Việc kéo dài chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết

Việc kéo dài chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết

Nợ xấu được "làm mát"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ gia hạn hiệu lực thêm 6 tháng, tức đến hết năm 2024, song các ngân hàng vẫn lo ngại nợ xấu gia tăng.

“Làm mát” động cơ đang nóng

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc khơi thông dòng chảy tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02). Đặc biệt, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024.

“Đây là chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, theo như thế giới cảnh báo. Bởi vì chính sách này là giấu đi một số khoản nợ xấu, khiến nó âm ỉ”, ông Đào Minh Tú nói và cho biết thêm, đến hết năm 2024 sẽ đánh giá lại chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì nghiên cứu cơ chế khác hỗ trợ.

Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Nếu Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Thông tư 02 được gia hạn thời gian sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.500 tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 có thể có lợi trước mắt cho người đi vay và cả ngân hàng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) không được thể hiện một cách chính xác, vì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ thấp hơn thực tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM ví von, việc áp dụng Thông tư 02 giống như việc “làm mát” một động cơ đang quá nóng bằng cách tắt đồng hồ đo nhiệt độ. Điều này giúp chúng ta có cảm giác là động cơ không còn nóng nữa, vì không biết nhiệt độ là bao nhiêu, nhưng thực tế thì vẫn nóng và có thể ngày càng nóng hơn, do một phần nợ xấu được tạm được “che giấu” và khi Thông tư 02 hết hạn, nợ xấu sẽ bắt đầu lộ diện. Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Thông tư 02 được kỳ vọng giúp hạn chế nợ xấu nội bảng gia tăng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Lực đưa ra cảnh báo về rủi ro nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Mặc dù vậy, việc kéo dài hiệu lực của Thông tư 02 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Theo Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần FIDT, việc này sẽ giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiệu quả hơn, không ảnh hưởng đột biến đến kết quả kinh doanh do dư địa để các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu hiện tại không còn nhiều, đồng thời tập trung nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng nhằm ổn định chất lượng tài sản.

Nợ xấu có xu hướng tăng

Hệ thống ngân hàng có thể mất 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu.

Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính VIB Hồ Vân Long cho biết, do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu của Ngân hàng có xu hướng tăng từ 2,2% cuối năm 2023 lên 2,4% tính đến cuối tháng 3/2024. VIB sẽ cố gắng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% vào cuối năm 2024. Nợ cơ cấu của VIB xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ. Năm ngoái, Ngân hàng trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ đồng để xử lý rủi ro. Trong 3 tháng đầu năm nay, VIB đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro.

“Với thị trường bất động sản đang ‘ấm’ lên và có thêm giải pháp thu hồi nợ, chúng tôi kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro”, ông Long nói.

Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho hay, chất lượng nợ của Ngân hàng đang được kiểm soát, đương nhiên có khách hàng khó khăn từ thời kỳ dịch Covid-19, nhưng dư nợ này hiện không đáng kể, khoảng 3.000 tỷ đồng. Với lĩnh vực bất động sản, ACB không tập trung cho vay các nhà phát triển bất động sản, hiện dư nợ mảng này chiếm tỷ trọng dưới 2% và không có nợ xấu. Trong đó, cho vay người mua nhà chiếm 22% và nợ xấu thấp hơn mức chung. Về trái phiếu, ACB không đầu tư, hoạt động đầu tư trái phiếu ngắn hạn có ở công ty con ACBS, nhưng tỷ trọng không đáng kể. Vì thế, ACB có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, thấp hơn trung bình ngành. Mặc dù vậy, nợ nhóm 2 trở lên có thể chịu áp lực tăng, nếu khách hàng có khoản vay ở ngân hàng khác bị chuyển nhóm nợ thì ACB cũng sẽ chuyển nhóm nợ.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi bị trì hoãn ghi nhận nợ xấu thực tế, trong khi kinh tế hiện phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu.

Theo SSI, cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của nhóm ngân hàng mà Công ty nghiên cứu (các ngân hàng niêm yết) đều tăng so với cuối năm 2022, lên lần lượt là 1,68% và 1,99%; dư nợ tái cơ cấu tính đến cuối quý III/2023 tăng 0,8%. Với giả định dư nợ tái cơ cấu không thay đổi đáng kể trong quý IV/2023, các khoản vay có vấn đề này tương đương 4,48% tổng dư nợ.

Các chuyên gia phân tích của SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ 1,63% lên 1,68%), do dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay. Song các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ.

Nhìn lại năm 2023, SSI cho rằng, một số ngân hàng niêm yết công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế, nhờ tận dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn mức 5% (theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2023 là 4,55%). Hệ thống ngân hàng có thể mất 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... sẽ hồi phục sớm hơn.

Tin bài liên quan