Nợ xấu và… nợ tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiếm tới 37% vốn hóa hai sàn niêm yết tính đến thời điểm 7/11/2023 và thường xuyên có giá trị giao dịch đạt khoảng 20% thanh khoản, nên dễ hiểu vì sao cổ phiếu ngân hàng được gọi là “cổ phiếu vua”, luôn có mặt trong bất cứ xu hướng dài hạn nào của thị trường.

Tuần qua, khi nhà đầu tư “ôm cổ” thở phào vì VN-Index từ mức sát 1.000 điểm “thốc” lên trên mốc 1.100 thì cổ phiếu ngân hàng cũng ngập màu xanh, một loạt trụ cứng như VCB, BID, TCB, VPB, MBB... góp công lớn cho đà tăng của chỉ số, đặc biệt trong phiên 8/11 khi dòng tiền ùn ùn đổ vào khiến VN-Index tăng 33,14 điểm và thanh khoản đã lâu lắm mới ở mức trên 20.000 tỷ đồng.

Nhưng tác động của nhóm ngân hàng không chỉ ở trọng số và thanh khoản, bởi bất cứ một động thái chính sách tín dụng hay bức tranh hoạt động nào của các ngân hàng cũng được các nhà đầu tư theo dõi sát sao và lấy đó làm"kim chỉ nam” cho các quyết định mua bán.

Chẳng hạn, sự hồi phục của VN-Index tuần rồi bên cạnh yếu tố các mã cổ phiếu đã được chiết khấu sâu, thông tin mặt bằng lãi suất huy động đồng loạt xuống dưới 6%/năm và việc Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu khiến dòng tiền trở nên mạnh mẽ với suy đoán rằng, kênh chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn đáng kể so với kênh tiết kiệm và tiền ra sẽ dồi dào hơn.

Trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong Tiêu điểm tuần này của Đầu tư Chứng khoán với chủ đề “Nội soi nợ xấu ngân hàng”, một số chuyên gia cho rằng, nhóm này vẫn còn cửa tăng trong ngắn hạn nhưng dư địa tăng thực ra sẽ không nhiều vì hai nguyên nhân.

Thứ nhất, khoảng cách từ giá cổ phiếu ngân hàng hiện tại cho tới mức giá trên đỉnh tạm thời của VN-Index vào tháng 9/2023 là không lớn. Tại đỉnh cũ, giá cổ phiếu sẽ gặp lực cung lớn và cần thời gian để hấp thụ. Thứ hai, dòng tiền vào thị trường hiện tại dù đã tăng nhưng vẫn chưa đủ lớn để có thể “đẩy” một dòng cổ phiếu nặng như dòng ngân hàng.

Một bức tranh khác không chỉ tác động tới cổ phiếu ngân hàng, tới chứng khoán, mà có ảnh hưởng lớn đến dòng tín dụng chảy ra nền kinh tế là bức tranh nợ xấu.

Chỉ xét riêng các ngân hàng thương mại niêm yết, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 đã tăng từ 2,09% lên 2,24%. Dù có điểm tích cực là các khoản nợ quá hạn bắt đầu hạ nhiệt, nhưng trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế còn yếu, khả năng cao là phần tỷ lệ nợ quá hạn được chuyển sang nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong quý IV này. Đồng thời, đặc thù của việc ghi nhận nợ xấu sẽ có độ trễ, khi nào khoản vay đến kỳ đáo hạn thì mới ghi nhận nên nợ xấu của nhóm ngân hàng khả năng sẽ còn kéo dài sang quý I/2024.

Nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức trên 150% quý II/2022 về còn khoảng 75% vào quý vừa qua tất yếu dẫn tới xu hướng ngân hàng phải rút lợi nhuận sang để “phòng thủ” nhiều hơn là tập trung vào tăng trưởng trước mắt, đồng thời sẽ chặt chẽ hơn với các khoản cho vay để đề phòng bức tranh nợ xấu trở nên xấu hơn.

Nói “nợ xấu… làm khổ nợ tốt” như lời một chuyên gia chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán chính là ở ý này.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nắm giữ hoặc quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng có lẽ sẽ phải nhìn dài hơn, ít nhất là đến đầu năm 2024 khi nợ xấu đạt đỉnh và thoái trào, chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối và đặc biệt là khi các thực thể kinh tế trở nên khỏe mạnh hơn khiến ngân hàng dễ minh định các khoản “nợ tốt” để yên tâm giải ngân.

Ban Biên tập

Tin bài liên quan