảng 81% người tiêu dùng quan tâm đến việc mua bảo hiểm sức khỏe thông qua một ứng dụng, và gần một nửa trong số này sẽ sẵn sàng trả thêm một mức phí cho khả năng truy cập trên thiết bị di động.

Theo TS Nghĩa, để “bắt” đúng “nhịp” của thị trường, thông qua việc hợp tác với các nền tảng kỹ thuật số, các tổ chức tài chính có thể tận dụng lượng lớn dữ liệu người tiêu dùng để thu hút khách hàng mới, hiểu rõ hơn về khách hàng hiện tại, điều chỉnh các sản phẩm tài chính cho phù hợp và lòng trung thành của khách hàng có thể được nâng cao.

Mọi việc cũng không hẳn đều thuận lợi. Chủ tịch một công ty tư vấn quốc tế tại Việt Nam cho biết, vấn đề mà các nền tảng ngân hàng lõi hiện gặp khó khăn trong việc cung cấp tài chính nhúng là tốn chi phí để thay đổi hoặc tạo sản phẩm mới. Công nghệ cũ hơn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp khả năng tổng hợp chi tiết cần thiết để nhúng các đề xuất sản phẩm mới vào các kênh của bên thứ ba.

Bên cạnh đó, các bên thứ ba sử dụng đòn bẩy tài chính nhúng sẽ yêu cầu tương tác dựa trên sự kiện thời gian thực với công nghệ lõi trong khi các hệ thống nguyên khối trước đây không thể xử lý hoặc hỗ trợ các yêu cầu này. Đặc biệt, đó là việc khó mở rộng quy mô bởi công nghệ lõi nguyên khối kế thừa có thể gặp khó khăn khi xử lý khách hàng hoặc giao dịch mới…

“Xác định được các rào cản bên cạnh cơ hội thị trường và xu hướng tất yếu, sẽ giúp ngân hàng phát triển thế mạnh, khắc phục điểm yếu để bước chân vào thị trường tài chính nhúng. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng cơ hội cạnh tranh và hợp tác với các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính nhúng tiềm năng và hứa hẹn”, vị Chủ tịch trên nói.

Tin bài liên quan