Nợ xấu có chiều hướng tăng dù được tái cơ cấu

0:00 / 0:00
0:00
Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được tái cơ cấu, song chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng có chiều hướng xấu do thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp hạn chế đầu ra.
Nợ xấu có chiều hướng tăng dù được tái cơ cấu

Chất lượng tài sản đi xuống

Chất lượng nợ vay của BaoViet Bank đi lùi rõ rệt khi tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 ghi nhận 1,756 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất (gấp 2 lần) và chiếm 87% trong tổng nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay của ngân hàng này tăng từ mức 3,34% lên 4,69%.

ABBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 638 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là nợ xấu tăng dẫn tới Ngân hàng phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank được kiểm soát ở mức 2,86% tính đến cuối quý II/2023, song các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo.

PG Bank đã trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm nay. Tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2023 tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận hơn 839 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 66%, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% đầu năm lên 2,77%.

Nợ xấu của BacA Bank tăng 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316%, lên 175 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ 0,55% lên 0,7%. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacA Bank đạt 158% tại ngày 30/6/2023.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng sẽ đi xuống trước bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định. Tăng trưởng tín dụng của ngành từ đầu năm đến cuối tháng 6/2023 chỉ đạt 4,7%, trong khi mục tiêu cả năm từ 14%. Tình hình có vẻ không khả quan như mong muốn, lợi nhuận của nhà băng sẽ bị “ăn mòn” bởi dự phòng.

Nợ xấu sẽ tăng?

Chất lượng tài sản ngân hàng có xu hướng đi xuống, song theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản vay. Song hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Theo VCBS, vào cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9%, từ mức 1,6% cuối năm 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%, tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC ở mức 1,1%. VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo khó tăng cao hơn năm trước, nhưng rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, vì ngân hàng không mặn mà với việc giãn, hoãn nợ.

Tin bài liên quan