Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có nguy cơ gia tăng trong nửa cuối năm 2022, do các khoản nợ tái cơ cấu đã hết thời gian ân hạn

Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có nguy cơ gia tăng trong nửa cuối năm 2022, do các khoản nợ tái cơ cấu đã hết thời gian ân hạn

Nợ xấu ngân hàng: Đối mặt và đối phó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nợ xấu ngân hàng tăng cao sau tháng 6/2022 là thực tế, nhưng để nợ xấu "hạ cánh mềm" cần có những giải pháp mạnh.

Nợ xấu có dấu hiệu tăng

Về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Quý I/2022, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp là 1,53%, nhưng các biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ được kết thúc vào cuối tháng 6/2022 có thể che giấu một số vấn đề về chất lượng tài sản. Nếu xác định nợ có vấn đề theo phạm vi rộng hơn, bao gồm cả nợ đã được tái cơ cấu, thì tỷ lệ nợ có rủi ro ít nhất là 5,76%.

WB nhận xét, chất lượng vốn vay đối với tín dụng tiêu dùng - chiếm khoảng 12,5% tổng tín dụng năm 2021 - đã xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 5,5% trong năm 2020 lên 9,4% trong năm 2021. Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn trên toàn hệ thống ở mức 11,5% trong quý I/2022, vẫn cao hơn so với yêu cầu quản lý nhà nước (9%), nhưng vốn mỏng và tỷ lệ dự phòng khác nhau ở các ngân hàng là một vấn đề quan ngại.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có sự phân hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 khi nợ xấu trung bình của nhóm ngân hàng niêm yết tăng 0,2%, lên mức 2,1% vào cuối quý II/2022. Cụ thể, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như Vietcombank, Techcombank, ACB... duy trì được tỷ lệ nợ xấu thấp, trong khi các ngân hàng nhỏ ghi nhận nợ xấu tăng đáng kể, có ngân hàng vượt ngưỡng 10%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có nguy cơ gia tăng trong nửa cuối năm 2022, do các khoản nợ tái cơ cấu đã hết thời gian ân hạn.

Theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19 lên hệ thống ngân hàng như Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021, Thông tư 14/2021, nhiều khoản cho vay khách hàng được phép tái cơ cấu và được giữ nguyên nhóm nợ (nợ nhóm 1 - đủ tiêu chuẩn), nhưng kết thúc vào ngày 30/6/2022.

Ông Nghĩa phân tích: “Đến hết thời gian ân hạn, nếu khoản nợ tái cơ cấu không được trả đúng định kỳ thì sẽ ngay lập tức trở thành nợ xấu (bỏ qua bước chuyển sang nợ nhóm 2 - nợ cần chú ý) và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng ngân hàng hoặc tại các tổ chức tín dụng khác sẽ bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất”.

Trường hợp khoản nợ tái cơ cấu có thể hoàn thành giai đoạn thử thách - trả nợ gốc và lãi phát sinh đầy đủ trong 3 tháng liên tiếp sẽ được chuyển lại về nợ nhóm 1 sau khi kết thúc thời gian ân hạn. Mặc dù vậy, xu hướng chung của nợ xấu nhiều khả năng là gia tăng trong nửa cuối năm 2022, vì đa phần nợ tái cơ cấu phát sinh trong quý III/2021.

“Tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, tỷ lệ Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng khác nhau cũng sẽ dẫn đến nợ xấu của từng ngân hàng khác nhau”, ông Nghĩa nói.

Xung quanh vấn đề này còn là câu chuyện tỷ lệ dự phòng nợ xấu giữa các ngân hàng có sự phân hóa trong nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, không ít ngân hàng bắt đầu tiết giảm chi phí dự phòng, dù các khoản nợ tái cấu trúc đang dần kết thúc thời gian ân hạn, đi kèm với tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Tài sản bảo đảm: “Dây neo” vững chắc

Các biện pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ được kết thúc vào cuối tháng 6/2022 có thể che giấu một số vấn đề về chất lượng tài sản.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, các ngân hàng có phát mại tài sản đảm bảo cũng gặp khó khăn vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings khẳng định, tài sản bảo đảm là một phần quan trọng cho hoạt động tín dụng hay vốn nợ nói chung, nhất là với tín dụng ngân hàng. Do đó, việc thẩm định tài sản bảo đảm là một công việc quan trọng.

“Sản phẩm trái phiếu hay khoản vay tín dụng được cấu trúc có tài sản bảo đảm sẽ góp phần tạo áp lực lên doanh nghiệp và các chủ thể liên quan (ví dụ dùng tài sản của chính chủ doanh nghiệp hoặc công ty liên quan) trong việc sử dụng vốn đúng mục đích và kỷ luật trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ hơn là một trái phiếu không có tài sản bảo đảm, giúp nhà đầu tư thêm phần yên tâm”, ông Tùng Anh nói.

Ngoài ra, theo ông Tùng Anh, trong tình huống rủi ro xảy ra như doanh nghiệp không thể xoay xở hay tái cấu trúc để thực hiện nghĩa vụ nợ thì giá trị thanh lý tài sản thế chấp đó cũng là giải pháp thu hồi một phần hoặc toàn bộ lãi và gốc của khoản tín dụng hay trái phiếu đó. Tất nhiên, với những đặc thù của thị trường Việt Nam, xử lý tài sản là một vấn đề lớn nếu như không gắn với một hoặc nhiều khoản vay từ một tổ chức tín dụng.

Ông Tùng Anh cho biết, nếu tài sản bảo đảm là trái phiếu và được mua bởi nhiều nhà đầu tư, thì vai trò của đơn vị quản lý tài sản thế chấp trở nên quan trọng, nhằm đảm bảo quyền lợi và thứ tự ưu tiên cho nhà đầu tư.

Đối với các tài sản bảo đảm là cổ phiếu, ưu điểm là khả năng thu hồi nhanh nếu như cổ phiếu đó có thanh khoản cao và được hỗ trợ tích cực bởi thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, rủi ro trên thị trường cổ phiếu rất lớn và gây khó khăn cho việc định giá tài sản thế chấp cũng như xác định hạn mức tín dụng một cách phù hợp.

“Với mục đích thực hiện xếp hạng tín nhiệm nói chung và của FiinRatings nói riêng, chúng tôi sẽ tập trung vào đánh giá chất lượng tài sản bảo đảm, bao gồm khả năng thu hồi khi mức xếp hạng trái phiếu hoặc công cụ nợ đó ở khu vực rủi ro cao. Đối với các tổ chức phát hành hoặc công cụ nợ của họ có mức điểm nằm ở khu vực đầu tư hoặc rủi ro thấp thì việc thẩm định tài sản bảo đảm là quan trọng, nhưng không mang yếu tố quyết định. Điều này cũng là thông lệ và thực tế cho các khoản vay tín chấp hoặc trái phiếu không có tài sản bảo đảm được chấp nhận bởi các nhà đầu tư trên thị trường vốn hiện nay”, ông Tùng Anh chia sẻ.

Thực tế, tình hình kinh tế chung vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhưng theo các chuyên gia, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có khả năng duy trì mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt. Còn các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn) và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nên thận trọng.

“Dù các ngân hàng này (tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn) sở hữu tỷ lệ nợ tái cơ cấu và nợ xấu thấp, nhưng rủi ro các doanh nghiệp lớn không hoàn thành các nghĩa vụ nợ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô biến động. Việc này có thể dẫn đến gánh nặng trích lập dự phòng trong dài hạn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngày 26/8/2022 ,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Cùng ngày, Thống đốc ký Văn bản số 5961/NHNN-TTGSNH yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Tin bài liên quan