Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2

(ĐTCK) Cộng đồng khởi nghiệp và các quỹ đầu tư tư nhân, thậm chí là quỹ đầu tư của nhà nước, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đã có mặt hay đang ngấp nghé vào Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào một khởi điểm đột phá mở đường cho việc nâng đỡ, khuyến khích và nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo. 

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là bệ đỡ nền tảng cho hoạt động khởi nghiệp, dường như càng ngày càng trở nên xa vời và đi vào bế tắc!

Đỏ mắt chờ triển khai chương trình hỗ trợ quốc gia

Cho đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo lập doanh nghiệp với mục tiêu tương tự như hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN). Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có khá nhiều chương trình đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai.

Trong số này có chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện theo Quyết định 592 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2012.

Một số mục tiêu chính của chương trình nêu trên là hỗ trợ hình thành và phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thành lập 100 cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó tập trung chủ yếu tại các viện nghiên cứu, trường đại học; hỗ trợ 1.000 cá nhân, tổ chức, DN, các nhóm nghiên cứu mạnh được ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ tại các cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 5.000 lượt đối tượng thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ và các đối tượng có liên quan.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, chương trình này mới đang trong giai đoạn tuyển chọn và xét duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, nên chưa có kết quả thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể. Trong 2 năm 2012 - 2013, chương trình chỉ tập trung hướng dẫn thủ tục để công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ đối với những doanh nghiệp đã đủ điều kiện.

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2 ảnh 1

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Phát triển DN, ở Việt Nam hiện có khoảng 8 vuờn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ đang hoạt động gồm: Vườn ươm FPT, Vườn ươm Tinh Vân, Vườn ươm Phú Thọ, Vườn ươm CRC-Topica (tên cũ là Vườn ươm CRC), Vườn ươm Khu công nghệ cao Hòa lạc, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP. HCM, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội (HBI), Vườn ươm doanh nghiệp - Công viên phần mềm Quang Trung TP. HCM (SBI).

Hoạt động ươm tạo tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực như: công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, y tế; công nghệ tự động hoá, vi điện tử; công nghệ vật liệu mới; công nghệ chế biến, xử lý chất thải… Các vườn ươm này đã đạt được một số kết quả bước đầu về số lượng doanh nghiệp được ươm tạo như: HBI ươm tạo 5 doanh nghiệp và hỗ trợ trên 20 doanh nghiệp ngoài vuờn ươm, SBI ươm tạo 3 DN, Vườn ươm FPT ươm tạo 13 DN, CRC-Topica ươm tạo 16 DN...

Ðối với vườn ươm công nghệ và vườn ươm doanh nghiệp công nghệ theo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 tại Quyết định số 2457/QÐ-TTg, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phát triển khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, 80 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.

Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm kể từ khi Quyết định 2457/QÐ-TTg được ban hành, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy tiến độ triển khai chương trình rất chậm. Ðến cuối năm 2013, các hoạt động chủ yếu là ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở triển khai chương trình, chưa có hoạt động và kết quả cụ thể nào được ghi nhận. Có thể nói, tiến độ đưa các chương trình vào triển khai thực hiện quá chậm, làm giảm cơ hội tiếp cận hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Chính sách theo nhau… bế tắc?

Kết quả trên cũng cho thấy, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở tầm cỡ và quy mô quốc gia từ phía Nhà nước đã có, thể hiện sự quan tâm và nhận thức của Chính phủ về vai trò quan trọng của hoạt động này. Vậy nhưng, tại sao các chương trình hỗ trợ của Nhà nước phần lớn đều không triển khai được như mục tiêu đặt ra?

Một cán bộ nguyên là cấp Vụ trưởng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có thâm niên công tác 40 năm trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu vất vả trăm đường khi “xin” được vài trăm triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước trong diện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2 ảnh 2

 Ảnh minh họa: Internet

“DN phải có đủ tổng cộng 7 chữ ký theo quy định của Bộ Tài chính, bao gồm 6 chữ ký của các cấp từ dưới lên, cộng với chữ ký của Thứ trưởng, thì mới được cấp tiền hỗ trợ. Một doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nhiều lần cất công lặn lội từ Tây Nguyên ra đến ngoài này cho từng ấy chữ ký với thủ tục để được vài trăm triệu đồng hỗ trợ, thì thử hỏi doanh nghiệp nào còn đủ sức theo đuổi để nhận hỗ trợ”.

Theo vị cán bộ trên, Nghị định 119/1999/NĐ-CP ban hành năm 1999 của Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 120 “nhiệm vụ”, tất cả đều dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn được đánh giá là tiến bộ hơn Nghị định 56/2009/NĐ-CP ban hành năm 2009, nhưng giờ đây Nghị định 119 cũng đang “chết dần” vì cơ chế bất cập.

“DNNVV thiếu vốn và điều kiện tiếp cận vốn, song Bộ Tài chính quy định trong thông tư hướng dẫn, muốn được giải ngân thì doanh nghiệp phải tự bỏ tiền làm trước, sau đó mới thanh quyết toán. Giờ tôi là tư nhân đi nghiên cứu, yếu về mọi nguồn lực, mà phải bỏ tiền túi làm trước, trong khi nguồn tiền hỗ trợ phải sau ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm được xác nhận thanh quyết toán thì mới được cấp, thử hỏi doanh nghiệp nào dám cậy nhờ tới Nghị định 119 nữa”, vị cán bộ trên nói và bày tỏ nỗi buồn về sự “hấp hối” của một chính sách vốn rất tiến bộ khi việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa sang Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, song từ năm 2010 đến nay gần như “bất động” vì quy trình xác định thanh quyết toán cứng nhắc.

Cũng theo vị cán bộ này, ông rất kỳ vọng vào Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối quản lý mới đi vào hoạt động, song ông cũng tỏ ra lo ngại tính khả thi vận hành của quỹ này vì với hiện trạng hiện nay, phần tài trợ thì có tiền rồi, còn phần tiền cho vay bảo lãnh thế chấp, có chênh lệch lãi suất vẫn đang mắc chưa triển khai được do chưa có thông tư hướng dẫn từ Bộ Tài chính.

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2 ảnh 3

Ảnh minh họa: Internet 

Một quỹ hỗ trợ dành riêng cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng khác là Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối quản lý. Quỹ này ra đời đã được 3 năm, nhưng đến nay cũng trong tình trạng chưa giải ngân được.

Sự chậm trễ này một phần là do thời gian đầu chờ đợi xây dựng ban hành khung pháp lý hoạt động mất tới gần một năm rưỡi. Đến nay, tuy thông tư hướng dẫn về quy chế quản lý tài chính đã có, song vẫn đang chờ công bố mức lãi suất cho vay từ Bộ Tài chính nên chưa cho vay được.

Vướng mắc tồn tại dai dẳng chính là ở đây, xuất phát từ bất đồng quan điểm giữa hai Bộ về mức lãi suất cho vay. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với quan điểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn vay ở khả năng hợp lý, có thể trả nợ gốc và lãi vay trong khi vẫn duy trì được nguồn thu để phát triển đề xuất chỉ nên quy định mức lãi suất 7 - 7,5%/năm cho khoản vay dài hạn.

Còn Bộ Tài chính, trong thông báo mới đây nhất vẫn giữ mức lãi suất trên 8%/năm, một mức lãi cho vay được đánh giá là cao hơn cho vay lĩnh vực bất động sản, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tiếp cận. 

Cần khung pháp lý với chính sách đồng bộ cho khởi nghiệp

Quay trở lại câu chuyện khởi nghiệp, vấn đề đặt ra là trong điều kiện còn nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cần có hướng đi và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đúng với nhu cầu của họ nhất?

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, thực trạng trên cho thấy, cần phải luật hóa các hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tầm luật để tạo khung khổ pháp lý về chính sách hỗ trợ cũng như có cơ sở triển khai các hỗ trợ này một cách đồng bộ, thống nhất và thực sự có hiệu quả.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, việc xây dựng Luật cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mới có thể đáp ứng một cách đúng và trúng các nhu cầu cần hỗ trợ của khu vực kinh tế chiếm tới 97% nền kinh tế, trong đó có cộng đồng khởi nghiệp.

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 2 ảnh 4

Ảnh minh họa: Internet 

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, tuy đã có nhiều quỹ theo hình thức hỗ trợ khởi nghiệp của tư nhân và nước ngoài xuất hiện, song khung pháp lý cho lĩnh vực này hầu như chưa có, nên chủ yếu phải vận dụng Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định quản lý theo “kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia” dẫn tới nhiều bất cập do các văn bản này chưa định vị rõ mô hình trên là thế nào, điều kiện, cách thức quản lý, vận hành trách nhiệm ra sao…

Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, trước mắt, để tạo khung pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp, Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư có quy định, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng khung pháp lý hướng dẫn thành lập, quản lý, vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đề xuất, trong khi chưa có khung pháp lý thực sự cho hoạt động khởi nghiệp và việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, thì nên dành một phần cho đầu tư mạo hiểm trong Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, để hỗ trợ các dự án ý tưởng sáng tạo nằm trong định hướng ưu tiên nghiên cứu khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cần liên kết các quỹ đang nằm rải rác tại các bộ, ngành sử dụng ngân sách nhà nước để tích hợp mục tiêu chung, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp.    

Tin bài liên quan