Phương thức thanh toán bằng mã QR rất phổ biến hiện nay được thực hiện trên nền tảng Open Banking

Phương thức thanh toán bằng mã QR rất phổ biến hiện nay được thực hiện trên nền tảng Open Banking

Open Banking "len lỏi" vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Open Banking sẽ là công cụ đắc lực để các ngân hàng lồng ghép hoạt động của mình vào quy trình hàng ngày của từng khách hàng.

Một tư tưởng mới xuất hiện

Cô gái đỗ xe máy trước thúng xôi Phú Thượng của hai vợ chồng trên đường Quán Thánh, Hà Nội hỏi: “Em quên mang ví, anh chị có mã QR không để em chuyển khoản”. Anh chồng nhanh chóng chìa một mã QR được in và dán sẵn trên tấm bìa cứng và 10.000 đồng đã được thanh toán trong vài giây.

Hương Nguyễn, cô gái bán hàng online từ Đức về Việt Nam đã rất bất ngờ khi khách hàng hướng dẫn tạo mã QR để thuận tiện khi thanh toán. Và chỉ sau vài giây chuyển khoản, Hương có thể kiểm tra được tiền đã về tài khoản của mình hay chưa.

“Ở bên này (Đức), hệ thống ngân hàng lạc hậu hơn chị ạ, chuyển khoản từ ngân hàng A sang ngân hàng B phải hơn một ngày tiền mới về tài khoản”, Hương nói.

Còn bà Trang, chủ một tiệm bán trà sữa cho biết: “Trước đây, đặc biệt là giai đoạn dịch Covid-19, mỗi khi nhận tiền mặt khách hàng thanh toán là âm thầm đi rửa tay và rửa cả tiền. Giờ có mã QR mọi việc trở nên đơn giản hẳn, tôi luôn khuyến khích khách hàng thanh toán tiền hàng qua mã QR để vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo cả khách hàng và cửa hàng không bị nhầm lẫn về khoản tiền”.

Để có được những thao tác nhanh, thuận tiện, an toàn trên, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Phát triển Ngân hàng số, BIDV cho biết, đó là mô hình giao dịch Open Banking - ngân hàng mở.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) chia sẻ, khi nói đến ngân hàng mở có thể hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty Fintech. Trong mô hình ngân hàng mở có 3 chủ thể chính tham gia gồm ngân hàng, bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Thông tin tại “Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” vừa diễn ra cho biết, ngân hàng mở là một tư tưởng mới xuất hiện trong ngành ngân hàng. Năm 2016, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường của Vương quốc Anh (Competition and Markets Authority - CMA) đã yêu cầu bắt buộc 9 ngân hàng lớn nhất nước này cho phép khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ chia sẻ dữ liệu an toàn với các ngân hàng khác và bên thứ ba. Theo đó, các ngân hàng cho phép các bên thứ ba (TPP) viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ chính dữ liệu của ngân hàng, khách hàng có thể so sánh sản phẩm của các ngân hàng, quản lý tài khoản mà không cần thông qua ngân hàng.

Vào tháng 1/2018, thuật ngữ Open Banking lần đầu xuất hiện trong Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) của Liên minh châu Âu. Theo PSD2, ngân hàng mở cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba (các công ty Fintech, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến...) được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật.

Tính đến tháng 11/2019, ngân hàng mở đã phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia, ít nhất 87% nền kinh tế trên thế giới đã triển khai các hình thức khác nhau của Open API (theo Tạp chí Finance Monthly). Đức, Anh, Singapore, Nhật Bản... là những quốc gia triển khai từ rất sớm thông qua xây dựng các dự án triển khai, ban hành chủ trương, chính sách, các chương trình khuyến khích các bên tham gia.

Chỉ riêng ở châu Âu, tính đến 12/2021, có 529 nhà cung cấp dịch vụ được phép truy cập dữ liệu của ngân hàng mở (theo Mastercard). Tại châu Á, tính đến hết năm 2020, đã có 77 nền tảng ngân hàng mở, gần 1.500 sản phẩm - dịch vụ có liên quan với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 228% (theo Báo cáo về xu hướng chuyển đổi Open Banking năm 2020 của Axway). Trong đó, với việc ra mắt hạ tầng Open Banking Platform (OBP) vào tháng 8/2016, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai cơ sở hạ tầng Open API chung cho các tổ chức tài chính. Hàn Quốc cũng là một trong số ít quốc gia châu Á triển khai thành công ngân hàng mở.

Cần một trung tâm về API

Tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, 72,3% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API). Khoảng 65% TCTD sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API. Nhiều TCTD đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng, bên cạnh đó là nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng Open API như Open API Connect của IBM; WS02 open source, APIGee của Google…

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ: “Khi mỗi người thức dậy mỗi ngày, nhu cầu của họ không phải là đến ngân hàng mà là đi lại, mua sắm, ăn uống... Những ứng dụng họ sẽ truy cập có thể kể đến như Grab, Agoda, Shopee... Nếu ngân hàng không lồng ghép hoạt động của mình vào quy trình hàng ngày của khách hàng thì sẽ nhanh chóng bị loại sang một bên”.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay, việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

Dẫn chứng từ thực tế, Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho hay, gia đình ông vừa nhận được một hóa đơn dịch vụ với 2 lựa chọn thanh toán: Một là, vào app của khu căn hộ để trả tiền; hai là, đơn vị cung cấp dịch vụ thông báo qua email cho là chuyển tiền vào số tài khoản với nội dung ABC…

“Việc này nói lên câu chuyện, chúng ta đã có Open API nhưng không tích hợp nên mỗi người một nẻo, mỗi người một khúc. Hiện nay, một người dùng có thể phải cài nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ. Nếu chúng ta đã có Open API, Open Banking và kết nối liên thông, giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán của gia đình tôi sẽ được hiển thị trên một nền tảng, sau khi thanh toán sẽ có thông báo là không còn hóa đơn nào nữa”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng: “Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API khiến các đơn vị Fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu, chúng ta cần có 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào một nơi mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng”.

Ông Đoàn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) thông tin, mô hình ngân hàng mở hoạt động dựa trên nền tảng API mở để kết nối với nhiều bên nên việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ cung cấp đã tạo nên các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.

“Để triển khai hiệu quả ngân hàng mở cần có tiêu chuẩn chung về kết nối, cho phép chia sẻ dữ liệu ngân hàng mở của khách hàng (gồm thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, số dư tài khoản khách hàng, điểm tín nhiệm tài chính của khách hàng…)”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, Open API giờ đây đã không chỉ giới hạn trong Open Banking, mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế như Open Finance, Open Data… Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp cho toàn bộ chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành Fintech - tài chính, mà còn đến các công ty bán lẻ, dịch vụ logistic…, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.

“Tôi nghĩ sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Tôi nghĩ nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ”, ông Long nói.

Hợp tác ngân hàng và Fintech liên quan đến Open Banking nên được công khai

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo

Theo một khảo sát năm 2023, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về các dịch vụ tài chính nhúng (banking as service). Open Banking sẽ giúp cho các khách hàng yếu thế có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính đơn giản, dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao tri thức tài chính của khách hàng. Bởi nếu các khách hàng có thể nhìn thấy được các thông số tài chính của mình cũng như các tài sản đang đầu tư, quản lý, điều đó sẽ giúp cho họ hiểu hơn về quá trình đầu tư sẽ mạnh mẽ hơn.

Để chờ đón xu hướng này, MoMo có một số biện pháp như sau: (i) MoMo luôn tập trung đầu tư công nghệ nhằm đảm bảo công nghệ đáp ứng được việc kết nối và chia sẻ dữ liệu liên quan đến dịch vụ Open Banking; (ii) Sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng có thể tiếp cận hệ sinh thái, khách hàng của MoMo thông qua Open Banking; (iii) Đầu tư mạnh mẽ vào công tác bảo mật nhằm đảm bảo việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa Fintech, MoMo với các đối tác được đảm bảo an toàn theo đúng quy định của Nhà nước; (iv) MoMo tổ chức nghiên cứu rất chi tiết liên quan đến việc ứng dụng Open Banking vào việc phát triển các dịch vụ mới trong thời gian tới.

Open Banking là một trong những phương pháp mới giúp thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ tài chính. Thời gian qua, các ngân hàng đã cung cấp dịch vụ Open Banking cho các công ty Fintech, cụ thể là ví điện tử, đã giúp cho thanh toán tiền mặt có những bước phát triển lớn.

Để việc phối hợp này có những kết quả tốt hơn, tôi có những đề xuất sau: Một là, Nhà nước cần có một hành lang pháp lý cho Open Banking để các ngân hàng, Fintech thoải mái và thấy được sự khuyến khích khi tham gia mô hình này; hai là, để có thể triển khai được Open Banking, cần có chuẩn mực liên quan đến kết nối API giúp cho việc kết nối được đảm bảo các quy định, chia sẻ dữ liệu an toàn; ba là, việc hợp tác giữa các ngân hàng và fintech liên quan đến Open Banking nên được công khai để khách hàng có thể nắm được các thông tin này, tạo thêm niềm tin từ công chúng để phát triển mạnh mẽ hơn.

Kết nối API như một xa lộ, giúp cho các ngân hàng, Fintech kết nối với nhau. Nếu xa lộ đó không có làn đường, đèn xanh, đèn đỏ, quy định về an toàn bảo mật… thì sẽ rất hỗn loạn.

Open Banking - Dịch vụ ngân hàng “vô hình” với khách hàng

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Ngân hàng số, BIDV

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Ngân hàng số, BIDV

Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày đều được thực hiện trên điện thoại thông minh với mã QR, từ những dịch vụ đơn giản như cà phê, quán chè vỉa hè, người đánh giầy…, tới những dịch vụ phức tạp hơn như đăng ký vé máy bay, mua bảo hiểm, học phí trường học… Để thực hiện được những việc này, có lẽ API chính là “linh hồn” mang đến sự bùng nổ trong giao dịch, trải nghiệm đa dạng, phong phú cho người dùng.

API là một công nghệ mà các nhà học giả đã đưa lên một khái niệm cao hơn là kinh tế API. Khi API được phổ cập và chia sẻ rộng rãi trở thành open (mở), tạo ra kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhau. Open API đã trở thành một mô hình kinh tế hữu dụng, đặc biệt, các ngân hàng chuyển dịch số, phát triển dịch vụ bán lẻ theo đuổi đó là Open Banking.

Open có ý nghĩa mở, điều này cũng khiến có suy nghĩ cho rằng mở toang hay phơi bày ra hết. Ở một góc độ nào đó cũng đúng, bởi tất cả các dịch vụ, sản phẩm của ngân hàng hiện nay được chia sẻ cởi mở với khách hàng, cộng đồng. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua API để “nhúng” vào hành trình, chuỗi cung ứng, sản phẩm... Các dịch vụ ngân hàng nhiều khi “vô hình” với khách hàng vì khách hàng được nhúng vào các hệ sinh thái khác nhau, không chỉ riêng ngân hàng. Liên quan đến câu chuyện bảo mật, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thông qua chuẩn API mở, an toàn dữ liệu khách hàng còn cao hơn trước đây.

Thời gian qua, các ngân hàng, công ty Fintech, trung gian thanh toán, nhà bán lẻ… vẫn song phương liên kết với nhau, tự tạo các chuẩn mực, đặt ra những cam kết theo từng khẩu vị riêng, nhưng vẫn tuân thủ những yêu cầu an toàn bảo mật của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Open Banking bùng nổ hơn, cho thấy mô hình mang lại lợi ích lớn cho các bên tham gia sẽ cần hành lang pháp lý minh bạch, cụ thể hơn. NHNN đang triển khai các văn bản pháp lý và sẽ sớm ban hành các thông tư về Open API, Sandbox và tôi tin rằng, nếu hành lang pháp lý được ban hành, tốc độ phát triển sẽ còn tăng nhiều lần so với những năm qua.

Open Banking cần cả tiêu chuẩn chung và riêng

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS

Xu hướng Open Banking trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở cả châu Âu lẫn châu Á, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines... Ở Việt Nam, theo tôi biết, việc phát triển Open Banking mang tính tự phát do giữa các bên ngân hàng cung cấp hệ thống Open API để chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ ba nhằm triển khai dịch vụ.

Thuận lợi lớn nhất là các ngân hàng, Fintech và các bên thứ ba đều rất hứng khởi và chủ động trong triển khai dịch vụ Open Banking. Open API cũng được các ngân hàng triển khai từ lâu, đem lại dịch vụ tiện ích và hiệu quả tốt cho người dân cũng như khách hàng. Sự quan tâm của toàn ngành như vậy sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ Open Banking trong tương lai

Dẫu vậy, vẫn có những khó khăn cần tháo gỡ. Thứ nhất, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin… để các ngân hàng và các bên liên quan có thể an tâm triển khai. Thứ hai, để triển khai mạnh mẽ hơn, cần có bộ quy tắc chung bởi hiện nay, các ngân hàng đang triển khai theo tiêu chuẩn của từng ngân hàng và từng ngân hàng cùng các trung gian thanh toán tự thỏa thuận với nhau.

Ngoài tiêu chuẩn chung, cũng cần tiêu chuẩn riêng về sản phẩm, dịch vụ cung cấp và vận hành Open Banking. Chẳng hạn, khi giao dịch lỗi xảy ra sẽ ứng xử như thế nào và việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cần tương xứng và có mặt bằng chung cho các bên tham gia cung ứng dịch vụ. Ngoài các quy chuẩn từ các cơ quan quản lý như NHNN, hướng tới sẽ có một đơn vị vận hành chung, cũng cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết về sản phẩm, dịch vụ, vận hành, ứng xử của các bên khi có vấn đề xảy ra cũng là một vấn đề cần cân nhắc nghiên cứu.

Trong thời gian tới, với sự định hướng của NHNN, sự quan tâm của thành viên liên quan, xu hướng Open Banking sẽ được chuẩn hóa cả về kỹ thuật và cơ sở pháp lý. Trong đó, NHNN sẽ đưa ra các thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, bên thứ ba có thể cung cấp nhiều Open Banking cho khách hàng. Đặc biệt, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS sẵn sàng chuẩn bị cơ sở, sản phẩm, dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng cùng các bên thứ ba cung cấp dịch vụ trên hạ tầng Open Banking.

Vẫn còn khoảng trống trong việc là đầu mối và tích hợp các API với nhau

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank

Trước đây, ngân hàng có xu hướng chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng trên các kênh của mình như quầy giao dịch tại chi nhánh, tổng đài chăm sóc khách hàng hay dịch vụ số của ngân hàng và thường ngân hàng không chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, khách hàng có rất nhiều nhu cầu trong cuộc sống, không ít những nhu cầu này không liên quan đến ngân hàng như đi lại, mua sắm, nghỉ dưỡng… Đây là những nhu cầu chính đáng được phục vụ trên những nền tảng khác của hệ sinh thái số, dẫn đến ngân hàng thấy cần phải cung cấp các dịch vụ tài chính của mình lồng ghép với ứng dụng số để phục vụ ngân hàng tốt hơn. Và ngược lại, các nền tảng khác cũng cần tích hợp dịch vụ của ngân hàng vào hệ sinh thái để mang lại tiện ích, trải nghiệm liền mạch cho người dùng.

Chính vì vậy, dẫn đến việc các ngân hàng cung cấp API, cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các ứng dụng số hóa. Đầu tiên, các ngân hàng chỉ cung cấp cho một số công ty nhất định mà mình có quan hệ, sau đó số lượng công ty ngày càng nhiều hơn, đồng thời số lượng dịch vụ cũng đa dạng hơn… Đó là xu thế của Open Banking, khi mà ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ cho những kênh của mình, mà còn thông qua những API để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các đối tác theo mô hình là B2P, B2C (bank to partner, bank to customer).

Với xu thế ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ trên kênh của mình mà còn thông qua các đối tác là bên thứ ba dẫn đến sẽ có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau. Thế nhưng, ngân hàng nào tạo ra được nền tảng công nghệ tốt nhất, có uy tín trên thị trường để các đối tác Fintech chọn mình thay vì ngân hàng khác; ngân hàng nào tạo ra được mô hình kinh doanh mới đưa đến sự “win-win” giữa khách hàng, Fintech, tạo được vị thế trên thị trường đó mới là những điều quan trọng nhất,

Mỗi ngân hàng sẽ có hệ thống Open API của chính mình dẫn đến một công ty Fintech hay một siêu ứng dụng muốn phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng của những ngân hàng khác nhau phải kết nối với nhiều hệ thống ngân hàng nên mất khá nhiều thời gian và công sức. Đây là thực trạng hiện tại, nhưng tôi dự đoán trong tương lai, sẽ có các công ty triển khai dịch vụ như một broker gom API của các ngân hàng lại thành một API duy nhất. Đây là khoảng trống để các công ty Fintech có thể thực hiện được vai trò của mình trong việc là đầu mối và tích hợp các API với nhau.

Tin bài liên quan