PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS: Nên sớm chuyển việc sử dụng trần tín dụng sang tiền cơ sở và cung tiền

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS: Nên sớm chuyển việc sử dụng trần tín dụng sang tiền cơ sở và cung tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  "Nên sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ".

Đó là kiến nghị của PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tại hội thảo “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid” do VESS phối hợp với Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức ngày 24/11.

Thay vì áp trần tín dụng nên kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền

Thay vì áp trần tín dụng, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng cần kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền, điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu và giám sát chặt chẽ các Ngân hàng thương mại bao gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỷ lệ cho vay trên huy động, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Về tác động của việc áp dụng trần tín dụng có thể giúp kiểm soát trực tiếp tới từng ngân hàng, dễ dàng điều tiết nguồn lực tới các ngành nghề và khuyến khích doanh nghiệp đi vay nước ngoài. Nhưng theo ông Thế Anh, chính sách này cũng sẽ làm ngân hàng nhà nước trở nên kém cạnh tranh hơn (thị phần ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh), hệ thống dư thừa dự trữ thường là do hậu quả của việc tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách (Ngân hàng trung ương mua Trái phiếu chính phủ) và nắn dòng vốn từ ngân hàng vào trái phiếu chính phủ làm giảm đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, việc áp trần tín dụng còn khó kiểm soát khi tín dụng có thể trá hình sang các dạng khác kéo theo nhiều can thiệp hành chính trực tiếp khác, hạn chế sự phát triển của hệ thống tài chính và có nguy cơ chuyển dịch tiết kiệm/tài sản ra nước ngoài.

Trên thế giới những nước nào đang còn sử dụng trần tín dụng? Thực tế các nước OECD đã từ bỏ từ những năm 1970-1980, những nền kinh tế mới nổi bỏ trần tín dụng từ những năm 1990, hầu hết các nước trên thế giới đã chuyển từ việc sử dụng trực tiếp sang các công cụ gián tiếp.

5 khuyến nghị chính sách tiền tệ

Khuyến nghị chính sách về tiền tệ, PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra 5 khuyến nghị.

Thứ nhất, ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng cung tiền phải được kiểm soát một cách phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, chính sách tiền tệ phải được thực hiện theo quy tắc minh bạch, dễ dự đoán. Tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột.

Ông Phạm Thế Anh cho hay, một chính sách khó dự đoán, không minh bạch thường gây bất ngờ cho nền kinh tế, từ đó, tạo ra cú sốc rất tiêu cực. Ngược lại, những chính sách tiền tệ được thực hiện theo quy tắc nhất định, chẳng hạn như việc tăng hay giảm lãi suất phải có lý do.

"Lãi suất cả một thời gian dài không tăng nhưng đùng một cái tăng 1% và vài tuần sau tăng tiếp lên 1% nữa gây cú sốc bất ngờ cho thị trường. Những chính sách bất ngờ như vậy khiến môi trường kinh tế rủi ro và người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch dài hạn một cách ổn định", ông Thế Anh nhấn mạnh.

Thứ ba, tăng cường các chính sách cần phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, những chính sách giám sát sự an toàn của hệ thống. Đó có thể là giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, huy động/cho vay trung dài hạn,nợ xấu…

Thứ tư, nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý.

Dẫn chứng từ các nước ASEAN- 5, TS Phạm Thế Anh cho biết, các quốc gia này theo đuổi chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý, song đồng tiền của họ thời gian qua cũng chỉ mất giá tương đương với VND. Trong khi đó, các nước này lại không vướng vào vấn đề lãi suất.

Việt Nam cố tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Chúng ta theo đuổi chính sách neo tỷ giá, bảo vệ tỷ giá, nhưng cuối cùng vẫn không bảo vệ được. Thế nhưng, lãi suất tăng lên 2 con số, trong khi các nước ASEAN - 5 lãi suất chỉ từ 3 - 5%. Không môi trường nào lãi suất cao như Việt Nam.

Thứ năm, loại bỏ các can thiệp hành chính. Mục tiêu cao nhất của kiểm soát lạm phát là kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là tiền cơ sở (tiền in ấn mới phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước), không phải kiểm soát tín dụng. Bởi, tín dụng là hoạt động phải tuân theo quy tắc thị trường; các ngân hàng tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hệ thống, ngân hàng sẽ được phép tự do kinh doanh nguồn vốn họ huy động được.

Thông tin tại hội thảo, ông Thế Anh cho biết, trong giai đoạn 2010-2021, nợ công của Việt Nam đã tăng 3,2 lần (từ 1,144 triệu tỷ đồng lên 3,655 triệu tỷ đồng). Tốc độ nợ công tăng cao và nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế khi trung bình 11,3%/năm.

Về hình thức thì tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ nợ công/thu NSNN lại tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên số Ngân sách Nhà nước thu được cũng theo đó tăng nhanh.

Nhìn sang các nước trong khu vực ASEAN-5, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang khá cao, gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới. Do đó, mục tiêu cao nhất của chính sách tài khóa vẫn phải là đảm bảo tính bền vững của nợ công với các biện pháp đi kèm như ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế, kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách, cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển, thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới. Thêm vào đó, chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.

Tin bài liên quan