Nỗi lo suy thoái ở châu Âu đang khiến một số doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cực cao

Nỗi lo suy thoái ở châu Âu đang khiến một số doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cực cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phục hồi mạnh mẽ của các tài sản tài chính rủi ro đã khiến những doanh nghiệp đi vay yếu nhất châu Âu bị bỏ lại phía sau, với nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn tồn tại trong khu vực cũng như sự lạc quan ngày càng tăng về một cuộc hạ cánh mềm của Mỹ.

Theo chỉ số Ice BofA theo dõi khu vực trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng CCC trở xuống, trái phiếu doanh nghiệp rủi ro nhất châu Âu hiện có lợi suất trung bình là 19,66%. Điều này có nghĩa mức chênh lệch lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp so với trái phiếu chính phủ là hơn 18 điểm phần trăm tại châu Âu.

Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp Mỹ được xếp hạng thấp nhất có lợi suất trung bình là 13,47%, do đó mức chênh lệch lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp so với trái phiếu chính phủ là dưới 9 điểm phần trăm. Chênh lệch tín dụng giữa Mỹ và châu Âu trong tháng này đã dao động ở mức rộng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đối với một số nhà kinh tế và nhà đầu tư, khoảng cách giữa những chênh lệch này nhấn mạnh những quan điểm khác nhau về sức khỏe của nền kinh tế châu Âu và Mỹ.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu xếp hạng CCC giữa Mỹ và châu Âu

Chênh lệch lợi suất trái phiếu xếp hạng CCC giữa Mỹ và châu Âu

Torsten Sløk, nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Apollo cho biết: “Nó thực sự chủ yếu phản ánh những lo ngại và rủi ro về suy thoái kinh tế ở châu Âu so với việc hạ cánh mềm ở Mỹ. Kịch bản của Mỹ liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ nhiệt thành công nền kinh tế lớn nhất thế giới mà không gây ra suy thoái mạnh”.

Gần đây nhất là vào đầu tháng 11, các nhà đầu tư ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đã lo ngại về tác động của lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn”, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tiến hành cuộc chiến kiểm soát lạm phát. Tại Mỹ, Fed đã tăng chi phí vay từ gần 0 vào tháng 3/2022 lên phạm vi 5,25-5,5%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa lãi suất lên 4%.

Tuy nhiên, những lo ngại về việc Fed thắt chặt hơn nữa đã dần giảm bớt vào tháng trước do có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt. Mọi lo ngại còn sót lại đã bị dập tắt vào tuần trước, khi các nhà hoạch định chính sách cho biết họ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản vào năm 2024, trong đó Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng chu kỳ thắt chặt đã kết thúc.

Kể từ đó, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ, lợi suất trái phiếu Kho bạc của Mỹ sụt giảm mạnh và chứng khoán Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, các quan chức ECB đã bác bỏ kỳ vọng về việc sắp hạ lãi suất.

Sự khác biệt giữa chênh lệch tín dụng giữa châu Âu và Mỹ chủ yếu diễn ra ở phần yếu nhất của dải chất lượng tín dụng. Trong khi những chuyển động trong dải chỉ số trái phiếu có xếp hạng cao hơn cho cả hai khu vực là tương đương nhau.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu lợi suất cao giữa Mỹ và châu Âu

Chênh lệch lợi suất trái phiếu lợi suất cao giữa Mỹ và châu Âu

Mức chênh lệch lợi suất trung bình của chỉ số trái phiếu lợi suất cao của Mỹ đã thắt chặt 1,01 điểm phần trăm kể từ ngày 1/11 xuống còn 3,46 điểm phần trăm, với hầu hết biến động đó xảy ra trong tháng 12. Trong cùng khung thời gian, chênh lệch lợi suất của chỉ số trái phiếu lợi suất cao của châu Âu đã thắt chặt 0,88 điểm phần trăm xuống còn 3,94 điểm phần trăm.

Đối với xếp hạng CCC, mức chênh lệch lợi suất của Mỹ đã thắt chặt 1,62 điểm phần trăm kể từ ngày 1/11, với 0,81 điểm phần trăm của động thái đó xảy ra trong tháng 12. Trong khi ở châu Âu, mức thắt chặt chỉ 0,04 điểm phần trăm.

“CCC rõ ràng gặp khó khăn trong môi trường suy thoái. Khả năng tạo ra tiền mặt của họ cuối cùng là những gì đang được định giá”, nhà kinh tế Torsten Sløk cho biết.

Các chiến lược gia cũng nhấn mạnh rằng quy mô của xếp hạng CCC của châu Âu nhỏ hơn nhiều so với chỉ số của Mỹ và dễ bị ảnh hưởng bởi các công ty riêng lẻ hơn, điều này khiến việc so sánh giữa hai chỉ số này trở nên phức tạp hơn. Theo dữ liệu của Ice BofA, chỉ số này chỉ có giá trị 26,8 tỷ USD tính theo đồng đô la, thấp hơn nhiều so với giá trị 172 tỷ USD theo chỉ số trái phiếu xếp hạng CCC của Mỹ.

Tatjana Greil-Castro, đồng giám đốc thị trường tại Muzinich cho biết: “Phần được đánh giá thấp nhất của thị trường lợi suất cao ở châu Âu chỉ bao gồm một số trái phiếu, do đó, một số ít tên tuổi giao dịch rất thấp có thể đẩy mức trung bình chung rộng hơn đáng kể. Chúng tôi thấy giá trị ở thị trường lợi suất cao ở châu Âu, nhưng người ta cần biết rõ tên và hiểu rủi ro tái cấp vốn của từng tổ chức phát hành riêng lẻ”.

Nhà kinh tế Torsten Sløk cho biết: “xếp hạng CCC ở Mỹ và châu Âu phản ánh những lo lắng về việc có xảy ra suy thoái kinh tế hay không”.

“Nếu không còn lo lắng về suy thoái kinh tế ở Mỹ nữa và lo lắng nhiều hơn về suy thoái kinh tế ở châu Âu, thì việc chênh lệch lợi suất đang ngày càng gia tăng là điều hợp lý”, ông cho biết thêm.

Tin bài liên quan