Thay vì đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền “nhàn rỗi” tạm thời lên tới nghìn tỷ của các “ông lớn” Nhà nước được đem gửi ngân hàng lấy lãi. Ảnh minh họa

Thay vì đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền “nhàn rỗi” tạm thời lên tới nghìn tỷ của các “ông lớn” Nhà nước được đem gửi ngân hàng lấy lãi. Ảnh minh họa

“Ông lớn” Nhà nước ôm nghìn tỷ gửi ngân hàng lấy lãi: Bí kênh đầu tư?

Thay vì đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền “nhàn rỗi” tạm thời lên tới nghìn tỷ của các “ông lớn” Nhà nước được đem gửi ngân hàng lấy lãi.

“Kiếm” bội tiền từ gửi ngân hàng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố, PetroVietnam có gần 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của PetroVietnam có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại. Nhờ khoản tiền khổng lồ gửi ngân hàng mà năm 2015, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Petro Vietnam lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Sabeco là một trong những đại gia Việt ôm cục tiền gửi ngân hàng. Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2016 của công ty mẹ Sabeco, tại thời điểm cuối tháng 6, tiền và các khoản tương đương tiền của Sabeco là 8.357 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tương đương tiền lên tới gần 8.200 tỷ đồng, chiếm 98% tổng tiền.

Theo Sabeco, các khoản tương đương tiền 8.200 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 – 6,2%/năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2%/năm.

8.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng góp phần không nhỏ vào khoản doanh thu hoạt động tài chính của Sabeco. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này tại Sabeco đạt  679 tỷ đồng. Trong đó có tới 218 tỷ đồng là tiền lãi gửi ngân hàng, cổ tức lợi nhuận được chia chiếm tỷ trọng lớn hơn khi đạt 449 tỷ đồng.

Một ông lớn khác ngành bia là Habeco cũng thường xuyên gửi ngàn tỷ vào ngân hàng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016, tại thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng tiền của Habeco 2 là 3.184 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn lên đến 1.481 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn là 813 tỷ đồng. Chỉ tiêu này hồi đầu năm 2016 là 1.156 tỷ đồng. Vì dành quá nhiều tiền gửi tiết kiệm nên lãi tiền gửi, tiền cho vay tại Habeco lên tới 64,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu tài chính.

Là doanh nghiệp đại diện đi đầu tư vốn cho Nhà nước nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại đem một lượng tiền lớn gửi ngân hàng lấy lãi. Cụ thể, tính đến 31/12/2015, SCIC có khoảng gần 25.000 tỷ đồng gửi ngân hàng thương mại. Ngoài ra, lượng tiền mặt lớn được công ty đem đầu tư vào các trái phiếu, cho vay lại. Khoản tiền gửi ngân hàng lớn này cũng đem lại hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho SCIC trong năm 2015.

Tính đến hết tháng 6/2016, lượng tiền mặt gửi ngân hàng của SCIC vẫn ổn định trên mức 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, số lãi trong bối cảnh ngân hàng chạy đua lãi suất sẽ được tăng lên. Năm 2016, SCIC vẫn đặt mục tiêu thu lãi tiền gửi ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.

Các khoản tiền mặt nắm giữ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngày càng có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 6, VNPT nắm giữ hơn 5.344 tỷ đồng, tăng hơn 121 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi mức tiền mặt của cuối năm 2014 đạt khoảng 4.270 tỷ đồng. Do đó, Tập đoàn ghi nhận doanh thu tài chính bán niên lên tới 415 tỷ đồng.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2015, cũng nắm giữ khoảng 2.896 tỷ đồng tiền mặt. Đây chủ yếu là khoản tiền của Quỹ hỗ trợ cổ phần hoá doanh nghiệp để lại để sắp xếp tái cơ cấu tổng công ty. Lãi tiền gửi năm 2015 được ghi nhận là 86 tỷ đồng….

Bí kênh đầu tư

Câu hỏi đặt ra là tại những “đại gia” Nhà nước là “vua tiền mặt” đó lại ôm cục tiền trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ gửi ngân hàng mà không đưa lượng tiền khủng đó vào hoạt động sản xuất kinh doanh?

Ở góc độ tài chính, dòng tiền luôn luân chuyển, đem gửi ngân hàng cũng là khoản đầu tư sinh lời, an toàn. Nửa đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng đã nhích nhẹ thêm từ 0,1-1%/năm. Thời điểm đầu quý II/2016, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động nhằm hút mạnh dòng tiền, đảm bảo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng “bùng nổ” vào cuối năm.

Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, việc các doanh nghiệp lớn duy trì lượng tiền gửi vào ngân hàng là một yếu tố hỗ trợ các nhà băng đảm bảo thanh khoản vốn kịp thời. Tuy nhiên, việc giữ tiền mặt trong túi cũng đầy rủi ro khi tỷ giá, lạm phát tăng cao… Đặc biệt, việc giữ tiền mặt lớn triền miên năm này qua năm khác lại thể hiện việc bí trong kênh đầu tư.

Bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào đều có thể tự hào khi sở hữu lượng tiền mặt khủng. Nhưng nếu xét ở khía cạnh đầu tư, để quá nhiều tiền trong két hoặc gửi ngân hàng có nghĩa doanh nghiệp đầu tư kém hiệu quả, hoặc không biết, không dám đầu tư.

Đại diện một lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước khi được hỏi về việc này cũng cho biết rằng đây là nguồn tiền nhàn rỗi khi chưa có kênh đầu tư khả thi nên chọn gửi tại một vài ngân hàng thương mại có lãi suất cao. Nguồn tiền này được đóng vai trò dự phòng cho doanh nghiệp khi có dự án, cơ hội đầu tư đến là có thể triển khai ngay.

Tin bài liên quan